Hỗ trợ 500.000 đồng không đủ để người dân mua smartphone khi tắt sóng 2G

Lãnh đạo Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam nhận định, với số tiền hỗ trợ 500.000 đồng hỗ trợ, người dân không đủ mua smartphone khi tắt sóng 2G.

Nội dung này được ông Nguyễn Đức Thông, Phó Giám đốc Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam, đưa ra tại tọa đàm "Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?" do báo VietNamNet phối hợp với Cục Viễn thông tổ chức sáng 18/7.

Liên quan đến việc hỗ trợ 400.000 smartphone cho người nghèo, ông Nguyễn Đức Thông, Phó Giám đốc Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam cho biết, chính sách hỗ trợ này vẫn chưa thực hiện được là do điện thoại thông minh trong chương trình này là để hỗ trợ học sinh học trực tuyến và hỗ trợ người dân chuyển đổi số trước đây.

Sau đó, Bộ Thông tin và Truyền thông thấy nguồn quỹ này có thể thực hiện hỗ trợ cho việc tắt sóng 2G nên chuyển sang.

Ông Nguyễn Đức Thông, Phó Giám đốc Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Ông Nguyễn Đức Thông, Phó Giám đốc Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Ông Thông nêu rõ, Việt Nam có gần 1,6 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, như vậy với số lượng trên chỉ hỗ trợ được hơn 20%.

"Tuy nhiên, các hộ này phải chưa được hỗ trợ máy tính bảng trước đây trong các chương trình hỗ trợ học sinh học trực tuyến và người dân chuyển đổi số, vì thế cần có thời gian để rà soát. Ngoài ra còn phải có sự bình bầu để chọn đối tượng nhận hỗ trợ tại các địa phương. Với số tiền 500.000 đồng/máy, thực tế cũng không đủ mua máy cho người dân, mà chỉ hỗ trợ được một phần nào đó", ông Thông nói.

Trước khó khăn này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị Chính phủ chuyển nguồn tiền dùng để mua máy tính bảng trong các chương trình ở trên sang mua điện thoại thông minh.

"Hiện vẫn đang trong khâu giải trình và cần có thời gian. Đến khi có đủ khung pháp lý để thực hiện chính sách hỗ trợ tới người dân, việc triển khai sẽ được thực hiện", ông Thông đề cập.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, trên thế giới có 77 nước đã có kế hoạch dừng công nghệ 2G, 3G. Đa phần các nước đều dừng vào 2028, chỉ có hai nước dự kiến dừng 2030, trong đó có 37 nước đã hoàn toàn dừng công nghệ 2G.

"Điều này cho thấy, việc chúng ta cùng nhau xây dựng chính sách dừng công nghệ 2G vào 2024, sau đó tắt toàn bộ mạng vào 2026 và dừng 3G vào 2028 là đi đúng xu hướng của thế giới", Phó Cục trưởng Cục Viễn thông khẳng định.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Theo ông Nhã, ở Việt Nam, việc dừng 2G/3G đã được truyền thông về chính sách, chủ trương từ nhiều năm. Nhưng đến nay, vào giai đoạn cuối cùng, vẫn còn một số lượng tương đối lớn khoảng 11 triệu thuê bao 2G, dù trong những tháng qua tốc độ giảm rất nhanh.

Từ nay đến tháng 9/2024, cần có sự quyết tâm cao độ hơn, vào cuộc mạnh mẽ hơn của các nhà mạng, truyền thông của phóng viên.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn, yêu cầu đối với các Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố, thông qua các hệ thống thông tin cơ sở, đài truyền thanh không dây để các nhà mạng truyền thông đến người sử dụng.

Đối với việc đưa ra chính sách không cho thuê bao 2G lưu thông trên thị trường, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các nhà mạng chặn thuê bao 2G không hợp chuẩn, hợp quy vào mạng. Để người dùng hiểu được nội dung này, không phải một sớm một chiều, trong bối cảnh người bán lẻ điện thoại đầu cuối, hàng tồn kho thiết bị đầu cuối 2G, từ góc độ kinh doanh, các kênh bán hàng chắc chắn sẽ tiếp tục giảm giá để thu hồi vốn.

"Đây cũng là một nội dung mà tôi mong muốn cơ quan báo chí, nhà mạng truyền thông đến người sử dụng, không vì tham rẻ, chưa hiểu tường tận sản phẩm mà mua hàng. Một số nhà mạng cương quyết chặn nhưng một số nhà mạng vì quyền lợi khách hàng vẫn cho hòa mạng vài tháng rồi lại có chính sách hỗ trợ, chuyển đổi, mất công cho người sử dụng, ảnh hưởng đến dịch vụ", ông Nhã nói.

Từ góc độ quản lý nhà nước, mục tiêu của Bộ Thông tin và Truyền thông là cùng Chính phủ xây dựng xã hội số, Chính phủ số, đưa người dân lên môi trường mạng.

Thông tư 14/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định danh mục, chất lượng dịch vụ viễn thông công ích và hướng dẫn thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 nêu rõ, hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh (smartphone).

Theo thông tư, đối tượng được hỗ trợ trang bị smartphone gồm các hộ nghèo và cận nghèo với điều kiện: hộ gia đình chưa được hỗ trợ các thiết bị học tập trực tuyến (máy tính bảng, máy tính để bàn, máy tính xách tay) thuộc Chương trình "Sóng và máy tính cho em"; hộ gia đình có nhu cầu hỗ trợ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách nhận hỗ trợ.

Chương trình hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh thông qua doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cho hộ gia đình theo 1 trong 2 hình thức.

Hình thức 1: hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh kết hợp với hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông di động mặt đất cho hộ gia đình (sau đây gọi tắt là gói dịch vụ hỗ trợ kết hợp).

Hình thức 2: hỗ trợ bằng tiền (nếu hộ gia đình thuộc danh sách được hỗ trợ đã tự mua điện thoại thông minh kể từ ngày 12/12/2022).

Trường hợp hỗ trợ bằng tiền, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/hộ.

Anh Văn

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ho-tro-500-000-dong-khong-du-de-nguoi-dan-mua-smartphone-khi-tat-song-2g-ar883812.html