Hỗ trợ phụ nữ thực hiện các tiêu chí nước sạch và vệ sinh môi trường
Việc hỗ trợ phụ nữ thực hiện các tiêu chí về nước sạch và vệ sinh môi trường không chỉ là trách nhiệm riêng của tổ chức Hội Phụ nữ, sự hướng dẫn của ngành Y tế, mà cần sự đồng hành từ chính quyền, doanh nghiệp, các tổ chức, cơ quan, đơn vị và sự chung tay của toàn xã hội.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh vận động tài trợ trao tặng thiết bị lọc nước cho người dân xã Bình Thạnh (Đức Trọng)
Để tạo điều kiện cho phụ nữ được hỗ trợ, tiếp cận và thực hiện hiệu quả các tiêu chí về nước sạch và vệ sinh môi trường, trong những năm qua, nhiều mô hình và hoạt động đã được triển khai rộng rãi như: Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và “Gia đình 5 có, 3 sạch”, Mô hình “Sạch vườn, sạch bếp, sạch ngõ” tại xã Lộc An, Bảo Lâm; Mô hình “Ngôi nhà xanh” tại xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng; Dự án “Quỹ quay vòng vệ sinh”; Mô hình “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch kiểu mẫu” tại thôn Đồng Lạc 4, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của phụ nữ trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng nước sạch, cải thiện điều kiện vệ sinh, từ đó đóng góp tích cực vào việc thực hiện các tiêu chí trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới.Theo kết quả cập nhật Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch nông thôn tỉnh Lâm Đồng năm 2023: Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh chiếm 97,42%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam chiếm 38,95%; tỷ lệ hộ dân nông thôn chưa được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt đạt chất lượng nước sạch chiếm 61,05%. Ngoài ra, sự chêch lệch về tiếp cận nguồn nước sạch trong khu vực nông thôn giữa khu vực dân cư tập trung gần thành thị hoặc trung tâm xã với khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS cũng tương đối lớn. Một số công trình cấp nước bị hư hỏng, xuống cấp do thiếu kinh phí bảo trì hoặc do người dân chưa có ý thức bảo quản làm cho nguồn nước sạch cũng bị suy giảm.
Bên cạnh những bất cập, khó khăn về cung cấp nguồn nước sạch, vấn đề vệ sinh môi trường cũng đáng quan tâm và lo ngại. Theo kết quả báo cáo chương trình vệ sinh môi trường từ Trung tâm Y tế các huyện, thành phố năm 2024 thì tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 92,5%.Ông Trần Đức Trung - Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho biết: Từ những thực trạng nêu trên, cần phát huy vai trò của phụ nữ trong thực hiện tiêu chí nước sạch và vệ sinh môi trường góp phần lớn vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, bởi phụ nữ là lực lượng nòng cốt trong đời sống gia đình, có vai trò đặc biệt trong việc duy trì và phát triển các thói quen vệ sinh, sử dụng nước an toàn và bảo vệ môi trường sống. Các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng đã triển khai hiệu quả các Phong trào “Phụ nữ sống xanh”, “Ngôi nhà xanh”, “Thu gom rác thải tái chế gây quỹ”... với sự tham gia đông đảo và chủ động của hội viên. Hàng ngàn tuyến đường hoa, đường xanh - sạch - đẹp đã được hình thành từ bàn tay của hội viên phụ nữ. Phụ nữ cũng tham gia tự quản vệ sinh tại các tổ dân cư, góp phần giữ gìn vệ sinh nơi công cộng.
Để phụ nữ phát huy được hết vai trò trong việc thực hiện tiêu chí nước sạch và vệ sinh môi trường, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, cần có các giải pháp hỗ trợ phụ nữ cụ thể như: Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của phụ nữ nông thôn, tổ chức tập huấn, truyền thông nhóm nhỏ tại cơ sở tập trung vào các nội dung như vai trò của nước sạch đối với sức khỏe, cách xử lý nước sinh hoạt, phân loại rác thải, tác hại của ô nhiễm môi trường... Phát hành tờ rơi, video, pano tuyên truyền, thiết kế các tài liệu đơn giản, hình ảnh dễ hiểu để phù hợp với đối tượng phụ nữ vùng sâu, vùng đồng bào DTTS. Lồng ghép truyền thông vào các buổi sinh hoạt chi hội, kết hợp các hình thức sân khấu hóa, hội thi, kể chuyện, tiểu phẩm... Qua đó, tăng tỷ lệ phụ nữ hiểu đúng về tiêu chí nước sạch và vệ sinh môi trường, thay đổi hành vi, chủ động giữ gìn vệ sinh hộ gia đình và cộng đồng.
Hỗ trợ xây dựng, nâng cấp công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, tiếp tục mở rộng Quỹ quay vòng vệ sinh cung cấp khoản vay ưu đãi (0 - 0,5%/năm) cho phụ nữ nghèo, cận nghèo để xây dựng nhà tiêu, bể chứa nước, bồn lọc nước... Lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, huy động các nguồn vốn từ nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế để hỗ trợ hộ gia đình chưa có công trình vệ sinh đạt chuẩn. Triển khai Mô hình “Vệ sinh hộ gia đình toàn diện”, hướng dẫn xây dựng đồng bộ nhà tiêu hợp vệ sinh, nơi rửa tay bằng xà phòng, hệ thống thoát nước và thu gom rác sinh hoạt. Từ đó, giảm tỷ lệ hộ không có nhà tiêu hợp vệ sinh xuống dưới 10%, đảm bảo 100% phụ nữ có nơi sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.
Hướng dẫn kỹ thuật xử lý và bảo quản nguồn nước gồm các nội dung: Tập huấn xử lý nước tại hộ gia đình; hướng dẫn cách bảo quản nước sạch; triển khai Mô hình “Bồn nước sạch đến với phụ nữ nghèo”, vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ bồn chứa nước cho các hộ chưa có điều kiện nhằm nâng cao chất lượng sử dụng nước tại hộ gia đình, giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nguồn nước như tiêu chảy, giun sán, viêm da...
Tổ chức mô hình phân loại rác tại nguồn gắn với thu gom tái chế như: Phát động Mô hình “3R” (Reduce - Reuse - Recycle) trong hội viên phụ nữ (giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế); cung cấp thùng rác 2 ngăn cho các hộ tham gia mô hình điểm; xây dựng Mô hình “Ngôi nhà xanh” ở mỗi thôn, xã thu gom rác tái chế để gây quỹ hỗ trợ phụ nữ khó khăn. Mục tiêu ít nhất 70% hộ phụ nữ tham gia mô hình điểm thực hiện phân loại rác đúng cách, hình thành ý thức bảo vệ môi trường từ hộ gia đình, giảm lượng rác chôn lấp.
Nhân rộng mô hình tự quản vệ sinh môi trường do phụ nữ làm nòng cốt, nội dung cụ thể gồm: Thành lập tổ “phụ nữ bảo vệ môi trường” tại các khu dân cư gồm 5 - 10 chị em thay phiên nhau kiểm tra, nhắc nhở, tổng hợp ý kiến cộng đồng; xây dựng tuyến đường xanh - sạch - đẹp do phụ nữ quản lý, vận động chị em trồng hoa ven đường, quét dọn định kỳ, treo khẩu hiệu tuyên truyền; tổ chức “Ngày Chủ nhật xanh” và “Giờ xanh phụ nữ” hàng tháng, gắn trách nhiệm cá nhân với nhiệm vụ chung. Đảm bảo mỗi xã có ít nhất 3 - 5 tuyến đường phụ nữ tự quản, môi trường thôn xóm được cải thiện rõ rệt, tạo hình ảnh tích cực về vai trò phụ nữ trong cộng đồng.
Lồng ghép xây dựng mô hình sinh kế bền vững bảo vệ môi trường như: Triển khai Mô hình Vườn - ao - chuồng - vệ sinh, hướng dẫn phụ nữ chăn nuôi, trồng trọt kết hợp xử lý chất thải hữu cơ làm phân bón. Khuyến khích tái chế đồ cũ, tận dụng nguyên liệu rác để tạo sản phẩm handmade như túi vải, bình hoa từ chai nhựa, xích đu từ lốp xe... Hỗ trợ nhóm phụ nữ khởi nghiệp “xanh”: Làm xà phòng sinh học, phân compost, nước tẩy rửa tự nhiên từ vỏ cam, chanh... Hướng tới giảm rác thải sinh hoạt tại nguồn, đồng thời tạo thêm thu nhập cho phụ nữ, hình thành tư duy “kinh tế xanh” trong phát triển nông thôn mới.
Nâng cao năng lực cho cán bộ Hội Phụ nữ các cấp bằng các hình thức: Tổ chức lớp tập huấn chuyên đề về nông thôn mới, môi trường, nước sạch, cung cấp kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động. Xây dựng tài liệu hướng dẫn mẫu về mô hình bảo vệ môi trường, hướng dẫn các bước thành lập, vận hành, nhân rộng mô hình; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm liên vùng, liên huyện, tổ chức đoàn tham quan, học hỏi các mô hình điểm. Mục tiêu 100% cán bộ Hội cấp xã có kỹ năng triển khai mô hình nước sạch, môi trường; các mô hình có tính lan tỏa và duy trì bền vững sau khi kết thúc hỗ trợ ban đầu.