Hóa giải thách thức để ngành dừa phát triển bền vững

Ngành công nghiệp chế biến dừa Việt Nam hiện đang đối mặt với hàng loạt thách thức, từ nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu, gian lận mã số vùng trồng, đến áp lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Hóa giải được những thách thức này sẽ giúp ngành dừa phát triển bền vững.

Nhiều thách thức

Tại diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa” tại Bến Tre ngày 13/12, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đánh giá, từ khi Bộ NN&PTNT đưa dừa vào danh mục các cây công nghiệp chủ lực đã giúp ngành hàng dừa có sự thay đổi rõ nét. Tuy nhiên, khi các Hiệp định thương mại được ký kết, thuế suất xuất khẩu dừa giảm xuống còn 0% vừa là điều kiện thuận lợi vừa là thách thức nếu không có chiến lược cụ thể.

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường.

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam chia sẻ, nguồn nguyên liệu dừa đang trở nên khan hiếm trầm trọng. Dù các doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở sản xuất hiện đại tại Bến Tre, nguồn cung tại địa phương chỉ đáp ứng được 10-15% công suất nhà máy. Bên cạnh đó, việc nguyên liệu dừa khô được hưởng thuế suất 0% khiến nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sơ chế trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc để chế biến sâu.

Thêm vào đó, từ ngày 1/1/2025, Indonesia - nhà xuất khẩu dừa khô hàng đầu thế giới - sẽ áp dụng thuế xuất khẩu 80%, nhằm giữ lại nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp nội địa. Điều này càng làm gia tăng áp lực lên các doanh nghiệp Việt Nam.

Vấn đề gian lận mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa cũng là một thách thức lớn. Ông Nguyễn Phong Phú - Giám đốc Kỹ thuật Vina T&T Group, cảnh báo rằng tình trạng mua bán hoặc cho thuê mã số vùng trồng đã làm sai lệch thông tin xuất xứ, dẫn đến vi phạm kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn - đã tăng cường kiểm soát, thậm chí đình chỉ nhập khẩu từ Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề cho cả nông dân và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Phong Phú - Giám đốc Kỹ thuật Vina T&T Group.

Ông Nguyễn Phong Phú - Giám đốc Kỹ thuật Vina T&T Group.

Cần giải pháp tổng thể

Để ngành dừa phát triển bền vững, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh sự cần thiết của việc nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm dừa. Thay vì tập trung vào thu mua nguyên liệu giá rẻ và xuất khẩu thô, doanh nghiệp cần đầu tư chế biến sâu và xây dựng thương hiệu chất lượng.

Với các doanh nghiệp Việt đã có nguồn nguyên liệu chất lượng cao trong nước phải có chiến lược nâng giá bán sản phẩm ở các thị trường, để lấy phần gia tăng đó quay trở lại hỗ trợ giá mua cho người dân, thay vì tìm cách thu mua nguyên liệu giá rẻ và bán giá rẻ như hiện tại.

Theo ông Hòa, xơ dừa có thể làm giá thể, làm thảm, nhưng làm theo hướng nào cho giá trị kinh tế tốt hơn? Với định hướng của Bộ NN&PTNT, cây dừa đã trở thành một cây công nghiệp. Do đó, chiến lược và phát triển định hướng cây dừa cũng sẽ có những điểm khác so với cây nông nghiệp như lúa, ngô, khoai, sắn. Ngoài ra, Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào các FTA thế hệ mới, nên để thúc đẩy xuất khẩu ngành hàng dừa, một số mặt hàng xuất khẩu khác từ các nước sẽ vào Việt Nam.

“Đã đến lúc chúng ta phải cạnh tranh bằng chất lượng, chứ không còn là hạ giá”, lãnh đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nhận định.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), nhấn mạnh: “Không chỉ vì mục tiêu xuất khẩu, chúng ta mới làm chất lượng, mà phải xác định là cần làm vì chính người dân, cuộc sống và sinh kế của họ”.

Theo bà Thủy, bên cạnh việc sản xuất và xuất khẩu dừa tươi, công nghiệp chế biến dừa hiện đã rất phát triển, hiện chiếm tới hơn 70% giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, cây dừa còn là loại cây gần như không bỏ đi thứ gì, đây cũng là tiền đề quan trọng trong nhiệm vụ phát triển nông nghiệp tuần hoàn.

Để cây dừa tránh được những rủi ro về thị trường, giá bán cũng như cân đối cung - cầu, bà Thủy gợi ý cần có thêm những sản phẩm mới, tích hợp được các giá trị khác nhau từ cây dừa. Từ đó, mới tránh được tâm tư giá dừa xuống thấp như thời gian qua.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT).

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT).

Ngoài ra, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường kêu gọi các địa phương nâng cấp cơ sở hạ tầng và phát triển các sản phẩm mới từ cây dừa, như xơ dừa, giá thể, hoặc các sản phẩm tuần hoàn có giá trị kinh tế cao.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Phương - Phó Giám đốc Công ty Thực phẩm Kết nối Toàn cầu, đề xuất xây dựng chuỗi liên kết bền vững giữa nông dân, doanh nghiệp và chính quyền. Điều này bao gồm việc bảo đảm minh bạch trong giao dịch, xây dựng chính sách phù hợp với từng giai đoạn cung ứng và thúc đẩy chia sẻ lợi ích công bằng giữa các bên.

Các ý kiến tại diễn đàn nhấn mạnh việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết những thách thức mà ngành dừa đang đối mặt. Trong đó, cần xây dựng hệ thống số hóa để quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói một cách chặt chẽ, từ đó bảo đảm truy xuất nguồn gốc và nâng cao uy tín quốc gia.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi gian lận, đồng thời tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức cho nông dân và doanh nghiệp về trách nhiệm bảo vệ thương hiệu quốc gia.

Về chính sách, cần xem xét việc miễn, giảm thuế để khuyến khích sản xuất và xuất khẩu, cũng như tạo hàng rào thuế quan hợp lý để giữ lại nguồn nguyên liệu trong nước.

Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu, tập trung vào chất lượng thay vì chạy theo giá rẻ. Đối với người dân, cần thúc đẩy nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng trồng, đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường và logistics thuận lợi.

Ngành dừa Việt Nam không chỉ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế mà còn gắn liền với sinh kế của hàng triệu nông dân. Việc giải quyết các thách thức hiện tại và hướng đến phát triển bền vững đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ từ chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Chỉ khi các bên cùng chung tay, ngành dừa mới có thể khai thác hiệu quả tiềm năng và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/canh-tranh/hoa-giai-thach-thuc-de-nganh-dua-phat-trien-ben-vung-/20241213030450527