Hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về đất đai

Luật Đất đai không chỉ là đạo luật giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai mà còn có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách, quy định trong rất nhiều luật khác của hệ thống pháp luật. Vì vậy, trong quá trình xem xét, thông qua Luật Đất đai năm 2024, việc bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật được Quốc hội đặc biệt quan tâm.

Bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích giữa thẩm quyền của các cấp

Với việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) đạt tỷ lệ tán thành cao tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Khóa XV theo đúng Hiến pháp năm 2013, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, trực tiếp là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII.

Luật Đất đai năm 2024 cùng với hai đạo luật khác là Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu được đánh giá là "đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 18.1.2024

Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 18.1.2024

Nhìn ở khía cạnh bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Báo cáo rà soát những điểm mới có lợi cho người dân và doanh nghiệp của Luật Đất đai năm 2024 được Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy nêu rõ: Luật đã sửa đổi quy định tại các Luật có liên quan để bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích giữa thẩm quyền của các cấp, xử lý các vướng mắc, khoảng trống pháp lý giữa Luật Đất đai và các pháp luật khác như: quyền sử dụng đất đối với trường hợp chuyển nhượng dự án bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản; thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp và thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng theo quy định của pháp luật về đất đai... Cùng với đó, Luật đã quy định các trường hợp chuyển tiếp để bảo đảm tính ổn định, kế thừa và giải quyết các trường hợp đang thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Cùng với cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Kinh tế, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội đều có báo cáo tham gia thẩm tra, đánh giá chi tiết các vấn đề liên quan, đóng góp tích cực, trách nhiệm vào việc hoàn thiện dự thảo Luật cuối cùng trình Quốc hội thông qua.

Nhìn lại quá trình bền bỉ, sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các cơ quan để ra được "sản phẩm" như vậy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu chia sẻ, qua các phương tiện thông tin truyền thông và ý kiến của Nhân dân góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp cho rằng, sự chồng chéo, thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất giữa một số quy định của Luật Đất đai với các luật có liên quan là một trong những điểm nghẽn, gây vướng mắc trong thực tiễn, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu phát biểu tại hội trường

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu phát biểu tại hội trường

Chính vì vậy, trên cơ sở tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn trong các lĩnh vực có liên quan đến đất đai tại các hội thảo liên quan đến bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật Đất đai với hệ thống pháp luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tổng hợp, biên soạn tài liệu “Một số vấn đề về tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với một số luật có liên quan”, trong đó đã cập nhật, đối chiếu, bình luận các quy định cụ thể của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm theo Tờ trình số 276/TTr-CP ngày 29.5.2023 của Chính phủ. Bộ tài liệu này đã cung cấp lượng thông tin vô cùng lớn phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét, thẩm tra, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Bài học kinh nghiệm quý với quá trình tổ chức thực thi Luật

Chia sẻ thêm về việc bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Luật Đất đai năm 2024 với hệ thống pháp luật, Ủy viên Thường trực Hoàng Minh Hiếu cho biết, trong quá trình tham gia thẩm tra, chỉnh lý dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã có nhiều ý kiến góp ý thể hiện trong bản dự thảo được trình Quốc hội thông qua.

Cụ thể như: chỉnh lý quy định về các trường hợp Nhà nước trưng dụng đất bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 54 của Hiến pháp (không bổ sung thêm trường hợp “cấp bách” như dự thảo Luật); không quy định tại Luật Đất đai điều luật về áp dụng pháp luật để bảo đảm nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cùng với sự thay đổi chính sách đất đai áp dụng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài (từ quy định quyền và nghĩa vụ của 2 nhóm người Việt Nam định cư ở nước ngoài là như nhau chuyển sang tách bạch rõ quyền đối với từng nhóm người), quá trình rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã có ý kiến để sử dụng thuật ngữ thống nhất với Luật Quốc tịch về 2 nhóm người Việt Nam định cư ở nước ngoài (người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai giống như công dân Việt Nam ở trong nước; còn người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì có quyền và nghĩa vụ như người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong Luật Đất đai năm 2013).

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ tương đương như quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam trong nước là điểm mới quan trọng, tiến bộ của Luật Đất đai được đông đảo kiều bào đồng tình, ủng hộ. Chính sách đất đai đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam tương đương như quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam trong nước nhằm thu hút kiều hối đầu tư về Việt Nam, tạo nguồn vốn ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giúp đất nước giảm thiểu nhiều rủi ro trong quá trình huy động vốn, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài.

Nhiều nội dung quan trọng khác qua góp ý của Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đã thuyết phục được Quốc hội và được thể hiện tại Luật Đất đai đã được Quốc hội thông qua như: Luật đã bỏ quy định tại khoản 3 Điều 188 của Luật Đất đai năm 2013 về “Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào Sổ địa chính” và khoản 7 Điều 95 của Luật Đất đai năm 2013 về “Việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào Sổ địa chính” để tránh dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong thực tiễn, đồng thời bảo đảm thống nhất với pháp luật về dân sự, pháp luật về công chứng trong ghi nhận hiệu lực của giao dịch. Đồng thời, chỉnh lý quy định về giá trị pháp lý của đăng ký đất đai tại khoản 4 Điều 131 như sau: “Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người được giao đất để quản lý đã kê khai đăng ký được ghi vào hồ sơ địa chính và được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nếu đủ điều kiện theo quy định của Luật này”.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng tham gia nhiều ý kiến để bảo đảm quy định của Luật Đất đai về quyền đối với thửa đất liền kề thống nhất với quy định về quyền đối với bất động sản liền kề trong Bộ luật Dân sự; quy định về đất xây dựng công trình ngầm tiệm cận dần với chế định quyền bề mặt trong Bộ luật Dân sự.

Tham gia các ý kiến để bảo đảm tính thống nhất giữa Luật Đất đai với Luật Nhà ở về thu hồi đất để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; thu hồi đất để thực hiện dự án nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại; miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở công vụ; tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất… Kịp thời có ý kiến đề nghị dự thảo Luật không quy định chung theo hướng là người sử dụng đất khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất thì thực hiện công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực và pháp luật khác có liên quan để tránh khoảng trống khi áp dụng pháp luật vì pháp luật về công chứng không quy định về các loại hợp đồng, giao dịch phải thực hiện công chứng mà chỉ quy định về thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, các pháp luật khác có liên quan không quy định về các hợp đồng, văn bản về quyền sử dụng đất phải công chứng hoặc chứng thực.

“Thường trực Ủy ban Pháp luật còn có các ý kiến để bảo đảm tính thống nhất giữa Luật Đất đai với Luật Lâm nghiệp, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức… và bảo đảm sự thống nhất trong chính các quy định của Luật Đất đai”, Ủy viên thường trực Hoàng Minh Hiếu nhấn mạnh.

Tất nhiên, với tính chất đặc biệt và phức tạp của Luật Đất đai, sau khi được Quốc hội thông qua thì công tác tổ chức triển khai thực hiện, đưa Luật vào cuộc sống có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Ngay tại Kỳ họp thứ Bảy này, Quốc hội cũng đang xem xét, quyết định việc có hiệu lực thi hành sớm hơn của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Vẫn còn nhiều nội dung của Luật Đất đai năm 2024 được giao Chính phủ, các bộ, ngành hướng dẫn thi hành đang được Chính phủ khẩn trương xây dựng, ban hành. Sự cẩn trọng, kỹ lưỡng, sự nỗ lực, quyết tâm rất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong quá trình xây dựng, bàn thảo, xem xét, thông qua Luật Đất đai năm 2024 cũng là bài học kinh nghiệm rất quý cần học tập, phát huy trong quá trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật nói riêng và công tác tổ chức thi hành Luật Đất đai nói chung.

Nguyễn Bình; Ảnh: Quang Khánh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/hoan-thien-dong-bo-chinh-sach-phap-luat-ve-dat-dai-i377267/