Hoàn thiện quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

Thảo luận tại Hội trường sáng nay, 30.11, về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, ĐBQH Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng) cho rằng: việc dự thảo Luật đưa ra những quy định rất cụ thể về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát - một cơ chế rất quan trọng đối với các lĩnh vực ngành nghề, công nghệ mới là rất mạnh dạn và cần thiết, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh hỗ trợ ngành công nghiệp này phát triển; đồng thời đề nghị tiếp tục tham khảo để hoàn thiện các quy định tốt nhất và phù hợp với điều kiện pháp luật ở Việt Nam.

Phù hợp với nội hàm “công nghiệp”

Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo, đại biểu cho rằng, tên gọi là gọn và phù hợp với đối tượng trọng tâm của mục đích xây dựng Luật, đó là lĩnh vực (ngành) công nghiệp công nghệ số, đồng thời nhất trí với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật. Tuy nhiên, trong các nội dung cụ thể của dự thảo Luật có rất nhiều nội dung có vẻ vượt ra ngoài phạm vi khái niệm “công nghiệp”, ví dụ như những chương, mục quy định về tài sản số, dịch vụ công nghệ số, nghiên cứu và phát triển, trí tuệ nhân tạo, nhân lực công nghệ số, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (gồm cả các mô hình kinh doanh).

“Đề nghị nghiên cứu cách sử dụng từ ngữ trong các chương, mục, điều của dự thảo Luật để các nội dung thể hiện vẫn gắn và phù hợp với nội hàm “công nghiệp” như tên của dự thảo Luật; hoặc nên đổi tên Luật thành Luật Công nghệ số” – ĐBQH Lã Thanh Tân kiến nghị.

 ĐBQH Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng) phát biểu tại Hội trường về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng) phát biểu tại Hội trường về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Ảnh: Hồ Long

Về khái niệm “hạ tầng công nghiệp công nghệ số”“hạ tầng công nghệ số” đang được sử dụng trong dự thảo Luật chưa rõ ràng, nhất quán. Ví dụ tại khoản 2 Điều 5 trong dự thảo Luật quy định: “Phát triển hạ tầng công nghiệp công nghệ số thông qua việc huy động nguồn lực đầu tư… để xây dựng, phát triển các hạ tầng công nghệ số”. Vậy, các hạ tầng công nghệ số gồm những hạ tầng gì, đóng góp thế nào trong hạ tầng công nghiệp công nghệ số?

Theo đại biểu, việc đưa Mục 3. Tài sản số vào Chương III. Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số trong dự thảo Luật có vẻ khá khiên cưỡng. Nội dung các Điều quy định về tài sản số (từ Điều 14 đến Điều 17) là quy định về một loại tài sản “mới”, có thể sử dụng ở bất cứ lĩnh vực nào của đời sống kinh tế - xã hội và phù hợp như một đối tượng của các luật về quản lý tài sản. Đồng thời, trong dự thảo Luật còn đề cập đến cả những vấn đề liên quan đến quy định về thuế, tài chính; gần như không có nội dung nào thể hiện sự gắn kết, mối quan hệ giữa đối tượng này với ngành công nghiệp công nghệ số.

Khoản 2 Điều 17 đưa thêm vào một khái niệm về “cung ứng dịch vụ tài sản số”. Tuy nhiên loại hình dịch vụ này lại không được quy định trong các loại hình dịch vụ công nghệ số tại Điều 11 của dự thảo Luật, và tài sản số cũng không được quy định như một loại sản phẩm công nghệ số tại Điều 10. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, giải trình làm rõ thêm.

Làm rõ thêm vị trí của trí tuệ nhân tạo

Theo ĐBQH Lã Thanh Tân, điều 23 dự thảo Luật đề cập tới các quy định về phi cá nhân hóa dữ liệu trong công nghiệp công nghệ số. Đây là một nội dung, phạm trù mới, tuy nhiên các nội dung quy định trong Điều 23 của dự thảo Luật mới chỉ có tính định nghĩa, nêu khái niệm. Việc phi cá nhân hóa dữ liệu thực hiện như thế nào được dẫn chiếu theo pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và pháp luật khác, trong khi chưa được đánh giá xem các pháp luật này đã có quy định về đối tượng này chưa. Đại biểu đề nghị nên bổ sung ngay trong dự thảo Luật những nguyên tắc cơ bản cần áp dụng đối với việc phi cá nhân hóa dữ liệu phục vụ cho công nghiệp công nghệ số.

Tại Mục 13, Chương II dự thảo Luật đưa ra các quy định về Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ số theo từng thời kỳ 5 năm và kế hoạch hàng năm, giao Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể trong dự thảo Luật mối quan hệ của Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ số với hệ thống các Chiến lược, quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành có liên quan.

Chương IV dự thảo Luật đưa ra những quy định rất cụ thể về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (cơ chế sandbox). Đây là một cơ chế rất quan trọng đối với các lĩnh vực ngành nghề, công nghệ mới. Ở các nước phát triển, cơ chế này đã được luật hóa và áp dụng khá thành công, Ở Việt Nam, gần như chưa được đưa vào quy định ở tầm luật. Giai đoạn 2016-2021 mới chỉ có 2 cơ chế thí điểm tiếp cận với cơ chế sandbox được ban hành ở mức quy định của Chính phủ (taxi công nghệ và mobile money).

Đối với lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, việc đưa ngay được cơ chế sandbox vào Luật theo đại biểu rất mạnh dạn và cần thiết, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để hỗ trợ ngành công nghiệp này phát triển. ĐBQH Lã Thanh Tân ủng hộ các nội dung quy định đã đưa vào dự thảo Luật, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục tham khảo thêm kinh nghiệm pháp luật ở một số quốc gia có ngành công nghiệp công nghệ số phát triển thành công, để hoàn thiện các quy định ở mức tốt nhất và vẫn phù hợp với điều kiện pháp luật ở Việt Nam. Cần rà soát thêm các quy định về thử nghiệm trong pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và một số pháp luật khác hiện hành để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.

Dự thảo Luật đưa vào thêm các quy định mới liên quan đến 2 đối tượng là công nghiệp bán dẫn (Chương V) và trí tuệ nhân tạo (Chương VI). Do đây là những nội dung mới nên đại biểu nhất trí với quan điểm chỉ đưa những nội dung quy định mang tính nguyên tắc, và giao cho Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong việc thích nghi với sự thay đổi rất nhanh của các lĩnh vực này trên thế giới và Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, cần rà soát thêm việc sửa một số Luật hiện hành để bảo đảm đồng bộ và thống nhất với những quy định trong Luật này.

Cũng cần làm rõ thêm vị trí của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số: là một loại hình công nghệ lõi, loại hình công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ số, hay là một loại sản phẩm/dịch vụ công nghệ số, để có sự thống nhất trong việc hiểu và áp dụng các cơ chế chính sách trong Luật – ĐBQH Lã Thanh Tân đề nghị.

Hải An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hoan-thien-quy-dinh-ve-co-che-thu-nghiem-co-kiem-soat-post397899.html