Học sinh cần chủ động tự hướng nghiệp

Thời lượng dành cho công tác tư vấn hướng nghiệp trong trường phổ thông còn hạn chế. Số lần chuyên gia đến trực tiếp tại trường để tư vấn không nhiều. Vì thế, học sinh vẫn còn “khát” thông tin tư vấn hướng nghiệp. Do đó, để tìm được hướng đi đúng cho tương lai, bản thân học sinh cần phải tự chủ động.

Học sinh Trường THPT Vĩnh Cửu đặt câu hỏi với chuyên gia trong buổi tư vấn hướng nghiệp tổ chức tại trường ngày 11-11-2020. Ảnh: Hải Yến

Học sinh Trường THPT Vĩnh Cửu đặt câu hỏi với chuyên gia trong buổi tư vấn hướng nghiệp tổ chức tại trường ngày 11-11-2020. Ảnh: Hải Yến

* Nhiều học sinh còn bị động

Ngày 11-11, chương trình tư vấn hướng nghiệp Cùng bạn chọn nghề cho tương lai do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức đã đến với hơn 500 học sinh của Trường THPT Vĩnh Cửu (H.Vĩnh Cửu). Trong khoảng 90 phút của chương trình, học sinh đã được nghe chuyên gia trong đoàn cung cấp thông tin về dự báo nguồn nhân lực; những yêu cầu về tuyển dụng, thị trường lao động; hướng dẫn học sinh các kỹ năng chọn nghề, chọn trường. Cùng với đó, chuyên gia của chương trình cũng giới thiệu sơ lược về những kỹ năng tiếp cận, khám phá, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp bản thân phù hợp với sở thích, năng lực, điều kiện kinh tế gia đình…

Theo sát học sinh trong công tác hướng nghiệp, cô Bùi Thị Ngọc Nga, Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay, đến thời điểm hiện tại, phần lớn học sinh lớp 12 của trường vẫn chưa có sự lựa chọn về ngành nghề cho tương lai. Hiện tại, các em mới chỉ xác định tổ hợp các môn thi tốt nghiệp THPT để tập trung học. Việc lựa chọn ngành nghề phải đợi đến gần ngày đăng ký hồ sơ dự thi các em mới tìm hiểu. Theo cô Nga, vẫn còn rất nhiều học sinh bị động trong việc tìm hiểu, định hướng, lựa chọn ngành nghề cho tương lai.

Thầy Nguyễn Quang Thái, Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) cho biết để giúp học sinh có định hướng lựa chọn ngành nghề sau khi tốt nghiệp THPT, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm khối 11 phải làm việc kỹ với phụ huynh và học sinh về công tác hướng nghiệp. Nhờ đó, khi lên lớp 12, nhiều em đã có sự lựa chọn hướng đi cho riêng mình.

Thầy Thái chia sẻ: “Vài năm trở lại đây, lượng học sinh quyết định tham gia học nghề ngày càng tăng. Điều này có phần đóng góp ý kiến của phụ huynh. Bởi họ đã thay đổi nhìn nhận về cơ hội việc làm, cơ hội thăng tiến… giữa người tốt nghiệp trường nghề và người tốt nghiệp đại học. Theo đó, việc học nghề giúp con cái họ tiết kiệm được thời gian và dễ có việc làm sau khi tốt nghiệp”.

Tuy nhiên, theo thầy Thái, dù nhà trường đã chủ động trong công tác hướng nghiệp nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng một số học sinh chưa có định hướng nào dù đã đi được gần hết học kỳ 1 của lớp 12.

* Muốn chọn đúng nghề phải hiểu rõ về chính mình

Theo TS Đào Lê Hòa An, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý và hướng nghiệp 4.0 JobWay (TP.HCM), học sinh còn bị động trong việc định hướng nghề nghiệp tương lai là một thực tế. Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân lớn nhất chính là học sinh đang phải miệt mài “chạy đua” với điểm số, với việc hoàn thành các môn văn hóa trong trường phổ thông. Để có kết quả học tập tốt, ngoài giờ học chính khóa, nhiều học sinh phải “chạy show” đi học thêm nhiều ca. Lịch học dày đặc nên các em ít có thời gian tìm hiểu hướng đi sau tốt nghiệp THPT. “Bị cuốn vào guồng học như thế cho đến thời điểm phải đưa ra sự chọn lựa thì các em không còn nhiều thời gian để tìm hiểu nữa” - ông An cho hay.

Quan tâm “phân khúc” giáo dục nghề nghiệp

Mặc dù thị trường lao động hiện nay đang cần nhiều lao động qua đào tạo nghề, nhất là những nghề phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng tâm lý của đa số phụ huynh và học sinh vẫn còn xem trọng việc học đại học hơn. Điều này đã ảnh hưởng đến định hướng của học sinh trong quá trình chọn ngành, chọn nghề.

Theo Tổng cục Thống kê, cứ 1 học sinh học đại học thì có 0,46 học sinh học nghề. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ LĐ-TBXH, hằng năm có khoảng 250 ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học không xin được việc làm.

Về phía nhà trường, hiện tại, thời lượng dành cho các hoạt động tư vấn hướng nghiệp không nhiều. Giáo viên của trường lại không có đầy đủ thông tin, kỹ năng, chuyên môn để làm công tác hướng nghiệp. Các chương trình hướng nghiệp do nhà trường phối hợp với các đơn vị khác tổ chức lại bị hạn chế về thời gian.

“Ví dụ những chương trình mà tôi tham gia tư vấn chỉ tiến hành trong khoảng thời gian khoảng 90 phút. Mỗi năm, một trường có khoảng 3 lần tổ chức như thế. Tổng thời gian chỉ 5 tiếng cho việc chia sẻ các thông tin hướng nghiệp là ít. Mỗi đợt tư vấn, ngoài thời gian dành cho chuyên gia chia sẻ, học sinh chỉ có thể hỏi được 5, 6 câu hỏi thì không thể giải quyết được nhu cầu tìm hiểu của các em” - ông An nói thêm.

Khó khăn là thế, nhưng nếu muốn học sinh vẫn có thể chủ động để tự tìm hiểu, hướng nghiệp cho chính mình. Ngày nay, các thông tin liên quan đến hướng nghiệp được chia sẻ rất nhiều trên không gian mạng. Vì vậy, chỉ cần có “từ khóa” và chịu khó tìm kiếm thông tin, học sinh sẽ có rất nhiều kênh để tham khảo.

Từ kinh nghiệm của mình, TS Đào Lê Hòa An gợi ý một số “từ khóa” mà học sinh nên sử dụng khi tìm kiếm thông tin về hướng nghiệp như: trắc nghiệm khám phá bản thân, trắc nghiệm tính cách nghề nghiệp, mô tả công việc ngành/nghề + tên nghề… Học sinh cũng có thể gặp những người đang trực tiếp làm việc để hỏi về tính chất, yêu cầu của công việc. Ngoài ra, học sinh có thể thông qua các hội nhóm của sinh viên các trường đại học, cao đẳng để kết nối, tìm hiểu thông tin...

TS An chia sẻ: “Nhiều học sinh nghĩ rằng học giỏi các môn văn hóa (tương ứng tổ hợp xét tuyển) thì sẽ học giỏi ngành nghề. Điều này là chưa chính xác. Yếu tố quan trọng cần xét đến khi chọn ngành nghề cho tương lai không phải hoàn toàn dựa vào điểm số các môn học mà còn dựa vào khả năng, năng khiếu, tố chất của học sinh… Đáng tiếc là nhiều học sinh lại chưa hiểu rõ về khả năng của chính mình. Điểm số cao để làm gì khi không biết mình đi đâu về đâu”.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202011/hoc-sinh-can-chu-dong-tu-huong-nghiep-3031950/