Học sinh Hải Phòng 'Chọn nghề đúng- Trúng tương lai'
Phân tích điểm mạnh, điểm yếu; xác định niềm đam mê, xu hướng chọn lựa ngành nghề, các chuyên gia giúp học sinh có định hướng tương lai rõ ràng.
Băn khoăn trước ngưỡng cửa
Việc chọn ngành, chọn nghề cho tương lai luôn là sự quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh, học sinh. Nên chọn ngành "hot" trong trường thường, hay ngành thường trong trường "hot"; chọn ngành theo sở thích, hay theo xu hướng? Thị trường lao động liên tục biến đổi, có nhiều ngành nghề sẽ dần mất đi, bị thay thế hoặc cạnh tranh gay gắt, vậy phải làm sao, như thế nào để ứng phó?... Đó là những câu hỏi thường trực, luôn làm đau đầu những bậc làm cha, làm mẹ; rối trí các em học sinh, nhất là học sinh cấp THPT đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Anh Phạm Ngọc Ninh, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP Hải Phòng chia sẻ, gia đình anh có 2 con trai. Từ bé, các con học rất tốt và luôn học các trường tốp đầu của quận, thành phố. Hiện nay, con trai lớn của anh đang học lớp 12, con út học lớp 10. Cả 2 đều đang đứng trước sự lựa chọn ngành nghề để quyết định tương lai. Tuy nhiên, giữa sở thích của các con với điều kiện công việc gia đình không phù hợp. Dù bố mẹ tham khảo, phân tích nhiều yếu tố nhưng cũng chưa chọn được phương án phù hợp.
Chị Hoàng Thị Quyên, phường Nam Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng chia sẻ, vợ chồng chị có nghề bán hoa quả, thu nhập hàng tháng chỉ đủ nuôi con. Cậu con trai lớn của chị học lớp 11 cũng đang tìm hiểu nghề nghiệp cho tương lai. Nhưng khi nghe con hỏi, chị Quyên không đủ kiến thức để tư vấn, định hướng cho con. Vì thế, chị khuyên con nên trao đổi thêm với bạn bè, thầy cô và tham khảo các anh chị đi trước với dự định ngành nghề mình chọn.
Ngoài việc dứt khoát chọn nghề theo sở thích, đam mê; theo định hướng gia đình, thì không ít học trò vẫn mông lung khi được hỏi về nghề nghiệp tương lai.
Em Đoàn Vũ An, lớp 12a7, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi ( quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) chia sẻ, em ước mơ làm một nghề mà mọi người phải ngưỡng mộ, khâm phục và phục tùng em. Nhưng khi được hỏi, em thích nghề gì, thì em chưa đưa ra được câu trả lời cụ thể.
Dù mới là học sinh lớp 11, nhưng khi được hỏi về ước mơ, em Dương Hà Bảo Ngọc cho rằng em mơ kiếm được nhiều tiền và trở thành tỷ phú đô la. Chưa chắc chắn về nghề nghiệp tương lai, Ngọc cho rằng làm ra thật nhiều tiền có lẽ phải học ngành Kinh tế.
Giúp trò có "từ khóa" quan trọng để lựa chọn nghề
Chương trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi ( quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) tổ chức tối ngày 30/11 với chủ đề “Chọn nghề đúng - Trúng tương lai”, gần 1.900 học sinh của trường hào hứng tham gia.
Chương trình có sự tham gia của PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Ban nghiên cứu đánh giá Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa và đông đảo phụ huynh học sinh.
Theo thầy Nguyễn Minh Quý - Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, chương trình tư vấn hướng nghiệp là hoạt động thiết thực giúp học sinh nhận biết điểm mạnh, điểm yếu của mình; xu hướng ngành nghề hiện nay và trong tương lai, từ đó có định hướng tích cực trong việc lựa chọn ngành, nghề phù hợp nhu cầu, sở thích bản thân.
Tại chương trình, 2 diễn giả cùng trao đổi, cung cấp, phân tích các kiến thức cần thiết về ngành nghề. Từ đó, các em học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi nhận biết năng lực, sở trường, đam mê của bản thân sẽ phù hợp với ngành nghề gì.
Chuyên gia phân tích, đưa ra bức tranh toàn cảnh về các ngành nghề của xã hội, xu hướng dịch chuyển của ngành nghề, những ngành nghề xã hội có nhu cầu, những ngành nghề sẽ dần biến mất, những ngành nghề mới sẽ phát sinh. Từ đó, định hướng hỗ trợ cho học sinh trong việc chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân và nhu cầu lao động, việc làm của xã hội.
Đặc biệt, với học sinh lớp 12, năm nay là năm bản lề của Chương trình GDPT 2018, các chuyên gia đưa ra những nội dung cần lưu ý trong tuyển sinh đại học năm 2025 để các em tham khảo.
Bằng các trò chơi tương tác, "vẽ" tương lai qua trang giấy trắng, các diễn giả nắm được nhu cầu, sở thích và định hướng chọn nghề của học sinh, qua đó giúp các em hiểu về bản thân và nghề nghiệp.
Trong phần giao lưu cùng chuyên gia, học sinh có cơ hội nêu những thắc mắc của cá nhân mình về những ngành, nghề mà các em muốn tìm hiểu; được trao đổi với các chuyên gia tâm lý về sở thích, khả năng và được tư vấn về những ngành thích hợp với khả năng của mình.
Học sinh Nguyễn Xuân Nguyên, lớp 11B5, chia sẻ, buổi tư vấn nghề rất bổ ích, giúp em củng cố thêm niềm tin vững vàng về việc chọn nghề tương lai. Em chọn nghề theo truyền thống gia đình. Bố mẹ em đều làm điều dưỡng, em cũng rất yêu nghề y nên em sẽ chọn nghề này.
Em Nguyễn Thùy Trang, lớp 12A5 cho hay, em chọn ngành Quản trị kinh doanh tuy nhiên chưa biết nên đăng kí học trường đại học nào. Qua buổi tư vấn của thầy cô chuyên gia, em sẽ phân tích điều kiện, năng lực của bản thân để đưa ra chọn lựa hợp lý.
Thầy Nguyễn Văn Tuân, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A5 chia sẻ, ngay từ khi nhận lớp đầu cấp, theo kế hoạch giáo dục, thầy thường xuyên nắm bắt tình hình, nhu cầu, sở thích, năng lực học sinh để định hướng cho các em. Thầy ưu tiên tư vấn cho học sinh những ngành phát triển của thành phố như: đóng tàu, logictics... hoặc một số ngành nghề trong tương lai sẽ có mức thu nhập ổn định như: Công nghệ thông tin, sư phạm... Bên cạnh đó, với những trò có ước mơ học các trường lớn trên Hà Nội, thầy tuyên truyền các hình thức xét tuyển dựa theo các chứng chỉ; kì thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để học sinh có kế hoạch đầu năm.
Chương trình tư vấn hướng nghiệp mà nhà trường tổ chức chung cho học sinh các khối rất hữu ích, bởi học trò được nghe chuyên gia phân tích thực tế, có thêm cái nhìn đa chiều về ngành nghề định chọn, đồng thời gợi ý nhiều ngành nghề phát triển trong tương lai để trò tham khảo, thầy Tuân cho biết thêm.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ chia sẻ, việc chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực, sở thích, nhu cầu xã hội và xu hướng nghề nghiệp là cần thiết. Các em cần chọn ngành trước khi chọn trường, bởi theo thống kê, hàng năm có hơn 40% sinh viên có ý định chuyển ngành. Các em không nên chọn ngành hot khi bản thân chưa đủ năng lực, không chăm chỉ. Bởi bản thân các em không nỗ lực thì học ngành gì, trường gì cũng không thể có thu nhập cao được.