Học sinh 'trường làng' vô địch quốc gia STEM, AI và Robotics
Vượt qua hàng nghìn thí sinh trên khắp cả nước, 4 đội thi vô địch giải đấu quốc gia STEM, AI và Robotics 2024.
Chiều 21/12, Phan Văn Gia Khiêm (học sinh lớp 11, trường THPT Phùng Khắc Khoan - Thạch Thất) vỡ òa hạnh phúc khi được xướng tên là đội vô địch nội dung tự hành, bảng THPT, tại cuộc thi Vô địch Quốc gia STEM, AI và Robotics 2024 (VSAR). Cùng bảng này ở nội dung điều khiển, trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) vô địch.
Khiêm cùng 4 đồng đội lập trình robot tự hành, thực hiện nhiệm vụ gieo hạt từ kho chứa, di chuyển đến các ô gieo trồng và quay về vị trí xuất phát, giải quyết bài toán tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp.
"Chúng em mất gần 1 tháng để chế tạo robot này, đa số sử dụng các phế liệu nên chi phí chưa đến 300.000 đồng", Khiêm nói giai đoạn khó khăn nhất là lên ý tưởng lập trình.
VSAR là cuộc thi do Báo Tiền Phong, Hội đồng Đội Trung ương cùng một số đơn vị phối hợp tổ chức. Năm nay, cuộc thi bao gồm 5 giải đấu chính là Vô địch Quốc gia STEM, AI và Robotics; IYRC Việt Nam; vô địch MakeX; Tekmonk Coding Olympiad và Robot Ảo ViRC.
Các giải đấu gắn liền với các chủ đề như Nông nghiệp xanh - Phát triển bền vững, Robot giao hàng thông minh, hay các thử thách sáng tạo lập trình trong mô hình trường học tương lai.
Sau gần hai tháng triển khai vòng loại trên toàn quốc, hơn 1.000 thí sinh bước vào vòng chung kết. Trong đó, hơn 900 thí sinh đến từ 21 tỉnh thành tham gia thi đấu trực tiếp tại Hà Nội và 112 thí sinh thi đấu trực tuyến tranh tài vòng chung kết Robot ảo.
Cuộc thi còn có sự góp mặt của các thí sinh quốc tế đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia tham gia thi đấu giao hữu.
Từ tối 20/12, Nguyễn Thu Hà (học sinh lớp 8 trường TH&THCS xã Cường Lợi, Hữu Lũng, Lạng Sơn) cùng các bạn đã có mặt tại Hà Nội để tham dự vòng chung kết VSAR. Nữ sinh cho biết từ đầu tháng 11, các em đã lên ý tưởng, thiết kế robot gieo hạt tự hành. Sau đó, dưới sự hướng dẫn của thầy giáo, các em chuẩn bị các vật liệu và lắp ráp thành sản phẩm hoàn thiện.
"Chúng em sử dụng 4 ống, vì vậy, robot có ưu điểm thả hạt nhanh, tối ưu hóa sản xuất", Hà chia sẻ do học lập trình từ năm lớp 7, em được giao nhiệm vụ lập trình cho robot. Tại vòng chung kết, đội của Hà giành vô địch bảng THCS, nội dung tự hành. Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) giành giải nhất nội dung điều khiển.
Phát biểu tại vòng chung kết, nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng biên tập Báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức, nhấn mạnh cuộc thi hôm nay không chỉ là thử thách về kỹ thuật hay công nghệ, mà còn là cơ hội để các em khẳng định tài năng, sự sáng tạo và tinh thần làm việc nhóm.
Tại vòng chung kết, ngoài 4 giải nhất, ban tổ chức đã trao 4 giải nhì, 4 giải ba cùng nhiều giải thưởng phụ. Tổng giá trị giải thưởng lên tới 1 tỷ đồng, bao gồm giải thưởng tiền mặt, hiện vật (bộ thiết bị STEM, robot giáo dục, máy tính, xe đẹp) và học bổng...