Hội chứng 'kẻ mạo danh' - Khi bạn trẻ không thể chấp nhận thành công của bản thân
Trong xã hội hiện đại, khi áp lực từ mạng xã hội, học tập, công việc đè nặng lên vai, nhiều người trẻ bắt đầu cảm thấy họ không xứng đáng với những thành tựu mà mình đạt được. Đây là một biểu hiện rõ ràng của hội chứng 'kẻ mạo danh' (Impostor Syndrome) – trạng thái tâm lý khiến một cá nhân 'không thể chấp nhận thành công của bản thân'.
Tự thấy mình... bất tài
Ở một góc nhỏ trong quán cà phê quen thuộc, Lan Chi, 25 tuổi, đang chăm chú nhìn vào màn hình laptop. Với một lập trình viên trẻ vừa nhận được học bổng toàn phần cho khóa học công nghệ tại Singapore, đây lẽ ra phải là thời khắc tự hào nhất trong sự nghiệp. Nhưng khuôn mặt của Chi chỉ hiện lên sự băn khoăn. “Mình không chắc tại sao họ lại chọn mình. Có lẽ vì may mắn thôi, chứ mình chưa đủ giỏi,” cô nàng chia sẻ.
Lan Chi là một trong hàng ngàn bạn trẻ hiện nay đang mắc phải hội chứng "kẻ mạo danh" (Imposter syndrome) – trạng thái tâm lý khiến một người luôn cảm thấy mình không đủ năng lực, xứng đáng với những thành công đạt được. Dù tốt nghiệp loại xuất sắc từ một trường đại học danh tiếng, sở hữu những dự án công nghệ ấn tượng, được giới chuyên môn đánh giá cao, Chi vẫn hoài nghi giá trị của bản thân. “Mình luôn nghĩ nếu một ngày nào đó họ nhận ra thực lực của mình không như họ kì vọng thì sao?”, cô nàng buồn bã.
Không riêng gì Lan Chi, hội chứng "kẻ mạo danh" đang trở thành nỗi ám ảnh phổ biến của thế hệ trẻ, đặc biệt là những người thuộc Gen Z – thế hệ lớn lên cùng với mạng xã hội và áp lực phải thành công từ rất sớm. Minh Tuấn, 21 tuổi, sinh viên ngành kinh tế tại TP.HCM, cũng chia sẻ câu chuyện tương tự. Tuấn từng đạt giải cao trong một cuộc thi marketing dành cho sinh viên, nhưng sau niềm vui ban đầu, anh chàng nhanh chóng rơi vào vòng luẩn quẩn của sự nghi ngờ.
“Lúc nhận giải, mình cảm thấy rất hạnh phúc. Nhưng chỉ vài ngày sau, mình bắt đầu suy nghĩ: 'Liệu mình có xứng đáng không? Hay giám khảo đã nhầm lẫn tên mình với một người khác?' Những suy nghĩ đó cứ ám ảnh mình, khiến mình không dám tham gia thêm các cuộc thi lớn khác," Tuấn tâm sự.
Hội chứng "kẻ mạo danh" lần đầu tiên được xác định bởi hai nhà tâm lý học Pauline Rose Clance và Suzanne Imes vào năm 1978. Hiện nay, thuật ngữ "kẻ mạo danh" được sử dụng để mô tả những người không thể công nhận thành công của chính mình, theo Audrey Ervin, một nhà tâm lý học tại Đại học Delaware Valley (Mỹ).
Một nghiên cứu công bố vào tháng 4/2020 của Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ cũng tiết lộ rằng hơn 80% người từng trải qua hội chứng "kẻ mạo danh" ít nhất một lần trong đời. Ngay cả khi đã gặt hái được nhiều thành tựu, một số cá nhân vẫn tin rằng họ không thực sự có năng lực, và thành công đạt được chỉ là nhờ may mắn. Điều này khiến họ thiếu tự tin, luôn lo lắng về cách người khác nhìn nhận mình.
Cần học cách chấp nhận những sai lầm
Chuyên gia tâm lý Đào Thúy Hoàn cho rằng, hội chứng "kẻ mạo danh" ở người trẻ hiện nay không phải ngẫu nhiên xuất hiện mà có nhiều nguyên nhân sâu xa. Mạng xã hội là một trong những nguyên nhân lớn nhất. Đây là nơi mọi người chia sẻ những khía cạnh tích cực và thành công của cuộc sống. Hình ảnh về những thành tựu hoàn hảo này vô tình tạo nên áp lực ngầm, khiến nhiều người trẻ cảm thấy họ không bao giờ đạt được chuẩn mực đó.
Lan Chi thừa nhận mình thường xuyên so sánh bản thân với bạn bè trên mạng xã hội. “Mình thấy bạn bè đồng trang lứa đều giỏi giang, có thành tích nổi bật. Điều đó làm mình cảm thấy mình thật kém cỏi.”
Bên cạnh đó, sự kỳ vọng cao từ gia đình cũng là yếu tố khiến hội chứng này trở nên phổ biến trong một bộ phận giới trẻ. Minh Tuấn lớn lên trong một gia đình luôn đặt nặng thành tích học tập. “Bố mẹ mình luôn mong muốn mình phải đứng đầu lớp. Dù đạt kết quả tốt, bố mẹ vẫn hỏi tại sao mình không đạt điểm tuyệt đối. Điều này khiến mình luôn cảm thấy mình không đủ giỏi,” Tuấn kể.
Ngoài ra, văn hóa "phải thành công" trong xã hội hiện đại tạo ra áp lực vô hình cho nhiều bạn trẻ. Chuyên gia nhận định: “Người trẻ ngày nay phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt ngay từ nhỏ. Nhiều em được dạy rằng, sai lầm đồng nghĩa với thất bại, và thất bại thì không được chấp nhận. Quan niệm này khiến các em luôn cảm thấy sợ hãi và thiếu tự tin về bản thân". Bên cạnh đó, hội chứng này cũng làm gia tăng tình trạng kiệt sức. Vì muốn chứng minh giá trị bản thân, người trẻ thường đặt ra những mục tiêu quá cao và ép mình làm việc liên tục để đạt được những thành tựu đó.
Theo chuyên gia, để vượt qua vấn đề này, những người đã trưởng thành nên tạm gác lại công việc hoặc cuộc sống hiện tại, tìm đến những trải nghiệm mới mẻ ở các vùng đất khác nhau. Không nhất thiết phải chi tiêu nhiều tiền cho những chuyến đi xa, họ có thể tham gia các hoạt động tình nguyện, những chuyến đi phượt hoặc đơn giản là giao lưu, trò chuyện với những người kém may mắn hơn. Qua những trải nghiệm ấy, họ sẽ có cơ hội thay đổi cách nhìn nhận bản thân, điều chỉnh tiêu chí đánh giá giá trị của mình, đồng thời học cách chấp nhận thành công một cách thoải mái hơn, thay vì luôn phủ nhận nó.
Với những bạn trẻ chưa đến tuổi trưởng thành, chuyên gia khuyến nghị các bậc phụ huynh nên đồng hành cùng con trong việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt, tăng cường các hoạt động vui chơi, thư giãn, hạn chế dành quá nhiều thời gian cho việc học tập dẫn đến mất cân bằng tâm lý. Phụ huynh cũng nên tránh thường xuyên nhắc đến điểm số, áp lực học hành hay so sánh con mình với người khác.
Điều quan trọng nhất là dạy trẻ tự so sánh với chính mình, tập trung vào sự tiến bộ mỗi ngày, thay vì chìm trong cảm giác thua kém hoặc lo sợ rằng thành công của mình chỉ là may mắn. Hãy ghi nhận những thành tựu của mình, dù nhỏ bé. Học cách chấp nhận rằng không ai là hoàn hảo, và sai lầm là một phần tất yếu của cuộc sống.
“Điều quan trọng nhất là dạy trẻ tự so sánh với chính mình, tập trung vào sự tiến bộ mỗi ngày, thay vì chìm trong cảm giác thua kém hoặc lo sợ rằng thành công của mình chỉ là may mắn. Hãy ghi nhận những thành tựu của mình, dù nhỏ bé. Học cách chấp nhận rằng không ai là hoàn hảo, và sai lầm là một phần tất yếu của cuộc sống” chuyên gia nhấn mạnh.