Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ đạt được hiệp định mới về di cư

Hôm thứ Sáu (10/6), Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo châu Mỹ đã đạt được một hiệp định, qua đó sẽ đưa ra một loạt các biện pháp mới để đối phó với cuộc khủng hoảng di cư trong khu vực.

“Tuyên bố Los Angeles” có lẽ là thành công lớn nhất của Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 9, vốn đã bị ảnh hưởng bởi danh sách khách mời bị “cắt xén” của Tổng thống Joe Biden. Các nhà lãnh đạo của Mexico và một số quốc gia Trung Mỹ đã chỉ cử các nhà ngoại giao tham dự thay thế, sau khi Mỹ không mời Cuba, Nicaragua và Venezuela.

Các nhà lãnh đạo và quan chức ngoại giao các nước châu Mỹ chụp ảnh chung ở hội nghị thượng đỉnh tại Los Angeles, Mỹ vào ngày 10 tháng 6 năm 2022. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức tiệc trưa và làm việc cùng với các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 9. Ảnh: Reuters

Từ trái qua phải: Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso, Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Colombia Ivan Duque đứng cạnh nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ. Ảnh: AP

Một loạt các nguyên tắc được công bố vào ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh bao gồm các con đường hợp pháp để nhập cảnh vào các quốc gia, viện trợ cho các cộng đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi di cư, quản lý biên giới nhân đạo và phối hợp ứng phó khẩn cấp.

"Mỗi người chúng ta đang ký cam kết thừa nhận những thách thức mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ", ông Biden nói trên bục phát biểu với những lá cờ cho 20 quốc gia tham gia hiệp định kéo dài từ Chile ở phía nam đến Canada ở phía bắc của châu Mỹ.

Nhà Trắng nêu bật các biện pháp đã được công bố gần đây và một số cam kết mới. Costa Rica sẽ mở rộng các biện pháp bảo vệ đối với những người tị nạn Cuba, Nicaragua và Venezuela đến trước tháng 3 năm 2020. Mexico sẽ bổ sung thị thực lao động tạm thời cho tối đa 20.000 người Guatemala một năm.

Mỹ cũng cam kết sẽ chi 314 triệu USD để hỗ trợ các quốc gia tiếp nhận người tị nạn và di cư, và đang tiếp tục hoặc mở rộng các nỗ lực để đoàn tụ các gia đình Haiti và Cuba. Belize sẽ “bình thường hóa” những người di cư Trung Mỹ và Caribe trong nước.

Tổng thống Guillermo Lasso của Ecuador tuần trước đã công bố tình trạng bảo vệ tạm thời cho người Venezuela ở đất nước của ông, ước tính khoảng 500.000 người. Ông nói tại một cuộc thảo luận hôm thứ Ba rằng đất nước của ông đang đền đáp sự hào phóng của Tây Ban Nha và Mỹ vì đã chào đón một số lượng lớn người Ecuador đã bỏ trốn hơn hai thập kỷ trước.

Tổng thống Iván Duque của Colombia, người đứng cạnh Biden tại buổi lễ, đã được hoan nghênh nhiệt liệt khi xuất hiện hôm thứ Năm vì đã mô tả cách chính phủ của ông đã cấp quy chế tạm thời cho 1 triệu người tị nạn Venezuela trong 14 tháng qua và đang xử lý 800.000 đơn đăng ký khác.

“Chúng tôi đã làm điều đó vì sự tin tưởng”, Duque nói với AP, cho biết thêm rằng ông không thể thờ ơ với những người Venezuela bị mất nhà cửa và sinh kế. Ông nói thêm: “Họ vô hình ở Colombia. Họ không thể mở tài khoản ngân hàng, họ không thể làm việc, họ không thể chăm sóc sức khỏe".

Mỹ đã trở thành điểm đến phổ biến nhất cho những người xin tị nạn kể từ năm 2017, đặt ra một thách thức khiến Tổng thống Biden và những người tiền nhiệm của ông, Donald Trump và Barack Obama, gặp nhiều khó khăn.

Huy Hoàng (theo AP, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-chau-my-dat-duoc-hiep-dinh-moi-ve-di-cu-post198634.html