Hội nghị trực tuyến của Chính phủ chỉ đạo ứng phó với bão số 3
Ngày 20/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ chỉ đạo ứng phó với bão số 3 năm 2025.
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 18 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Bắc và Duyên hải miền Trung. Dự phiên họp có các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Công Sứ chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ.
Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ có các đồng chí: Trần Duy Đông - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PTDS-PCTT&TKCN) tỉnh; Đinh Công Sứ - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN tỉnh. Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh; Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN tỉnh, các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông phát biểu kết luận hội nghị tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương báo cáo tổng hợp công tác chỉ đạo, ứng phó với bão số 3. Theo đó, căn cứ tình hình diễn biến bão, Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN, các bộ, ban, ngành đã phối hợp với các tỉnh, thành phố để triển khai ứng phó với bão và mưa lũ thực tế tại địa phương trong vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.
Thông báo, hướng dẫn cho 54.300 phương tiện với 227.194 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh. Có công hàm gửi các nước trong khu vực đề nghị tạo điều kiện cho tàu thuyền vào tránh trú và hỗ trợ khi có tai nạn, sự cố.
Đối với vụ lật tàu dịch vụ du lịch Vịnh Xanh 58 (QN 7105) tại khu vực đảo Ti Tốp, tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường. Các lực lượng đã huy động tổng quân số, phương tiện, trang thiết bị tham gia tìm kiếm cứu nạn là 266 người, 18 tầu, 18 xuồng, 3 bông tông cùng các trang thiết bị đi cùng để khẩn trương tìm kiếm cứu nạn nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ.
Đối với tỉnh Phú Thọ, những tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều đợt mưa lớn diện tích rộng cùng với đó là dông, lốc bất thường, cục bộ gây ra nhiều thiệt hại ở các địa phương. Thiên tai từ đầu năm trên địa bàn tỉnh đã làm 6 người chết (1 người thuộc khu vực Phú Thọ; 4 người thuộc khu vực Hòa Bình; 1 người thuộc khu vực Vĩnh Phúc); ảnh hưởng nhà của 562 hộ dân; tốc mái, hư hỏng 8 nhà văn hóa, 13 trường học, thiệt hại 110ha lúa và hoa màu. 73ha cây lâm nghiệp; sạt lở các tuyến đường tỉnh 4.200m3, 1.670m đường giao thông liên xã, thôn, xóm; gãy 23 cột điện... ước tổng thiệt hại khoảng 9,3 tỷ đồng. Đặc biệt, cơn mưa dông diện rộng xảy ra chiều tối ngày 19/7 đã làm nhiều địa phương trên địa tỉnh bị thiệt hại, sơ bộ đã xác định 1 người chết, 1 người bị thương, tốc mái 345 ngôi nhà, 3 nhà văn hóa, 11 điểm trường, 2 trạm y tế, 1 trụ sở cơ quan...
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc tới gia đình các nạn nhân bị thiệt hại trong vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long, Quảng Ninh.
Đồng chí yêu cầu các cơ quan chuyên môn đánh giá chính xác quy mô, cường độ, phạm vi ảnh hưởng của bão. Hiện nay, theo nhận định, bão có thể ảnh hưởng tới khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, thậm chí còn rộng hơn do tác động của hoàn lưu sau bão. Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Phó Thủ tướng yêu cầu cần huy động đầy đủ lực lượng Trung ương và địa phương, thống nhất hành động khẩn cấp để kịp thời phòng, tránh và ứng phó hiệu quả với bão.
Các tỉnh, thành phố sau khi kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, cần rà soát và đánh giá thực chất mức độ sẵn sàng ứng phó thiên tai, đặc biệt là trước cơn bão sắp tới, nhằm bảo đảm bộ máy sau sáp nhập hoạt động hiệu quả, đồng bộ trên mọi lĩnh vực, trong đó có công tác phòng, chống lụt bão.
Chú ý khoanh vùng các vị trí xung yếu, nhất là các địa điểm liên quan đến triều cường, hệ thống đê biển, khu vực thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân. Trong công tác chỉ đạo, điều hành, nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, các bộ, ngành, địa phương sớm có báo cáo, đề xuất với Trung ương để xem xét giải quyết.
Phát biểu kết luận tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông yêu cầu: Các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, UBND các xã, phường, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh không được chủ quan, lơ là, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các Công điện, Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với thiên tai, đặt biệt là nguy cơ mưa lũ gây ngập úng vũng trũng thấp, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống... Bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Khẩn trương củng cố, kiện toàn, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN ở các ngành, các cấp, cơ quan đơn vị theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thời gian hoàn thành” gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với quy định hiện hành.
Tổ chức rà soát, cập nhật các kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai, chú trọng công tác chuẩn bị ứng phó mùa mưa bão năm 2025 theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với các loại hình thiên tai điển hình xảy ra tại địa phương.
Tổ chức đánh giá công tác bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn. Đối với những sự cố công trình đã xảy ra trong các mùa mưa, lũ trước (nhất là các sự cố xảy ra trong đợt bão số 3 năm 2024 và mưa lũ sau bão gây ra) cần đặc biệt quan tâm và tập trung nhân lực, nguồn lực để hoàn thành việc xử lý; triển khai thực hiện phương án bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu năm 2025 và tổ chức bảo vệ đê điều theo chính quyền địa phương 2 cấp.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng phân công nhiệm vụ cụ thể, yêu cầu các đồng chí là thành viên Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN tỉnh nắm chắc tình hình, diễn biến mưa lũ, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền được phân công. Cập nhật báo cáo thường xuyên về UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường để đảm bảo ứng phó kịp thời, hiệu quả với tác động của bão, lũ, mưa lớn.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền đến các tổ chức, người dân, doanh nghiệp để chủ động triển khai công tác ứng phó với mưa bão theo quy định.