Hội thảo đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi lợn bền vững

Trong 2 ngày (28 - 29/7), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi và kế hoạch chăn nuôi lợn bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Tham dự Hội thảo có đại diện một số sở, ngành của tỉnh và trên 20 trang trại, tổ hợp tác chăn nuôi lợn quy mô lớn, tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, giai đoạn 2016-2020, chăn nuôi lợn đã đạt được nhiều kết quả, tốc độ tăng đàn bình quân đạt 2,1%/năm; sản lượng thịt hơi bình quân đạt 46,8 nghìn tấn/năm, chiếm gần 80% sản lượng thịt các loại; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi lợn chiếm 66% tổng giá trị ngành chăn nuôi; phương thức chủ yếu chăn nuôi nông hộ, cơ cấu giống nội địa chiếm 65%...

Từ năm 2016 đến nay, dịch lở mồm long móng và dịch tả lợn châu Phi xảy ra làm gần 40 nghìn con lợn ốm, chết và cùng đàn phải tiêu hủy (chiếm 7,7% tổng đàn lợn của tỉnh), gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, quy mô chăn nuôi của hộ dân. Nguyên nhân bùng phát và lây lan dịch bệnh do người dân tự ý mua lợn giống nhiễm mầm bệnh về chăn nuôi, sử dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng, mua cám từ hộ đã bị dịch về sử dụng, người chăn nuôi chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh và áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học…

Trong giai đoạn tới, việc phát triển chăn nuôi lợn được thực hiện theo hướng an toàn dịch bệnh, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng trong tỉnh, nhu cầu ẩm thực của khách du lịch, mở rộng thị trường ngoại tỉnh và hướng tới xuất khẩu chính ngạch.

Theo đó, cần chuyển đổi cơ bản phương thức chăn nuôi lợn nhỏ lẻ ở vùng thấp sang chăn nuôi trang trại an toàn dịch bệnh, đặc biệt với bệnh dịch tả lợn châu Phi, an toàn sinh học, gắn với bảo vệ môi trường. Nâng cao nhận thức, năng lực quản lý an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi vùng cao dựa vào cộng đồng thôn, bản; xây dựng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lợn an toàn khép kín từ trang trại đến bàn ăn nhằm nâng cao sức cạnh tranh, giá trị và hiệu quả chăn nuôi lợn.

Đại diện Hợp tác xã chăn nuôi lợn huyện Bảo Thắng tham gia ý kiến tại hội thảo.

Đại diện Hợp tác xã chăn nuôi lợn huyện Bảo Thắng tham gia ý kiến tại hội thảo.

Khai thác lợi thế của từng địa phương, vùng để phát triển chăn nuôi lợn công nghiệp, công nghệ cao, phát triển chăn nuôi lợn bản địa hướng hữu cơ, phấn đấu đến năm 2025 tổng đàn lợn toàn tỉnh đạt 515.000 con, sản lượng đạt 51.000 tấn; Phát triển 550 trang trại chăn nuôi lợn quy mô nhỏ, 240 trang trại quy mô vừa và 10 trang trại quy mô lớn áp dụng quy chuẩn chăn nuôi lợn an toàn sinh học; xây dựng thành công mô hình điểm cộng đồng thôn, bản quản lý chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh và nhân rộng ở các địa phương vùng cao của tỉnh...

Tại hội thảo, ngành nông nghiệp tỉnh đã tham vấn ý kiến của các trang trại chăn nuôi, tổ hợp tác chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh; phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các địa phương, các sở, ngành để bổ sung Dự thảo Nghị quyết ban hành quy định khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép nuôi trên địa bàn tỉnh Lào Cai để trình HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm 2020; Dự thảo Kế hoạch tái đàn, phát triển chăn nuôi lợn bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/hoi-thao-doi-thoai-chinh-sach-chia-se-kinh-nghiem-chan-nuoi-lon-ben-vung-z3n20200729152902628.htm