Hội thảo khoa học về Huyền Trân công chúa

Với mục đích làm sáng tỏ cuộc đời và những đóng góp của Huyền Trân công chúa với đất nước, với Phật giáo Việt Nam, hội thảo khoa học 'Huyền Trân Công chúa: Cuộc đời và giai thoại' đã được tổ chức ngày 30.11 tại TP. Nam Định.

Hội thảo do Viện Nghiên cứu tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định và UBND huyện Vụ Bản phối hợp tổ chức.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài cho biết, với vị trí địa lý ở trung tâm khu vực Nam đồng bằng Sông Hồng, Nam Định là nơi hội tụ, lưu giữ và lan tỏa nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Việt.

Nam Định còn là vùng đất khởi nghiệp, phát tích của Vương triều Trần, một trong những triều đại phát triển thịnh trị bậc nhất trong tiến trình lịch sử của dân tộc ta. Những đức quân vương, những văn thần võ tướng tài ba thời Trần mãi lưu danh trong lịch sử nước nhà và được nhân dân tôn thờ tại nhiều di tích.

Trong số các nhân vật lịch sử của thời Trần, chúng ta không thể không đề cập đến Huyền Trân công chúa, con gái của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, em gái của vua Trần Anh Tông. Để giữ bang giao với nước láng giềng, Huyền Trân công chúa được Thượng hoàng Trần Nhân Tông gả làm Hoàng hậu của Vua Chế Mân nước Champa.

Cuộc hôn nhân của Huyền Trân công chúa với Vua Chế Mân chỉ kéo dài một năm do Vua Chế Mân đột ngột qua đời. Sau khi Vua Chế Mân qua đời, Vua Trần Anh Tông cử đoàn sứ giả sang Champa đón Công chúa về nước Đại Việt.

Theo di nguyện của Vua cha, sau khi về đến nước Đại Việt, Công chúa xuống tóc xuất gia tu hành với pháp danh: Ni sư Hương Tràng. Năm 1311, Ni sư Hương Tràng lập am thờ Phật tại chân núi Hổ; am tranh là di tích Chùa Hổ Sơn sau này với tên hiệu là Quảng Nghiêm tự. Năm 1340, Ni sư Hương Tràng viên tịch, nhân dân địa phương tôn kính lập đền khói hương thờ phụng. Hàng năm, vào ngày mồng 9.4 âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội tri ân công đức của Công chúa.

Theo ông Trần Lê Đoài, ghi chép trong chính sử vốn ít ỏi, lại có một số điểm chưa tỏ tường về Huyền Trân công chúa. Vì thế, những câu chuyện về cuộc đời, những sự kiện liên quan đến Huyền Trân công chúa được thêu dệt, nhất là trong thời gian từ Champa trở về Đại Việt làm ảnh hưởng đến nhân cách, cuộc đời và làm mờ đi những đóng góp của Huyền Trân công chúa với quốc gia, dân tộc và với Phật giáo Việt Nam.

"Đặc biệt, sau khi trở về Đại Việt năm 1308, Huyền Trân công chúa xuất gia và tu hành ở Hổ Sơn lại ít được ghi chép… Vì vậy, nghiên cứu làm rõ hơn cuộc đời và những đóng góp của Huyền Trân công chúa với đất nước, với Phật giáo là một việc làm hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng nhằm mang đến nhận thức đầy đủ, đúng đắn về cuộc đời, đóng góp của một nhân vật lịch sử, đồng thời cũng là một ni sư của Phật giáo Việt Nam".

Hòa thượng Thích Thọ Lạc chia sẻ tại hội thảo

Hòa thượng Thích Thọ Lạc chia sẻ tại hội thảo

Hội thảo gồm 3 chủ đề: Cuộc đời Huyền Trân công chúa: lịch sử và những giai thoại, nhằm tìm hiểu rõ hơn về Huyền Trân Công chúa ở Đại Việt và Champa; những nơi mang dấu ấn của bà và gắn kết những nơi này; Vị trí, vai trò của Công chúa Huyền Trân với dân tộc làm rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân công chúa với vua Chế Mân; Vị trí, vai trò của Công chúa Huyền Trân với Phật giáo là quá trình xuất gia tu hành (thụ Bồ tát giới, pháp danh Hương Tràng, thời gian tu hành ở chùa Hổ Sơn…) và những cơ sở thờ tự thờ phụng Công chúa Huyền Trân hiện nay.

Thông qua tìm kiếm các nguồn tư liệu sử học, khảo cổ học, tư liệu Hán Nôm; thần tích, thần sắc, truyền thuyết, cơ sở thờ tự liên quan đến Công chúa Huyền…, hội thảo không chỉ góp phần làm rõ đóng góp của Huyền Trân công chúa đối với dân tộc và đạo pháp, làm rõ những điểm còn chưa rõ trong cuộc đời bà, khẳng định nhân cách cao đẹp của bà, mà còn góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa liên quan đến Huyền Trân công chúa, các di tích thờ phụng Huyền Trân công chúa ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là di tích chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, trong thời gian tới.

Hiện nay, di tích chùa Hổ Sơn, nơi thờ phụng Huyền Trân công chúa, vẫn giữ được 27 tượng thờ và 27 đồ thờ cổ, trong đó nhiều cổ thư, cổ vật quý như tượng 2 công chúa, 4 sắc phong của các triều đại phong kiến phong cho 2 công chúa, một số bát hương sứ, sành mang phong cách nghệ thuật thời Lê. Ngày 27.9.2006, chùa Hổ Sơn được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

 Một góc chùa Hổ Sơn. Nguồn: afamily.vn

Một góc chùa Hổ Sơn. Nguồn: afamily.vn

Cùng với quần thể Phủ Dày, chùa Hổ Sơn được xác định là một trong những di tích tâm linh của huyện Vụ Bản để phát triển du lịch tâm linh.

H.Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hoi-thao-khoa-hoc-ve-huyen-tran-cong-chua-post397905.html