Hồi ức của những người lính về đường Trường Sơn - con đường huyền thoại thống nhất Bắc - Nam

Đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh - con đường huyền thoại thống nhất Bắc – Nam, là nơi lưu giữ những chiến công hào hùng, ký ức lịch sử của Đảng, của quân đội và nhân dân ta. Nhân 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng chúng tôi tìm về hồi ức của những người lính tham gia mở đường, chiến đấu trên tuyến đường huyền thoại này.

Chiếc cọc gỗ nổi trên mặt đất khoảng 20cm bên bến vượt sông Sê Rê Pốk (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk giáp với Campuchia), thuộc tuyến đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh, là minh chứng lịch sử cho những ngày những mở đường, chiến đấu của những người lính Trường Sơn. Đại tá Lê Xuân Bá là người trực tiếp chỉ huy bộ đội ngày đêm xây ngầm, làm phà. Từ đây, các loại xe ô tô vận tải, pháo binh, bộ binh,… đã vượt sông Sê Rê Pốk, chi viện lực lượng, phương tiện, lương thực vào chiến trường miền Nam.

Đại tá LÊ XUÂN BÁ - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470, Binh đoàn 12, Bộ Quốc phòng: “Sông Sê Rê Pốk từ đây qua bên kia là 200m, có 3 phương tiện vượt sông, thứ nhất là tổ chức bến phà để chở 1 xe ô tô vượt sông; sau đó do yêu cầu nhiệm vụ thì bắc phà từ bên này qua bên kia để xe chạy liên tục. Trên chiến trường, nếu sử dụng xe tăng và xe bọc thép thì xe tăng, xe bọc thép đi đường riêng để qua sông.”

Tham gia chiến đấu từ năm 17 tuổi, đại tá Đặng Đình Đường cũng trực tiếp tham gia nhiệm vụ đánh địch, đảm bảo giao thông, vận chuyển cung ứng vũ khí, lương thực, người, phương tiện từ hậu phương miền Bắc xuyên đường Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Ông cũng chứng kiến nhiều sự hi sinh, gian khổ của đồng đội nơi đây.

Đại tá ĐẶNG ĐÌNH ĐƯỜNG - Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Lắk, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470: "Chúng tôi muốn nhắn nhủ thế hệ trẻ hôm nay nhớ lịch sử, nhớ những công lao của cha ông ngày xưa để có được ngày hòa bình hôm nay. Ở đường Trường Sơn, khi xa nhau không rơi nước mắt nhưng sau này về nhiều nơi “đầu đội khăn tang nhiều hơn người lính trở về.”

Trong quá trình xây ngầm, bắc cầu nối hai bờ sông Sê Rê Pốk, không quân và pháo binh Mỹ, ngụy đánh phá ác liệt khiến 57 chiến sĩ thuộc Sư đoàn 470 đã anh dũng hi sinh. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 14 cán bộ, chiến sĩ thuộc Công an nhân dân vũ trang (nay là bộ đội biên phòng Đắk Lắk) cũng vĩnh viễn nằm lại nơi đây trong quá trình chiến đấu, bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Thiếu tá NGUYỄN HỮU LƯƠNG - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, BĐBP tỉnh Đắk Lắk: “Thế hệ cha anh đi trước đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mở đường, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng tôi những người lính trong giai đoạn mới được Đảng, Nhà nước, nhân dân quan tâm thì sẽ tiếp tục học tập, hoàn thành nhiệm vụ, vững vàng chính trị tư tưởng, tinh thông nghiệp vụ, làm tròn nhiệm vụ trên biên giới.”

Ngày 30/4/1975 mãi mãi là một dấu mốc của lịch sử dân tộc Việt Nam. Chiến tranh đã lùi xa 47 năm nhưng những ngày tháng chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh và hình ảnh đồng đội nằm lại nơi đây mãi vẹn nguyên trong tâm trí người lính. Không chỉ lưu giữ những trang sử vàng, tuyến đường Trường Sơn ngày nay đang tiếp tục ghi lại các dấu mốc mới về sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước văn minh, hiện đại.

Thực hiện : Kim Liên Nguyễn Minh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/hoi-uc-cua-nhung-nguoi-linh-ve-duong-truong-son-con-duong-huyen-thoai-thong-nhat-bac-nam