Hòn Trứng Côn Đảo xác lập kỷ lục sân chim sinh sản nhiều nhất Việt Nam
Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) vừa đón nhận danh hiệu Cây di sản và Bằng xác lập Kỷ lục sân chim Hòn Trứng.
Ngày 29/11, ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa trao Bằng xác lập kỷ lục Hòn Trứng là sân chim biển có mật độ sinh sản nhiều nhất Việt Nam cho Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo.
Theo ông Pho, Hòn Trứng là một đảo nhỏ quan trọng của Vườn Quốc gia Côn Đảo, diện tích gần 2ha, hoang vắng, chỉ có cỏ bụi và đá. Tuy nhiên, nơi đây trở thành địa bàn cư trú, sinh sản của nhiều loài chim quý hiếm như: Nhàn lưng đen, Nhàn mào lớn, Điên bụng trắng, Yến hông trắng, Nhàn đầu xám… Mật độ trứng khảo sát được trung bình 4,88 trứng/m2.
Ngoài ra, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã trao bằng công nhận 24 Cây di sản cho Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo. Trong đó có 1 cây Bàng tại Hòn Bảy Cạnh (237 tuổi, chu vi 7m, cao 17m); 1 cây Bàng tại Bãi Ông Đụng (155 tuổi, chu vi 4,6m, cao 14m); 1 cây Sao đen tại Bãi Dài (237 tuổi, chu vi 7,9m, cao 25m) và quần thể 21 cây Phong ba tại Hòn Cau (119 tuổi, chu vi lớn nhất 274m). Như vậy, tính đến nay, toàn huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) có 105 Cây Di sản, bao gồm: Bàng, Bằng lăng, Thị, Nhội, Cóc đỏ…
“Đây là minh chứng cho những nỗ lực của Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường bền vững”, Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo nói.
Vườn Quốc gia Côn Đảo có 1.077 loài thực vật, thuộc 640 chi, của 160 họ thực vật bậc cao có mạch, trong 6 ngành thực vật; 155 loài động vật thuộc 64 họ, 26 bộ gồm 25 loài thú, 85 loài chim 32 loài bò sát và 13 loài ếch, nhái...
Thảm thực vật rừng Vườn Quốc gia Côn Đảo mang tính đặc trưng, tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo, biểu hiện qua các hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh, rừng lá rộng nửa rụng lá, rừng tre và rừng ngập mặn ven biển.
Cùng với việc bảo tồn các hệ sinh thái rừng tự nhiên trên đảo, công tác nghiên cứu khoa học và bảo tồn một số loài thực vật cũng được quan tâm, chú trọng xuyên suốt mấy chục năm qua, các đề tài nghiên cứu, ứng dụng như: trồng rừng ngập mặn trên nền cát, san hô chết tại một số đảo; trồng rừng phục hồi sau cơn bão Linda 1997; nghiên cứu đặc tính sinh thái và nhân giống Cây cóc đỏ (loài thực vật nguy cấp, quý hiếm) lần đầu tìm thấy ở Vườn Quốc gia Côn Đảo…và nhiều công trình bảo tồn, nghiên cứu khác.
Bên cạnh bảo tồn và nghiên cứu khoa học, Vườn quốc gia Côn Đảo còn chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị những cây thân gỗ, đa phần là cây cổ thụ, có từ lâu đời và chứa đựng các giá trị lớn lao về văn hóa, giáo dục, lịch sử, xã hội, sinh thái…