Hợp tác giữa TP.HCM với ĐBSCL: Kết quả chưa như kỳ vọng
Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với vùng ĐBSCL bước đầu mang lại một số kết quả nhất định, nhưng chưa đi vào chiều sâu, hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng.
Ngày 29/11, tại TP. Cần Thơ, UBND TP.HCM và các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội nghị sơ kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn 2023 - 2024 và triển khai Kế hoạch triển khai giai đoạn 2024 - 2025.
Trình bày báo cáo kết quả thực hiện thỏa thuận hợp tác, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Quách Ngọc Tuấn cho biết, TP.HCM với 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội trên 6 lĩnh vực trọng tâm gồm: Phát triển hạ tầng giao thông; phát triển du lịch; kết nối cung cầu - xúc tiến đầu tư, thương mại; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; phát triển giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực và một số lĩnh vực hợp tác song phương.
Giai đoạn 2023 - 2024 đã triển khai nhiều chương trình hợp tác giữa TP.HCM và ĐBSCL như kết nối doanh nghiệp, kết nối cung - cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư - thương mại, hợp tác song phương về tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc sản của các địa phương ĐBSCL đến người dân TP.HCM và khách du lịch.
Về phát triển hạ tầng giao thông, TP.HCM đã phối hợp với tỉnh Bến Tre, Cà Mau nghiên cứu luồng tuyến nâng cao năng lực và hiệu quả khai thác tuyến giao thông đường thủy kết nối TP.HCM và tỉnh Bến Tre và đề xuất dự án nâng cao năng lực và hiệu quả khai thác tuyến giao thông đường thủy kết nối TP.HCM và tỉnh Cà Mau.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đang kêu gọi các doanh nghiệp vận tải thủy tham gia tuyến vận tải hành khách theo tuyến cố định bằng đường thủy từ huyện Cần Giờ - TP.HCM đi thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông - tỉnh Tiền Giang và ngược lại…
Về phát triển du lịch, Sở Du lịch TP.HCM đã hỗ trợ các tỉnh, thành ĐBSCL tổ chức các hội nghị, chương trình quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch.
Thực hiện Đề án phát triển sản phẩm du lịch liên kết TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, góp phần quan trọng để TP.HCM trở thành “điểm đến”, định hình hệ thống các sản phẩm du lịch đặc thù của vùng ĐBSCL và của các địa phương trong vùng trong mối quan hệ “cung - cầu” với thị trường lớn nhất nhất ở khu vực phía Nam là TP.HCM…
Đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực y tế với quy mô vùng đã giúp giảm tải cho hệ thống y tế TP.HCM và chăm sóc sức khỏe người dân vùng ĐBSCL một tốt hơn. Lần đầu tiên các Giám đốc Sở Y tế TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL ký kết hợp tác xây dựng và phát triển mạng lưới y tế chuyên sâu từ bệnh viện tuyến cuối đến tuyến y tế cơ sở, từ TP.HCM đến các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, hướng đến mục tiêu giảm tải cho hệ thống y tế TP.HCM.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng: “ Tiềm năng hợp tác giữa TP.HCM với ĐBSCL rất lớn, chúng ta kỳ vọng rất nhiều tuy nhiên kết quả từ tháng 7/2023 đến nay đạt chưa được như mong muốn. Hôm nay, chúng tôi rất mong đợi được lắng nghe ý kiến của lãnh đạo địa phương, đại diện doanh nghiệp, đại biểu tham dự hội nghị này chỉ ra những trọng tâm, những cách thức để sự hợp tác của chúng ta thật sự mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL và TP.HCM. Đây là điều mà chúng tôi rất trăn trở và rất mong muốn có sự đột phá để làm sao chúng ta làm được việc nhỏ, làm ít nhưng nó thật sự thiết thực. TP.HCM luôn luôn lắng nghe và sẵn sàng cùng với các địa phương vùng ĐBSCL, các doanh nghiệp triển khai hợp tác cho thực chất, hiệu quả”.
Còn Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, thời gian qua, thành phố đã triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung liên kết vùng; tăng cường hợp tác với các địa phương trong vùng, trong cả nước và các địa phương quốc tế. Cần Thơ liên kết, phối hợp với TP.HCM và các viện, trường đã ký kết trên các lĩnh vực như: nông nghiệp công nghệ cao; giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; y tế chuyên sâu; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hạ tầng giao thông kết nối liên vùng; phát triển du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại, mở rộng thị trường… để đưa TP. Cần Thơ trở thành cực phát triển của khu vực ĐBSCL.
Theo Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, trong thời gian tới, thành phố tiếp tục quan tâm triển khai các nội dung trọng tâm của kế hoạch hợp tác giữa TP.HCM với ĐBSCL, nhất là về hạ tầng giao thông, như: Nâng cấp mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương; dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, tuyến đường ven biển kết nối TP.HCM - vùng ĐĐSCL; phối hợp các tỉnh ĐBSCL trong nghiên cứu khai thác các tuyến vận tải đường thủy...
Tại Hội nghị, lãnh đạo UBND các tỉnh vùng ĐBSCL mong muốn trong thời gian tới, TP.HCM tiếp tục quan tâm hỗ trợ các địa phương trong vùng trong việc kết nối, xúc tiến tiêu thụ hàng hóa nông sản; liên kết, quảng bá sản phẩm, khai thác tour tuyến du lịch; xúc tiến mời gọi đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng mong muốn TP.HCM tiếp tục hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL trong xúc tiến đầu tư. Ông Mừng đề nghị, nếu được, thành phố quan tâm bố trí các không gian để các tỉnh có thể giới thiệu tiềm năng, lợi thế xúc tiến đầu tư, không chỉ là các diễn đàn, hội nghị mà bố trí không gian ở đây có thể là các địa điểm, trụ sở và cả trên không gian mạng...
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá cao sáng kiến và sự chủ động của TP.HCM và ĐBSCL trong việc ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. Việc hợp tác này nhằm phát huy mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng, lợi thế cho các địa phương trong vùng. Từ thực tế hợp tác giữa TP.HCM và ĐBSCL có thể được xem là hình mẫu tốt có khả năng nhân rộng, phát triển trên cả nước.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra 3 thách thức lớn trong việc hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL. Đó là sự chênh lệch phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và một số tỉnh vùng này còn rất lớn. Tương tự như vậy, sự chênh lệch giữa TP.HCM với ĐBSCL cả về hạ tầng xã hội, y tế, cơ sở giáo dục, thu nhập cũng cần phải được thu hẹp, nếu không xử lý được thì việc hợp tác khó đem lại hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng, mặc dù đã được sự quan tâm nhưng đầu tư hạ tầng của vùng vẫn còn chậm, vẫn chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL, giữa TP.HCM với vùng ĐBSCL, vẫn còn sự chưa thống nhất, vì vậy cần phải nghiên cứu nội dung này trong thời gian tới.
Thêm vào đó là vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường cũng là thách thức lớn trong việc hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL.
Từ đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đề xuất nhiều nội dung quan trọng trong việc triển khai thỏa thuận hợp tác giữa TP.HCM và ĐBSCL trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh, cần thiết lập cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả, đồng bộ, cụ thể hơn...
Bà Ngọc chia sẻ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẵn sàng đồng hành cùng với TP.HCM và ĐBSCL. Cụ thể là sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có sự ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, đặc biệt là tháo gỡ các điểm nghẽn phát triển.
Sẵn sàng đồng hành với TP.HCM và ĐBSCL để xúc tiến thu hút đầu tư các dự án trong nước và nước ngoài; lồng ghép các dự án ưu tiên của các tỉnh ĐBSCL, TP.HCM vào các chương trình xúc tiến đầu tư của Bộ.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẵng sàng phối hợp cùng với TP.HCM, các địa phương ĐBSCL để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án...
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hop-tac-giua-tphcm-voi-dbscl-ket-qua-chua-nhu-ky-vong-d231328.html