Hướng đến người Việt đoạt giải Nobel, khẳng định vị thế học thuật trên trường quốc tế

Tạo nền tảng cho những bước tiến vượt bậc trong tương lai, hướng đến việc có người Việt đoạt giải Nobel; 'trao tay' cho thanh thiếu niên những công cụ và môi trường thử nghiệm phát huy đổi mới sáng tạo; chia sẻ các giải pháp công nghệ… là những đề xuất, chia sẻ được các đại biểu mang đến Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI năm 2025.

Hôm nay (19/7), tại Hà Nội, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI năm 2025 chính thức khai mạc. Hơn 200 đại biểu trong và ngoài nước đã quy tụ, cộng hưởng trí tuệ góp sức dựng xây đất nước.

Nhiều trí thức Việt lần đầu tiên tham dự sự kiện đã bày tỏ niềm vinh dự và khát vọng cống hiến cho đất nước, với Tiền Phong.

Thạc sĩ Đoàn Minh Thu: Tạo môi trường tư duy độc lập, sáng tạo

Thạc sĩ Đoàn Minh Thu hiện là Phó Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Đối tác và Truyền thông; Quản lý không gian sáng tạo Maker Innovation Space và giảng viên/nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Đại học Đà Nẵng.

Sau khi hoàn thành Thạc sĩ ngành Y sinh học năm 2015, tôi đã lựa chọn trở về Việt Nam công tác với mong muốn được cống hiến cho nền giáo dục quê hương.

Gần 10 năm gắn bó với giáo dục đại học, tôi càng thấm thía ý nghĩa của việc đồng hành cùng thế hệ trẻ trong hành trình tìm kiếm tri thức, định hình bản thân và phụng sự cộng đồng.

Tham gia Diễn đàn lần này là một cột mốc khởi đầu cho hành trình gắn bó lâu dài với mạng lưới trí thức trẻ, để cùng nhau kiến tạo giá trị bền vững cho Việt Nam.

 Thạc sĩ Đoàn Minh Thu. Ảnh: NVCC

Thạc sĩ Đoàn Minh Thu. Ảnh: NVCC

Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ trên bản đồ tri thức và đổi mới toàn cầu, đây là lúc chúng ta cần những không gian như Diễn đàn – nơi trí thức trẻ Việt chia sẻ, định hình những hướng đi thiết thực và dài hơi. Tôi đặc biệt trân trọng tinh thần của Diễn đàn: không dừng lại ở đối thoại, mà hướng tới hành động và lan tỏa giá trị thực tế.

Tôi quan tâm sâu sắc nội dung: “Giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo”. Là một người làm giáo dục đại học, đồng hành với sinh viên trong các sáng kiến đổi mới sáng tạo, tôi cảm nhận rất rõ khoảng cách giữa năng lực người học và yêu cầu của thời đại số.

Phát triển con người là gốc rễ của phát triển bền vững. Muốn làm được điều này, chúng ta cần không chỉ cải cách hệ thống giáo dục, mà còn tạo môi trường, cả vật lý lẫn tinh thần, để người trẻ được tư duy độc lập, được thử – sai – học hỏi và trưởng thành.

Tại Diễn đàn, tôi rất mong muốn chia sẻ về vai trò của các nền tảng đổi mới sáng tạo như không gian sáng chế, cuộc thi trực tuyến, trong phát triển tư duy sáng tạo, tư duy thiết kế, và kỹ năng giải quyết vấn đề cho người trẻ, đặc biệt thanh thiếu niên gặp rào cản địa lý hay thể chất. Không “trao tay” cho thanh thiếu niên những công cụ và môi trường để thử nghiệm, thì sự sáng tạo sẽ chỉ dừng lại là lý thuyết.

Tôi hy vọng có thể mang câu chuyện từ thực tiễn giảng dạy và triển khai các dự án sáng tạo cộng đồng đến với Diễn đàn – để cùng nhìn lại cách chúng ta đang chuẩn bị cho thế hệ trẻ, từ đó, cùng nhau xây dựng những mô hình hiệu quả hơn.

Tôi mong rằng Diễn đàn sẽ là nơi khơi mở các kết nối lâu dài và mang tính chất cộng tác xuyên lĩnh vực, lâu dài thông qua các nhóm cộng tác mở hoặc sáng kiến liên kết. Các kiến nghị, ý tưởng được đưa ra trong Diễn đàn không chỉ dừng ở mức đề xuất, mà sẽ được tiếp nhận, thử nghiệm, nhân rộng – tạo ra một “vòng lặp tri thức – hành động – phản hồi – điều chỉnh” thực chất.

Tiến sĩ Trần Tuấn Sang: Nâng cao vị thế khoa học của Việt Nam trên trường quốc tế

Tiến sĩ Trần Tuấn Sang hiện là nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Công nghệ Lượng tử Tiên tiến Queensland (QUATRI), Australia. Anh có hơn 30 công trình khoa học, gần 1.200 trích dẫn, cùng 11 giải thưởng danh giá.

Anh là đại diện duy nhất của Việt Nam tại Australia được mời tham dự Ngày hội Trí tuệ Toàn cầu 2025, quy tụ 35 chủ nhân Giải Nobel và các nhà khoa học hàng đầu thế giới.

Đây là lần đầu tôi tham dự Diễn đàn và có dịp kết nối trực tiếp với mạng lưới trí thức trẻ Việt trên khắp thế giới. Dù mới “gia nhập”, tôi cảm nhận rất rõ năng lượng, sự cởi mở và khát vọng đóng góp cho đất nước từ cộng đồng này.

“Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới’ - chủ đề của Diễn đàn rất thiết thực và truyền cảm hứng.

Là một nhà khoa học trẻ đang làm việc ở nước ngoài, tôi nhận thấy rõ trách nhiệm và cơ hội của bản thân trong việc kết nối tri thức, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, cùng nhau xây dựng những sáng kiến có giá trị cho sự phát triển dài hạn của Việt Nam.

 TS.Trần Tuấn Sang. Ảnh: NVCC

TS.Trần Tuấn Sang. Ảnh: NVCC

Với tầm nhìn kết nối trí tuệ Việt trên toàn cầu, Diễn đàn không chỉ là nơi gặp gỡ, mà là nền tảng để chúng ta cùng nhau kiến tạo những đóng góp thực chất, liên ngành và mang tầm vóc. Tôi rất kỳ vọng vào sức mạnh cộng hưởng của mạng lưới này trong việc đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực cốt lõi cho sự phát triển đất nước; cùng nhau thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao vị thế khoa học của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đến với Diễn đàn, tôi đặc biệt quan tâm đến nội dung phát triển văn hóa, giáo dục. Bởi, đây chính là nền tảng tạo nên một thế hệ công dân toàn cầu có bản sắc và năng lực cạnh tranh.

Mới đây, tôi có dịp tham dự Ngày hội Trí tuệ toàn cầu (Lindau Nobel Laureate Meetings) và nhận ra rằng: khoa học và giáo dục không thể tách rời ngoại giao, kết nối và hợp tác quốc tế. Từ trải nghiệm này, tôi rất mong muốn mang tinh thần cởi mở, liên kết xuyên biên giới vào chủ đề phát triển nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế của Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu năm nay, góp phần thúc đẩy một hệ sinh thái văn hóa giáo dục hiện đại, cởi mở, và giàu tính hội nhập cho Việt Nam.

Tôi muốn đề xuất Việt Nam nên thành lập phái đoàn chính thức tham dự Hội nghị Lindau Nobel – sự kiện khoa học quốc tế uy tín, trong tương lai. Đây không chỉ là cơ hội để các nhà khoa học trẻ Việt Nam hòa nhập vào mạng lưới nghiên cứu toàn cầu, còn là hoạt động ngoại giao khoa học quan trọng, khẳng định vị thế học thuật của đất nước và góp phần tạo nền tảng cho những bước tiến vượt bậc trong tương lai, cũng như hướng đến việc có người Việt đoạt giải Nobel.

Tiến sĩ Hà Văn Nam: Công nghệ năng lượng không dây

Tiến sĩ Hà Văn Nam hiện là học giả thỉnh giảng, nghiên cứu viên tại Đại học Aalto, Espoo, Phần Lan. Các lĩnh vực nghiên cứu của anh, gồm: truyền năng lượng không dây, siêu vật liệu, ăng-ten và hệ thống thu năng lượng.

Hiện nay, việc phát triển các công nghệ mang tính đột phá không thể tách rời sự hợp tác đa lĩnh vực.

Diễn đàn là không gian ý nghĩa mở ra nhiều cơ hội cho những người trẻ nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước cùng nhau đóng góp chất xám, kinh nghiệm cho sự phát triển của đất nước.

 TS. Hà Văn Nam. Ảnh: NVCC

TS. Hà Văn Nam. Ảnh: NVCC

Tham dự Diễn đàn, tôi đặc biệt quan tâm nội dung ứng dụng AI và công nghệ mới. Tôi cũng mong muốn chia sẻ về lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu của mình về công nghệ truyền năng lượng không dây trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược.

Đây là công nghệ nền tảng mang tính xuyên suốt, hỗ trợ rất nhiều nhóm chiến lược, từ thiết bị IoT, cảm biến, robot, đến y tế, năng lượng thông minh, và cả vũ trụ. Việc đầu tư phát triển công nghệ này không chỉ giúp tạo ra một nhóm sản phẩm chiến lược riêng mà còn là động lực tăng cường khả năng làm chủ, tích hợp và phát triển đột phá cho nhiều lĩnh vực.

Bên cạnh đó, tôi còn có một số kiến nghị chính sách để thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ bền vững trong nước.

Tôi kì vọng Diễn đàn sẽ trở thành một không gian mở, nơi các trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu có thể kết nối sâu sắc, chia sẻ tri thức và xây dựng được các sáng kiến thiết thực. Đặc biệt, từ Diễn đàn sẽ hình thành những hợp tác lâu dài, xuyên ngành và xuyên biên giới để từ đó góp phần tạo nên một hệ sinh thái khoa học công nghệ mạnh mẽ và bền vững, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước trong thời đại mới.

Tiến sĩ Trần Quốc Thiện: Phát triển vật liệu xây dựng "xanh"

Tiến sĩ Trần Quốc Thiện hiện là Nghiên cứu viên sau Tiến sĩ tại Đại học Texas-Austin, Texas, Hoa Kỳ với hướng nghiên cứu tập trung phát triển các loại vật liệu xây dựng "xanh". Anh còn là nhà sáng lập cộng động học thuật PhD.Hub với gần 100.000 thành viên trong và ngoài nước.

Bốn nội dung chính của Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu năm nay khá toàn diện, mang tính thời sự, cũng như phản ánh những thách thức và cơ hội lớn của nước ta.

Những khía cạnh quan trọng này tạo ra "không gian" để những nhà khoa học làm việc và sinh sống ở nước ngoài như chúng tôi có điều kiện đóng góp ý tưởng giải quyết các vấn đề hiện trạng của đất nước, đề xuất các ý tưởng sáng tạo cũng như chính sách. Qua đó, thể hiện vai trò cầu nối tri thức giữa Việt Nam và thế giới.

 Tiến sĩ Trần Quốc Thiện. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Trần Quốc Thiện. Ảnh: NVCC

Trong 4 nội dung bàn thảo tại Diễn đàn, tôi quan tâm tới "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Gắn với kinh tế xanh, phát triển bền vững, tài chính xanh và hội nhập kinh tế quốc tế"; và "Thích ứng với biến đổi toàn cầu: Ứng phó biến đổi khí hậu, phòng ngừa thiên tai, an ninh năng lượng và hạ tầng thông minh.

Cũng tại Diễn đàn, tôi muốn chia sẻ công nghệ chế tạo xi măng “xanh” mới góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí sản xuất, đang được thí điểm tại Ấn Độ, Cuba. Từ việc tìm hiểu và nghiên cứu cải thiện các tính chất cơ lí, tôi nhận thấy công nghệ này có khả năng tận dụng lượng đất sét và đá vôi dồi dào ở Việt Nam để giảm lượng clinker cần dùng trong xi măng truyền thống - giúp giảm hơn 30% lượng khí CO2 thải ra môi trường so với xi măng truyền thống.

Tôi quan tâm, tìm hiểu và muốn chia sẻ công nghệ này xuất phát từ thực tế Việt Nam là nước xuất khẩu xi măng lớn nhất thế giới, tuy tạo ra nhiều giá trị về kinh tế nhưng cũng gây ra ảnh hưởng nặng nề đến môi trường không khí.

Tôi kì vọng và tin tưởng, Diễn đàn là nơi tiếng nói của các nhà khoa học trong và ngoài nước được lắng nghe. Là nơi chúng tôi chia sẻ chuyên môn khoa học, gắn kết với Chính phủ cũng như các nhà đầu tư, cùng chia sẻ tầm nhìn và khát vọng cống hiến cho sự phát triển - thịnh vượng chung của quốc gia.

Xuân Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/huong-den-nguoi-viet-doat-giai-nobel-khang-dinh-vi-the-hoc-thuat-tren-truong-quoc-te-post1761545.tpo