Hướng đi xanh cho ngành xi măng
Sản xuất 122,34 triệu tấn xi măng mỗi năm, ngành xi măng Việt Nam đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển hạ tầng kinh tế của đất nước.
Nhằm theo kịp chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững hơn của mục tiêu quốc gia, TS Hoàng Hữu Tân - Phó Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, đến năm 2025, các cơ sở sản xuất xi măng tại Việt Nam sẽ phải thực hiện kiểm kê và báo cáo khí nhà kính định kỳ 2 năm/lần. Bên cạnh đó, các dây chuyền clinker có công suất dưới 2.500 tấn/ngày phải được trang bị hệ thống tận dụng nhiệt thải khí để tiết kiệm năng lượng. Chưa hết, cũng vào năm 2025, các cơ sở sản xuất xi măng sẽ phải đảm bảo các tiêu chuẩn về tiêu thụ năng lượng và sử dụng nguyên liệu thay thế. Đến năm 2030, ngành xi măng sẽ tiếp tục giảm phát thải và tăng cường sử dụng các nguyên liệu tái chế. Ngoài việc giảm tiêu thụ năng lượng, ngành còn hướng đến việc sử dụng tối thiểu 20% tro bay làm nguyên liệu thay thế vào năm 2025, và tăng tỷ lệ này lên 30% vào năm 2030. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn giảm thiểu lượng chất thải đưa vào môi trường.
Việt Nam hiện có 80 cơ sở sản xuất xi măng và 92 dây chuyền sản xuất clinker, sản xuất ra 122,34 triệu tấn xi măng mỗi năm. Về tiêu hao nguyên liệu, trung bình mỗi 1clinker tiêu tốn 1,55 tấn nguyên liệu (đá vôi, đất sét, phụ gia), trong khi nhiệt năng tiêu hao trung bình là 800 kcal/kg clinker và điện năng là 95 kWh/tấn xi măng. Đây là con số rất lớn khi xét đến lượng khí thải CO₂ mà ngành xi măng thải ra môi trường, gây áp lực lên các doanh nghiệp (DN) phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi xanh hướng đến Net Zero Carbon.
Mục tiêu cuối cùng vào năm 2050 là giảm khí thải carbon xuống còn 550 kg CO₂/tấn xi măng. Để đạt được mục tiêu này, các DN xi măng tại Việt Nam cần phải tiếp tục đầu tư vào công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất và thực hiện các giải pháp bền vững. Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) Vũ Ngọc Anh cho biết, hiện nay, các DN xi măng đang phải đối mặt với nhiều áp lực trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Các DN cần tuân thủ các quy định mới từ quốc gia và quốc tế, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu thay thế, áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, cũng như cải tiến quy trình sản xuất nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Chia sẻ về giải pháp giảm phát thải khí nhà kính của ngành xi măng, đại diện Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết, để đạt được mục tiêu giảm phát thải cần quản lý và kiểm soát tốt; tối ưu hóa sử dụng nhiên liệu; giảm tỷ lệ clinker trong sản xuất xi măng; tận dụng nhiệt thừa để phát điện và thu hồi CO2.
Dưới góc độ DN, đại diện xi măng Fico-YTL chia sẻ: cần phân bổ nguồn xi măng phù hợp theo vùng nhằm tối ưu hóa hiệu quả của dây chuyền sản xuất clinker và xi măng. Việc tái phân bổ này còn giúp các DN mạnh dạn đầu tư cho chuyển đổi xanh, sử dụng tài nguyên hiệu quả và giúp các DN xi măng tại Việt Nam đạt được các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững, từ đó tăng khả năng cạnh tranh. Cạnh đó, cần khuyến khích xử lý chất thải trong sản xuất xi măng, các nhà máy có thể sử dụng các loại chất thải công nghiệp và sinh hoạt làm nhiên liệu thay thế cho than hoặc dầu. Việc này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn góp phần giải quyết vấn đề xử lý chất thải tại địa phương, giảm bớt gánh nặng cho các bãi rác.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/huong-di-xanh-cho-nganh-xi-mang-10295084.html