Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030

Trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện có 4 cơ sở điều trị cho bệnh nhân HIV, gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế thị xã Chơn Thành và Trung tâm Y tế thị xã Phước Long. Tại 4 cơ sở này đang quản lý và điều trị khoảng 1.200 trường hợp nhiễm HIV/AIDS. Đa số người bệnh đều thực hiện tốt phác đồ điều trị và hiện tại sức khỏe tốt.

Nhân ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1-12), phóng viên Báo Bình Phước đã thực hiện cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hoàng Xuân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua.

* Thưa bác sĩ, HIV/AIDS đã thay đổi như thế nào trong vòng 36 năm qua?

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hoàng Xuân:Trong 36 năm qua, HIV có sự thay đổi. Thứ nhất là chiều hướng lây lan, trước kia đối tượng nguy cơ cao của HIV là ma túy, mại dâm, tiếp viên nhà hàng, khách sạn nhưng hiện nay đã có sự chuyển hướng. Qua giám sát cho thấy, nhóm đối tượng cao nhất hiện nay là nhóm sinh hoạt đồng giới (đồng giới nam, đồng giới nữ), nhóm ma túy, mại dâm nằm ở mức thấp hơn. Thứ hai về độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa, do sinh hoạt đồng giới nam, nữ hiện nay đa số ở độ tuổi trẻ nên đối tượng mắc HIV ngày càng trẻ hóa. Ngoài ra vẫn còn tình trạng lây truyền HIV từ mẹ sang con, những đứa trẻ sinh ra từ mẹ có HIV, nếu không được dự phòng tốt từ lúc bà mẹ mang thai thì đứa trẻ có thể bị nhiễm HIV.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hoàng Xuân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hoàng Xuân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước

* Xin bác sĩ cho biết về kết quả của điều trị bằng thuốc kháng virus đối với người nhiễm HIV hiện nay? Liệu HIV có thể kiểm soát và quản lý hiệu quả như một bệnh mãn tính hay không?

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hoàng Xuân: Chúng ta có một may mắn là đã có thuốc ức chế sự phát triển của vi-rút. Khi nồng độ vi-rút trong máu nằm ở ngưỡng thấp thì người bệnh lúc này hoàn toàn khỏe mạnh và rất thấp khả năng lây nhiễm cho người khác. Nếu người bệnh tích cực điều trị theo hướng dẫn thì họ hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh như người bình thường. Thuốc kháng vi-rút HIV hiện nay dự phòng rất tốt, tức là những đối tượng nguy cơ cao hoặc khi bà mẹ nhiễm HIV nếu được dự phòng tốt thì tỷ lệ lây truyền sang con rất thấp. Chúng ta có thể tạm xem HIV là một bệnh bình thường, một bệnh mãn tính điều trị kéo dài, thậm chí là điều trị suốt đời. Bệnh nhân nếu duy trì chế độ điều trị tốt giống như các bệnh mạn tính khác thì chúng ta hoàn toàn có thể quản lý và theo dõi nó, không có gì đáng sợ khi chúng ta thực hiện tốt phác đồ điều trị.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hoàng Xuân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trao đổi với phóng viên về công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hoàng Xuân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trao đổi với phóng viên về công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua

Trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện có 4 cơ sở điều trị cho bệnh nhân HIV, gồm tại: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế thị xã Chơn Thành và Trung tâm Y tế thị xã Phước Long. 4 cơ sở này có tiếp nhận bệnh nhân HIV đến điều trị và có thông qua hình thức thanh toán BHYT. Có thể nói rằng, trong 3 năm trở lại đây, BHYT chi trả cho người nhiễm HIV đã góp phần giảm đáng kể gánh nặng kinh tế cho người bệnh bởi vì giá thuốc điều trị HIV ngoài thị trường rất cao. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đã có sự tham gia tích cực của xã hội trong việc hỗ trợ người nhiễm HIV.

* Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 có chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Mục tiêu "Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030" được hiểu như thế nào? Để đạt được mục tiêu này, các tổ chức quốc tế, Chính phủ cũng như ngành y tế đang thực hiện những động thái nào, thưa bác sĩ?

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hoàng Xuân: Ngay từ câu đầu tiên của chủ đề là “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS” cũng là một trong những mục tiêu hướng đến để đạt được mục tiêu “chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 không có nghĩa là chúng ta hết bệnh AIDS, mà chúng ta khống chế tỷ lệ bệnh nhân xuống dưới 1.000 trường hợp trong một năm. Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến AIDS nhỏ hơn 1/100.000 dân. Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nhỏ hơn 2%.

Để đạt mục tiêu này, chúng ta phải song song tiến hành một số giải pháp chính. Thứ nhất, phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phải có sự chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương xuống các cơ sở địa phương và phải có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các cơ quan, ban, ngành. Thứ hai, về chính sách, đối với người nhiễm phải có chính sách hỗ trợ cho họ, như vừa qua chúng ta có chính sách về BHYT, sau này cần có thêm các chính sách khác như hỗ trợ một số điều trị nhiễm trùng cơ hội, hỗ trợ một số dịch vụ tiếp cận phòng ngừa, thậm chí có chính sách tại các cơ sở y tế để nâng cao chất lượng điều trị. Thứ ba, cung cấp một số dịch vụ dự phòng HIV sẵn có để mọi người sẵn sàng tiếp cận khi cần. Thứ tư, chính là truyền thông giáo dục, khi cung cấp dịch vụ cần song song với xóa rào cản kỳ thị và phân biệt. Hiện nay, tuy khoa học kỹ thuật tiến bộ, công tác điều trị HIV rất tốt nhưng vẫn còn tồn tại một số tư tưởng kỳ thị, phân biệt bệnh nhân nhiễm HIV. Cần có giải pháp để xóa đi rào cản này để người nhiễm HIV tự tin tiếp cận các dịch vụ. Ngược lại, khi người nhiễm HIV vẫn bị kỳ thị, phân biệt thì họ sẽ mang tâm lý mặc cảm, xa lánh, lẩn tránh và sẽ trở thành nguồn lây nhiễm âm thầm trong cộng đồng, không kiểm soát được. Do đó, truyền thông chống phân biệt, kỳ thị cũng là giải pháp tối ưu nhất.

* Liên quan đến giải pháp về truyền thông, thưa bác sĩ, làm thế nào để đảm bảo rằng thông tin về HIV và các biện pháp phòng ngừa có thể truyền đạt đúng cách đến mọi người, nhất là với giới trẻ và những người có nguy cơ cao?

Qua thực tế giám sát, hiện nay số người mắc HIV trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 2.000 trường hợp. Chúng tôi hiện đang quản lý và điều trị khoảng 1.200 trường hợp tại 4 cơ sở điều trị. Một điều đáng mừng là ít có trường hợp bệnh nhân bỏ trị, đa số đều đang thực hiện tốt phác đồ điều trị và hiện tại sức khỏe của họ rất tốt.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hoàng Xuân

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hoàng Xuân: Trong truyền thông phòng, chống HIV nói riêng và phòng chống một số dịch bệnh khác nói chung, lúc nào chúng ta cũng có nhóm đối tượng đích. Ví dụ trước đây trong phòng, chống AIDS, nhóm đối tượng đích là nhóm đối tượng tiêm chích ma túy, mại dâm, chúng ta tổ chức truyền thông tại các tụ điểm tiêm chích ma túy hoặc nhà hàng, khách sạn, cung cấp tranh ảnh, tờ rơi tuyên truyền... Nhưng hiện nay, nhóm đối tượng này đã chuyển dịch sang giới trẻ, giới sinh hoạt đồng tính nam, đồng tính nữ, hầu như chiếm tỷ lệ cao trong các nhà trường từ phổ thông đến cao đẳng, đại học. Chiều hướng đó đòi hỏi ngành y tế cần phối hợp với ngành giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền trong hệ thống nhà trường. Song song đó, chúng ta cũng không quên động tác truyền thông cho toàn xã hội, để mọi người biết bệnh HIV không nguy hiểm như họ nghĩ, để không còn tình trạng phân biệt, kỳ thị người mắc HIV. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người tự thực hiện phòng bệnh cho chính bản thân và gia đình. Tôi tin rằng, nếu chúng ta làm tốt công tác truyền thông sẽ góp phần ngăn chặn được nguy cơ lây lan của bệnh AIDS, “Chung sức, đồng lòng - Quyết tâm kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030!”

Xin cảm ơn bác sĩ!

Thực hiện: Ngọc Huyền - Đặng Hùng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/165963/huong-toi-cham-dut-dich-benh-aids-vao-nam-2030