Hướng tới kỷ luật tích cực, nhân văn

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh (Dự thảo) để thay thế cho Thông tư 08 được ban hành cách đây gần 40 năm.

Dư luận khá đồng tình với quan điểm hướng tới kỷ luật tích cực, nhân văn... Ảnh minh họa: INT.

Dư luận khá đồng tình với quan điểm hướng tới kỷ luật tích cực, nhân văn... Ảnh minh họa: INT.

Thay vì thi hành kỷ luật đối với học sinh phạm khuyết điểm với 5 hình thức: Khiển trách trước lớp; khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường; cảnh cáo trước toàn trường; đuổi học một tuần lễ; đuổi học 1 năm, Dự thảo của Bộ dự kiến sẽ giảm hình thức kỷ luật.

Theo đó, học sinh tiểu học mắc lỗi chỉ còn 2 hình thức: Giáo viên nhắc nhở và yêu cầu học sinh xin lỗi. Đối với học sinh các cấp học khác, khi vi phạm lỗi sẽ có các mức: Nhắc nhở, phê bình và cao nhất là yêu cầu viết bản tự kiểm điểm, không còn hình thức tạm dừng học có thời hạn.

Dư luận khá đồng tình với quan điểm hướng tới kỷ luật tích cực, nhân văn của Dự thảo, đặc biệt việc bỏ hình thức đình chỉ học tập. Trên thực tế việc đuổi học học sinh vi phạm kỷ luật trong thời gian qua không mang lại nhiều hiệu quả, có trường hợp còn phản tác dụng. Có trường hợp phạt theo hình thức nghỉ học thì mừng vì được ở nhà tự do xem phim, chơi game; có em lại bỏ học luôn.

Tuy vậy, trước hình thức cao nhất theo Dự thảo - viết bản tự kiểm điểm - dư luận vẫn bày tỏ nhiều ý kiến băn khoăn, trái chiều. Dùng hình thức kỷ luật nào để đạt sự răn đe cần thiết với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, thường xuyên tái phạm mà vẫn bảo đảm ý nghĩa giáo dục, nhân văn… là câu hỏi được nhiều người đặt ra.

Một số hình thức xử lý kỷ luật học sinh được nhiều người nhắc tới, để ngành Giáo dục cân nhắc thêm, chẳng hạn như phạt lao động công ích. Cách phạt này sử dụng khá phổ biến trước đây, thế hệ 7X, 8X vi phạm lỗi nặng phải trực nhật nguyên tuần hay đi quét sân trường là chuyện không hiếm.

Một số nước cũng triển khai hình thức phạt lao động công ích, như ở Anh, Mỹ, Nhật, học sinh phạm lỗi sẽ phải lau chùi lớp, dọn thùng rác, cạo các vết kẹo cao su dưới sàn, trồng cỏ trong sân trường, dọn bàn ăn cho lớp trong bữa trưa... Các em qua thực hành kỷ luật còn được giáo dục thêm về giá trị lao động.

Việc cấm túc, tức phạt ở lại trường sau giờ học hoặc vào ngày cuối tuần để hoàn thành bài tập thêm hay thực hiện các yêu cầu nhà trường giao cũng được đề nghị nghiên cứu áp dụng.

Mấy năm gần đây, Trường THPT Bùi Thị Xuân ở TPHCM có sáng kiến phạt học sinh có lỗi bằng việc đọc sách và viết cảm nhận. Những cuốn sách mà học sinh đọc có nội dung về hạt giống tâm hồn, kỹ năng, tấm gương tốt… Hình phạt này nhiều người ủng hộ vì các em được tiếp cận với kiến thức, nội dung hay từ sách, tác động sâu hơn vào nhận thức mà không tạo tâm lý căng thẳng.

Một số ý kiến mạnh mẽ hơn thì đề nghị đưa học sinh trung học phạm lỗi nặng đi trải nghiệm ở các trại tạm giam hay các trại trẻ mồ côi, viện dưỡng lão, nơi cha mẹ lao động nặng nhọc… để các em thấu hiểu, chia sẻ và thay đổi nhận thức, từ đó điều chỉnh hành vi. Mới đây, trước thông tin Chính phủ Indonesia triển khai thí điểm chương trình đưa học sinh thường xuyên bỏ học hoặc dành quá nhiều thời gian chơi trò chơi điện tử đi học tập một thời gian ở doanh trại, một số phụ huynh còn chia sẻ sự quan tâm đặc biệt.

Hình thức kỷ luật nào cũng có hai mặt, nhưng với học sinh, kỷ luật không phải trừng phạt, mà hướng đến giáo dục là chính, nhằm giúp đỡ các em tự giác tu dưỡng, rèn luyện để tiến bộ. Ghi nhận ý kiến góp ý Dự thảo, tới đây Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng phương án phù hợp, có hướng dẫn cụ thể, quy trình rõ ràng để các bên thuận lợi thực hiện.

Song song với hành lang pháp lý phù hợp, sự tham gia trách nhiệm của gia đình và cộng đồng, cần xây dựng hệ thống hỗ trợ chuyên môn đồng bộ, đặc biệt đẩy mạnh công tác tham vấn tâm lý học đường. Có như vậy tinh thần kỷ luật tích cực, nhân văn mà Dự thảo đang hướng đến mới đi vào thực tế hiệu quả.

Mai Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/huong-toi-ky-luat-tich-cuc-nhan-van-post730885.html