Hướng tới mục tiêu phục vụ khám, chữa bệnh tốt hơn

Thời gian qua, ngành Y tế Hà Nội luôn nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông dữ liệu trong thăm khám, điều trị và quản lý, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Đây là những giải pháp được ngành Y tế Thủ đô áp dụng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm quá tải và phục vụ cho người bệnh ngày càng tốt hơn.

Tối ưu hóa quy trình khám, chữa bệnh

Điển hình tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa thời gian qua đã đưa vào sử dụng máy đăng ký khám bệnh và phát số tự động cho người dân. Việc triển khai hệ thống đăng ký khám bệnh tự động tại Bệnh viện nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân được nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian chờ đợi.

Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đưa vào sử dụng máy đăng ký khám bệnh và phát số tự động cho người dân.

Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đưa vào sử dụng máy đăng ký khám bệnh và phát số tự động cho người dân.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Phúc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, với cách tiếp nhận bệnh nhân qua cách truyền thống, người bệnh phải qua quầy tiếp đón và làm một số thủ tục hành chính liên quan đến nhiều giấy tờ, việc đưa vào sử dụng máy đăng ký khám bệnh và phát số tự động này giúp người dân giảm được rất nhiều thời gian.

Trong lần đầu tiên đến khám bệnh, người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp và nhận diện khuôn mặt để đăng ký dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện, cũng như thanh toán viện phí. Đối với những lần hẹn khám bệnh tiếp theo thì tất cả thông tin của người bệnh đã được lưu trữ trên phần mềm, nên chỉ cần nhận diện khuôn mặt là có thể đăng ký các dịch vụ khám chữa bệnh. Sau khi đăng ký người bệnh được nhận ngay phiếu khám và đến trực tiếp nơi làm các dịch vụ kỹ thuật mong muốn.

“Việc sử dụng máy đăng ký khám bệnh và phát số tự động giúp người bệnh thuận tiện trong việc đăng ký khám bệnh, không phải xếp hàng chờ đợi, rút ngắn thời gian, giảm tải các thủ tục hành chính, đem lại sự hài lòng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Đồng thời, giúp các y bác sĩ chủ động tiếp nhận thông tin của người bệnh, theo dõi, truy cập lịch sử khám bệnh của bệnh nhân một cách nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện hơn” - Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Phúc cho biết.

Hay tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, điểm sáng trong chuyển đổi số của ngành Y tế Thủ đô. Hiện, Bệnh viện đã triển khai đặt lịch khám online, đăng ký khám bệnh bằng Face ID và căn cước công dân; sử dụng hệ thống PACS trong X-Quang, thông báo kết quả xét nghiệm online... Điều này đã giúp thời gian khám tại bệnh viện chỉ còn 1,5 giờ thay vì 3 giờ như trước đây.

Nếu như khám theo quy trình cũ, bệnh nhân phải đi xếp hàng lấy số, đặt sổ, có những bệnh nhân ở xa phải đi từ 4 - 5 giờ sáng. Có những bệnh nhân phải lấy mẫu xét nghiệm nên phải nhịn ăn, bệnh nhân phải chờ rất lâu, điều này trở thành rào cản gây bức xúc cho người bệnh. Tuy nhiên, từ khi Bệnh viện Đa khoa Đức Giang triển khai khám theo hẹn đối với bệnh nhân bệnh mạn tính, thì 100% bệnh nhân được bác sĩ khám sẽ hẹn khám cho lần sau luôn.

Được biết, từ ban đầu là hẹn lịch khám cho bệnh nhân có bệnh mạn tính. Sau này Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiến hành hẹn tái khám cho tất cả các bệnh nhân. Đến nay, 100% bệnh nhân đến khám ngoại trú tại Bệnh viện đều được khám theo lịch hẹn trước đó.

Song song với đó, Đức Giang cũng là một trong những bệnh viện tiên phong ứng dụng công nghệ Face ID nhận diện người bệnh khi đăng ký khám bệnh. Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng là một trong những đơn vị triển khai hiệu quả việc thanh toán không dùng tiền mặt. Được biết, hiện trên địa bàn Thành phố đã có 38/43 bệnh viện triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Việc triển khai bệnh án điện tử đem lại nhiều lợi ích cho cả bác sĩ và người bệnh.

Theo đó, với sự hỗ trợ của công nghệ, bác sĩ ngồi phòng khám có thể dự kiến hôm nay khám bao nhiêu bệnh nhân theo hẹn; có thể kiểm tra được lịch sử của bệnh nhân để có được những thông tin nhất định về tình hình sức khỏe của người bệnh, để khi bệnh nhân đến sẽ chủ động hơn trong việc tương tác với bệnh nhân, đưa ra quyết định thuốc chính xác hơn.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Với mục tiêu xây dựng môi trường khám, chữa bệnh hiện đại, hướng đến bệnh viện thông minh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng công nghệ thông tin, tối ưu quy trình khám, chữa bệnh, ngành Y tế Thủ đô đã thực hiện các giải pháp chuyển đổi số toàn diện, mang lại những tiện ích, tạo ra thay đổi trong quản trị, khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Báo cáo tại Hội nghị chuyển đổi số ngành y tế Hà Nội năm 2024 do Sở Y tế Hà Nội tổ chức vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe như: Triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử; đăng ký và khám bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp; đặt lịch khám qua điện thoại; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; ứng dụng hiệu quả các phần mềm quản lý bệnh viện…

Cụ thể, tính từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 5, các cơ sở khám, chữa bệnh của ngành Y tế Hà Nội đã tiếp đón hơn 4 triệu lượt khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế. Các cơ sở tiêm chủng đã xác thực điện tử cho 17,31 triệu mũi tiêm vắc xin Covid-19; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác 06 các địa phương tổ chức xác thực trên 1 triệu trường hợp sai thông tin. Liên thông và ký số thành công khoảng 196 nghìn hồ sơ lên Cổng giám định bảo hiểm y tế…

Đáng chú ý, đối với việc ứng dụng chuyển đổi số trong khám chữa bệnh đã có năm bệnh viện của ngành Y tế Hà Nội đã triển khai hiệu quả bệnh án điện tử gồm: Phụ sản Hà Nội, Đa khoa Xanh Pôn, Đa khoa Mỹ Đức, Đa khoa Vân Đình và Đa khoa Hòe Nhai. 5 bệnh viện triển khai khám chữa bệnh từ xa gồm: Tim Hà Nội, Phụ sản Hà Nội, Ung bướu Hà Nội, Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Thanh Nhàn. Đồng thời, ngành Y tế Hà Nội đã triển khai thí điểm khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học (Kiosk tự phục vụ) tiếp đón khoảng 1.600 bệnh nhân/ngày tại Bệnh viện đa khoa Xanh pôn, và 1 Kiosk tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Đồng thời, đang tiếp tục triển khai thí điểm Kiosk tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì, Bệnh viện Hòe Nhai.

Với những nỗ lực không ngừng, ngành Y tế Hà Nội đang từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, góp phần xây dựng nền y tế Thủ đô hiện đại, văn minh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Tính từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 5, các cơ sở khám, chữa bệnh của ngành Y tế Hà Nội đã tiếp đón hơn 4 triệu lượt khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế. Các cơ sở tiêm chủng đã xác thực điện tử cho 17,31 triệu mũi tiêm vắc xin Covid-19; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác 06 các địa phương tổ chức xác thực trên 1 triệu trường hợp sai thông tin. Liên thông và ký số thành công khoảng 196 nghìn hồ sơ lên Cổng giám định bảo hiểm y tế… Đáng chú ý, đối với việc ứng dụng chuyển đổi số trong khám chữa bệnh đã có 5 bệnh viện của ngành Y tế Hà Nội đã triển khai hiệu quả bệnh án điện tử…

Tính từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 5, các cơ sở khám, chữa bệnh của ngành Y tế Hà Nội đã tiếp đón hơn 4 triệu lượt khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế. Các cơ sở tiêm chủng đã xác thực điện tử cho 17,31 triệu mũi tiêm vắc xin Covid-19; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác 06 các địa phương tổ chức xác thực trên 1 triệu trường hợp sai thông tin. Liên thông và ký số thành công khoảng 196 nghìn hồ sơ lên Cổng giám định bảo hiểm y tế… Đáng chú ý, đối với việc ứng dụng chuyển đổi số trong khám chữa bệnh đã có 5 bệnh viện của ngành Y tế Hà Nội đã triển khai hiệu quả bệnh án điện tử…

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/huong-toi-muc-tieu-phuc-vu-kham-chua-benh-tot-hon-173717.html