Huy động nguồn lực phát triển năng lượng xanh

Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030 nguồn cấp điện từ điện năng lượng mặt trời mái nhà có tổng công suất hơn 2,3 nghìn MWp. Để đạt mục tiêu này và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bắc Giang đang tích cực triển khai các giải pháp phát triển điện mặt trời mái nhà, tạo nguồn năng lượng xanh.

Không lo mất điện, giảm chi phí

Trong thời điểm cung ứng điện căng thẳng vừa qua, nhiều khu vực dân sinh, doanh nghiệp (DN) bị cắt điện luân phiên, gây đảo lộn sinh hoạt, sản xuất thì gia đình anh Dương Văn Năng, thôn Nội Đình, xã Yên Sơn (Lục Nam) lại yên tâm, không lo mất điện. Bởi lẽ, gia đình anh đầu tư hơn 100 triệu đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà do Viettel Bắc Giang là đơn vị thi công. Hệ thống điện này giúp gia đình anh không còn phụ thuộc vào điện lưới.

Bộ lưu điện năng lượng mặt trời của gia đình anh Dương Văn Năng, xã Yên Sơn (Lục Nam).

Bộ lưu điện năng lượng mặt trời của gia đình anh Dương Văn Năng, xã Yên Sơn (Lục Nam).

“Những ngày nắng nóng, nhiều hộ xung quanh mất điện, gia đình tôi vẫn đủ điện dùng trong sinh hoạt như: Thắp sáng, chạy điều hòa, tủ lạnh, nấu cơm. Tấm pin được bảo hành trong 20 năm, bộ phận lưu trữ và biến tần bảo hành 5 năm nên gia đình tôi yên tâm sử dụng. Trước đây, mỗi tháng gia đình tôi chi phí 1,5-2 triệu đồng tiền điện, từ khi dùng hệ thống điện mới đã không phải mất khoản này nữa hoặc giảm nhiều hơn so với trước, nếu vận hành ổn định thì khoảng sau 8-9 năm sẽ hòa vốn bỏ ra lắp đặt”- anh Năng nói.

Không sử dụng bộ lưu trữ điện, nhiều hộ, DN trong tỉnh lắp đặt điện mặt trời mái nhà để phát lưới và tiết kiệm đáng kể chi phí sinh hoạt, đầu vào sản xuất. Điển hình Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam (Việt Yên) lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất lắp đặt là 1.166,4 kWp; Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology lắp 4 hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất mỗi hệ thống là 1.244,16 kWp; Công ty TNHH Nichirin Việt Nam có 2 hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất lắp đặt là 1.209,6 kWp và 160,8 kWp…

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Nichirin Việt Nam.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Nichirin Việt Nam.

Theo cán bộ phụ trách lĩnh vực điện của Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam, hiện DN đã đầu tư hai hệ thống điện mặt trời mái nhà. Từ hệ thống này, đơn vị tiết kiệm được khoảng 1,2 triệu kWh điện mỗi năm, tương đương hàng tỷ đồng.

Đến nay, chưa có thống kê đầy đủ song ước tính toàn tỉnh có khoảng 600 công trình điện mặt trời mái nhà nối lưới và hơn 100 công trình tự dùng. Sản lượng điện từ hệ thống điện mặt trời phát lưới đạt hơn 8,9 triệu kWh.

Nhiều ưu đãi hỗ trợ

Dù tỉnh Bắc Giang có thời gian nắng trong năm và cường độ bức xạ không cao so với các khu vực khác song vẫn có nhiều tiềm năng về phát triển điện mặt trời.

Theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030 nguồn cấp điện từ điện năng lượng mặt trời mái nhà có tổng công suất hơn 2,3 nghìn MWp.

Bắc Giang xác định trọng tâm phát triển công nghiệp là động lực tăng trưởng kinh tế, phụ tải điện tăng cao khiến nhu cầu dùng điện trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, dự báo đến năm 2030 cần khoảng 4.500 MVA. Do đó, việc bổ sung điện cho sản xuất công nghiệp là hết sức cần thiết, trong đó có ưu tiên phát triển nguồn điện từ năng lượng mặt trời. Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030 nguồn cấp điện từ điện năng lượng mặt trời mái nhà có tổng công suất hơn 2,3 nghìn MWp.

Để đạt mục tiêu đề ra, Bắc Giang đã tích cực triển khai các giải pháp. Đó là thỏa thuận lắp đặt, hòa lưới điện từ điện mặt trời của hộ dân; nhiều DN, hộ dân đã chủ động lắp đặt hệ thống điện mặt trời tự dùng, bảo đảm nguồn điện cho sinh hoạt và sản xuất. Đón bắt xu thế, Viettel Bắc Giang đã kết nối, thi công cho nhiều khách hàng. Từ năm ngoái đến nay, đơn vị lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho khoảng 60 hộ dân, DN. Việc vận hành hệ thống hiện ổn định, phát huy hiệu quả.

Vietel Bắc Giang lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời cho hộ dân tại xã Quang Thịnh (Lạng Giang).

Vietel Bắc Giang lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời cho hộ dân tại xã Quang Thịnh (Lạng Giang).

Trước những lợi thế từ điện mặt trời mái nhà, theo Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ (Quy hoạch điện VIII) cũng đặt ra cả nước đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Bộ Công Thương dự thảo quy định về khuyến khích điện mặt trời mái nhà tại nhà ở, công sở, trụ sở của DN. Theo dự thảo, lắp đặt hệ thống này sẽ có nhiều ưu đãi như: Được đơn giản thủ tục, miễn/giảm thuế phí, vay vốn với lãi suất ưu đãi; hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở được ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện…

Ông Nguyễn Đức Hoàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Nhiều ưu đãi khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà sẽ mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng, huy động nguồn lực lớn đầu tư từ xã hội. Thời gian tới, căn cứ quy định, Sở sẽ hướng dẫn cụ thể để triển khai trên địa bàn tỉnh, bảo đảm khai thác tối đa về giờ chiếu sáng, cường độ ánh sáng”.

Việc lắp đặt, phát triển điện mặt trời mái nhà có nhiều lợi ích. Tuy nhiên tổ chức, cá nhân đầu tư, lắp đặt, sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng, chống cháy nổ theo quy định hiện hành. Thực tế, trong tháng 6, tại thị trấn Nếnh (Việt Yên) đã xảy ra vụ cháy nổ thiết bị lưu trữ điện mặt trời do gia đình thuê đơn vị không đủ điều kiện lắp đặt.

Bài, ảnh: Trường Sơn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/407765/huy-dong-nguon-luc-phat-trien-nang-luong-xanh.html