Indochine Imex muốn chuyển nợ cho nhà đầu tư

Vay nợ tăng mạnh dẫn tới khó khăn về dòng tiền, Công ty cổ phần Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (Indochine Imex) đang lên kế hoạch phát hành cổ phần riêng lẻ và dành toàn bộ tiền cho việc trả nợ.

Chuyển hướng sau phát hành trái phiếu bất thành

Hội đồng Quản trị Indochine Imex (mã DDG - HNX) vừa thông qua các nghị quyết về việc triển khai chào bán riêng lẻ 20 triệu cổ phần trong thời gian tới và kế hoạch sử dụng vốn huy động được từ đợt chào bán này.

Cụ thể, Indochine Imex sẽ chào bán 20 triệu cổ phần cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đáp ứng tiêu chí do Đại hội đồng cổ đông 2023 đề ra, gồm các cá nhân có tiềm lực tài chính, khả năng về vốn và góp vốn nhanh sau khi đăng ký mua cổ phần, hoặc có kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực hơi - nhiệt - điện với khả năng đóng góp vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty.

Với mức giá chào bán bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần, nếu bán hết, vốn điều lệ của Indochine Imex sẽ tăng thêm 200 tỷ đồng, lên 798,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết phiên 30/8, thị giá cổ phiếu DDG đóng cửa ở mức 8.600 đồng/cổ phần, đồng nghĩa là giá chào bán cổ phần riêng lẻ của Indochine Imex đang cao hơn khoảng 16% so với thị giá.

Thời gian chào bán dự kiến trong quý III hoặc quý IV/2023, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Đáng chú ý, toàn bộ số tiền thu được sau đợt chào bán sẽ được Công ty sử dụng cho mục đích đáo hạn, trả nợ cho các khoản vay tại một số ngân hàng như MBBank, VietinBank, Vietcombank, Agribank, BIDV.

Tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông hồi tháng 6/2023, Tổng giám đốc Indochine Imex Trần Kim Sa chia sẻ, do tình hình kinh doanh suy giảm, các khoản nợ vay đến hạn cần có dòng vốn phù hợp, nên Công ty mới trình phát hành thêm 200 tỷ đồng để hoàn trả các khoản vay ngắn hạn tại ngân hàng.

Hoạt động huy động vốn của Indochine Imex thời gian gần đây diễn ra không suôn sẻ. Mới đây, Công ty không phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 150 tỷ đồng vì lý do không có nhà đầu tư nào đặt mua.

Chìm trong vay nợ, kẹt dòng tiền

Khó khăn trong việc trả nợ trái phiếu và ngân hàng là tình trạng mà nhiều doanh nghiệp sản xuất gặp phải trong bối cảnh kinh doanh kém khởi sắc 6 tháng đầu năm 2023. Đối với Indochine Imex, sau 2 năm đẩy mạnh vay nợ, bài toán lấy tiền đâu trả nợ ngân hàng và nhà đầu tư đang là vấn đề cấp bách.

Báo cáo tài chính các năm qua của Indochine Imex cho thấy, 2 năm gần đây, doanh nghiệp này đã đẩy mạnh vay nợ. Vay và nợ thuê tài chính năm 2020 là 327 tỷ đồng, tăng 774 tỷ đồng vào năm 2021 và con số này ở năm 2022 là 902 tỷ đồng. Vay nợ tài chính cũng chiếm phần lớn nợ phải trả của Công ty những năm qua.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 do Indochine Imex tự lập, tại ngày 30/6/2023, tổng nguồn vốn của Công ty là 1.606 tỷ đồng, nợ phải trả lên tới 1.020 tỷ đồng. Trong cơ cấu nợ, vay và nợ thuê tài chính của Công ty chiếm phần lớn, xấp xỉ 846 tỷ đồng.

Trong đó, Indochine Imex ghi nhận vay 3 triệu trái phiếu với trị giá 300 tỷ đồng. Lô trái phiếu này đang lưu hành trên thị trường với mã DDGH2123001, được phát hành ngày 10/5/2021, đáo hạn theo kế hoạch ban đầu vào ngày 10/5/2023 (tương ứng kỳ hạn 24 tháng) với lãi suất áp dụng 11,5%/năm. Tuy nhiên, ngày 25/4, Hội nghị trái chủ của Indochine Imex đã thông qua phương án gia hạn trả gốc trái phiếu thêm 24 tháng, qua đó ngày đáo hạn mới được dời sang ngày 10/5/2025, đồng thời lãi suất tăng lên 13,5%/năm.

Đối với các khoản vay nợ với 5 ngân hàng nêu trên, thông tin từ phía Hội đồng Quản trị Indochine Imex cho thấy, Công ty đang gặp khó khăn trong việc thanh toán bởi nhiều khoản nợ đã quá hạn. Giải trình nguyên nhân, Công ty cho biết, hoạt động thương mại sản phẩm ngành gỗ đang gặp nhiều khó khăn từ vĩ mô, đặc biệt là vướng mắc thủ tục hoàn thuế khi xuất khẩu.

Về hoạt động sản xuất và cung cấp dịch vụ hơi - nhiệt - điện, bà Trần Kim Sa cho biết, các nhà máy đang hoạt động bình thường, nhưng với công suất thấp, do khách hàng giảm sản lượng và chậm thanh toán công nợ. Công ty cũng đang định hướng lại một số mặt hàng cho hệ thống hoạt động hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, ngân hàng thắt chặt thẩm định và tín dụng, nên ngừng gia hạn, cấp mới hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp đang vay, khiến nguồn vốn lưu động của Công ty thiếu hụt lớn. Thực tế cho thấy, dòng tiền kinh doanh của Indochine Imex tính đến cuối tháng 6/2023 âm 10,2 tỷ đồng. Nửa đầu năm, Công ty đi vay 430,9 tỷ đồng, nhưng trả nợ gốc vay 485,8 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chi phí tài chính nửa đầu năm 2023 của Công ty lên tới hơn 197 tỷ đồng, “bào mòn” mọi nỗ lực kinh doanh. Mặc dù 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu thuần 350,3 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 22,2 tỷ đồng, nhưng sau khi trừ đi chi phí tài chính và các chi phí khác, thì lỗ sau thuế 193,3 tỷ đồng - “thổi bay” toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tích lũy được trước đó. Tính đến cuối quý II/2023, Công ty lỗ lũy kế gần 81 tỷ đồng.

Đây là những trở ngại, thách thức lớn cho khả năng triển khai thành công kế hoạch phát hành cổ phần riêng lẻ để tăng vốn của Indochine Imex.

Kỳ Thành

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/indochine-imex-muon-chuyen-no-cho-nha-dau-tu-d197911.html