Kết nối cung cầu để mở rộng thị trường
Công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại thông qua các chương trình kết nối cung cầu, hội chợ đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường.
Sản phẩm gắn liền với tên vùng đất
Dựa trên tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, Gia Lai đang tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo chất lượng tốt. Nhiều sản phẩm đã trở thành đặc sản có tiếng. Đơn cử như khoai lang Lệ Cần, tiêu Lệ Chí. Đây đều là đặc sản riêng có của huyện Đak Đoa gắn với lịch sử hình thành của vùng đất. Mỗi khi nhắc đến sản phẩm, người ta nghĩ ngay đến Lệ Chí một thời (nay là xã Nam Yang), Lệ Cần (nay là xã Tân Bình).
Hay như các sản phẩm chè Biển Hồ gắn với địa danh Biển Hồ chè đã có gần 100 năm. Rồi các sản phẩm đã có chỉ dẫn địa lý như: Gạo Ba Chăm, Hồ tiêu Chư Sê, Cà phê Gia Lai; hoặc các nhãn hiệu chứng nhận như: Gạo Phú Thiện-Gia Lai, Thuốc lá lá Krông Pa-Gia Lai, Chôm chôm Ia Grai-Gia Lai, Chanh dây Gia Lai, Mật ong hoa cà phê Gia Lai, Mắc ca Kbang-Gia Lai, Phở khô Gia Lai, Bò Krông Pa-Gia Lai… đều là những đặc sản nổi tiếng đã định vị trên thị trường.
Việc sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho nhà sản xuất và người cung cấp nguyên liệu mà còn tạo nên những sản phẩm có nét khác biệt, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Bà Lý Anh Thư-Đại diện cơ sở bò một nắng Tý Vân (huyện Krông Pa) chia sẻ: “Nhắc đến bò một nắng Krông Pa là nhắc đến thương hiệu của một vùng đất, là đặc sản của Krông Pa, khó nơi nào có được.
Bò một nắng được chế biến từ thịt bò cỏ được chăn thả tự nhiên, thịt bò làm ra chỉ chọn phần thịt đùi và thịt thăn cắt ra thành lát dày theo thớ thịt, sau đó tẩm ướp để thịt ngấm đều gia vị trong một thời gian, rồi phơi qua nắng trong vòng 1 ngày. Bò một nắng ăn kèm với muối kiến vàng là đặc trưng riêng có của vùng “chảo lửa” Krông Pa.
Theo bà Thư, với danh tiếng bò một nắng Krông Pa, vài năm gần đây, sản phẩm của cơ sở đã được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Ngoài bò một nắng, cơ sở đã phát triển thêm nhiều sản phẩm khác nhau như: ba chỉ heo một nắng, sườn heo một nắng, bò gác bếp…
Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng như chứng nhận OCOP, chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu…
Hàng năm, thông qua các chương trình hỗ trợ kết nối, các sản phẩm của cơ sở đã có mặt ở các cửa hàng thực phẩm sạch, cửa hàng đặc sản ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Chị Đoàn Thị Thúy-Phó Giám đốc Công ty TNHH Phước Hỷ Gia Lai (thôn 8, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) cho hay: “Mật ong hoa cà phê thuộc loại mật ong đơn hoa, có độ trong và tinh khiết, hương vị độc đáo, đậm đà hơn các loại mật ong khác và chỉ chiếm 10% sản lượng mật ong của Việt Nam. Đây là loại mật không pha lẫn tạp chất và tốt cho sức khỏe như dưỡng da, trị ho, viêm họng...
Hiện nay, Phước Hỷ Gia Lai đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong hoa cà phê Gia Lai”. Việc bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm “Mật ong hoa cà phê Gia Lai” góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, đưa danh tiếng sản phẩm đặc trưng của Gia Lai vươn xa.
Đồng thời, tạo thế mạnh cho những đơn vị được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận tiếp tục gia tăng giá trị cho các sản phẩm mật ong”.
Đến nay, toàn tỉnh có 346 sản phẩm được công nhận OCOP (gồm 47 sản phẩm 4 sao và 299 sản phẩm 3 sao) của 166 chủ thể. Hiện có 5 sản phẩm đang đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã mạnh dạn đầu tư máy móc nhằm đẩy mạnh tự động hóa một số khâu sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm, dược liệu, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời, từng bước hoàn thiện, cải tiến mẫu mã bao bì, nhãn mác bắt mắt hơn để tăng sự chọn lựa cho khách hàng khi mua làm quà biếu.
Khi có sản phẩm tốt, việc kết nối tiêu thụ tại các cửa hàng bán đặc sản hay tham gia các chương trình xúc tiến thương mại sẽ đem đến cho khách hàng những trải nghiệm thú vị, từ đó có cơ hội đến gần với người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Phương Nhung-Quản lý cửa hàng OCOP Biển Hồ thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp Liên hiệp GAUC-cho biết: “Cửa hàng đang trưng bày và bán hơn 100 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của các thành viên như: cà phê, hồ tiêu, mắc ca, mật ong, khổ qua rừng, nấm hồng chi, nấm linh chi, măng le sấy khô, bò khô, bò một nắng, chanh dây…
Để đa dạng sản phẩm đặc trưng trong cả nước, cửa hàng liên kết với các nhà sản xuất để nhập một số sản phẩm như: bột ca cao của tỉnh Đắk Lắk, trà ô long sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum, nước mắm của tỉnh Khánh Hòa, bánh tráng nước dừa của Bến Tre, bánh tráng tôm Tây Ninh”.
Đặt nền móng hỗ trợ phát triển thị trường
Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã có cơ hội gặp gỡ trực tiếp với hệ thống phân phối nhằm trao đổi thông tin, cung ứng và tiêu thụ hàng hóa; đồng thời, đẩy mạnh liên kết khai thác nguồn nguyên liệu, hợp tác cung ứng, tiêu thụ hàng hóa giữa các tỉnh, thành trên cả nước.
Năm 2024, Sở Công thương tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm thông qua việc tổ chức và tham gia 4 hội chợ triển lãm; 5 chương trình kết nối cung cầu, giới thiệu sản phẩm tại các hội nghị kết nối giao thương sản phẩm OCOP Gia Lai với các tỉnh, thành phố; 2 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; 3 hội chợ và 4 phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024; 4 phiên chợ thuộc Chương trình OCOP; tham gia chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong chiến lược phát triển thị trường, các doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu kết nối sản phẩm vùng miền để đa dạng sản phẩm phục vụ người tiêu dùng.
Ông Võ Thành Tuân-Giám đốc Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai-thông tin: “Công ty hiện có 1 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP đặt tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku với nhiều sản phẩm đặc trưng như: cà phê, măng le, hồ tiêu, bò khô, mắc ca, hạt điều, mật ong…
Tại các chương trình kết nối cung cầu, hội chợ hay trưng bày hàng OCOP trong khuôn khổ các sự kiện lớn của ngành Công thương, ngành Nông nghiệp tổ chức với nhiều tỉnh, thành trong khu vực tham gia, mỗi địa phương đều có những sản phẩm mang nét đặc trưng khác nhau. Ví dụ, các tỉnh miền biển là sản phẩm từ hải sản; các tỉnh Tây Nguyên là cà phê, ca cao, các loại hạt dinh dưỡng, trái cây chế biến, dược liệu… Do đó, việc đa dạng sản phẩm của một số vùng miền sẽ đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách du lịch, hướng đến sự liên kết bền vững”.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương): Gần đây, các chương trình kết nối cung cầu, hội chợ Foodexpo, đặc sản vùng miền… đều là nơi gặp gỡ của các nhà bán sỉ. Ở đó, các doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ trực tiếp với đại diện nhà phân phối nhằm trao đổi thông tin, cung ứng và tiêu thụ hàng hóa; đồng thời, đẩy mạnh liên kết khai thác nguồn nguyên liệu, hợp tác cung ứng, tiêu thụ hàng hóa.
Tại Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 20 đến 24-11 tại Trung tâm Thương mại Vincom Mega Mall Royal City (Hà Nội), tỉnh Gia Lai có 6 gian hàng. Trong đó, 4 gian hàng của 4 doanh nghiệp tham gia thuộc chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, 2 gian hàng thuộc nguồn xúc tiến thương mại hỗ trợ trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản, đặc trưng như bò khô, bò một nắng, yến sào, mắc ca, hạt điều, hạt tiêu, măng khô, dược liệu, tinh dầu…
Bên cạnh hoạt động trưng bày sản phẩm, hội chợ còn có nhiều hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch, trình diễn sản phẩm của các tỉnh, thành phố, tạo thành không gian để du khách khám phá, trải nghiệm đặc sản, văn hóa, du lịch các vùng miền trên cả nước.
Trước đó, vào trung tuần tháng 11, Vietnam Foodexpo 2024 được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh với quy mô hơn 500 gian hàng của gần 400 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố trên cả nước và gần 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Gia Lai có 8 doanh nghiệp tham gia với các sản phẩm hồ tiêu, cà phê, hạt điều rang, mật ong, các loại trà thảo mộc, sản phẩm làm từ hạt sachi…
Triển lãm cũng đã hỗ trợ giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu các sản phẩm đặc trưng, hàng nông sản, thực phẩm đạt các tiêu chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và sản phẩm tiềm năng xuất khẩu của tỉnh. Qua đó, doanh nghiệp nhận định, đánh giá chính xác xu hướng thị trường, xây dựng chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp, nhất là việc nắm bắt các tiêu chuẩn, quy định về thủ tục xuất khẩu thực phẩm chế biến sang thị trường châu Á, Halah...
Đặc biệt, triển lãm mở ra cơ hội kết nối giao thương hiệu quả nhất thông qua mạng lưới xúc tiến thương mại rộng lớn cả trong và ngoài nước”.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ket-noi-cung-cau-de-mo-rong-thi-truong-post302736.html