Khắc khoải xóm cù lao

Xóm cù lao nghe khá thi vị, tưởng chừng nơi ấy sông ấp ôm, tưới mát cây trái bốn mùa, người dân sống với nghề đi ghe, thả lưới. Nhưng không, vài chục hộ dân xóm cù lao Vĩnh Viễn (hay còn gọi là cù lao Kinh Cụt) và cù lao Xuân Hòa 2 (xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) lại sống trong khắc khoải, đi không được, ở cũng chẳng xong.

Ông Bảy (Lê Văn Lai) là người duy nhất đưa đò ở xóm cù lao Xuân Hòa 2. Tiền công mỗi ngày vài chục ngàn đồng nhưng ông Bảy nói: “Có đồng vào, đồng ra còn đỡ hơn không có việc gì làm”

Ông Bảy (Lê Văn Lai) là người duy nhất đưa đò ở xóm cù lao Xuân Hòa 2. Tiền công mỗi ngày vài chục ngàn đồng nhưng ông Bảy nói: “Có đồng vào, đồng ra còn đỡ hơn không có việc gì làm”

1. Chiếc phà ngang vừa cập bến. Ông Bảy (Lê Văn Lai) khó nhọc bước qua đoạn bến sông gập ghềnh để vào xóm cù lao Xuân Hòa 2. Trông ông Bảy già hơn cái tuổi 61. Bao sương gió, khó nhọc của hơn nửa đời người phủ một lớp lên gương mặt khắc khổ.

Ông Bảy là người duy nhất đưa đò ở xóm cù lao Xuân Hòa 2 (ấp Xuân Hòa 2, xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành). Tiền công mỗi ngày vài chục ngàn đồng nhưng ông Bảy nói: “Có đồng vào, đồng ra còn đỡ hơn không có việc gì làm”.

Nhưng ở cù lao này, mọi người cần ông để sang bờ, đám trẻ con cần ông đưa đò để đi tìm con chữ. Thế nên, hơn 2 năm nay, ông vẫn cắm sào ở bến. Chỉ cần nghe tiếng gọi: “Ông Bảy ơi!”, ông lại vội vàng nổ máy chiếc phà, rẽ nước xuôi dòng đưa khách qua sông.

Trước ông Bảy có 3 người đưa đò nhưng đã bỏ bến. Họ rời xóm cù lao, theo gia đình sang bờ để sống. Còn ông Bảy vẫn bám víu nơi này, nặng lòng với từng chuyến đò. “Mồ mả ông bà đều ở đây, đi xứ khác cũng day dứt. Với lại, nhà tôi không có đất để di dời” - giọng ông Bảy trầm ngâm.

Rồi ông kể, hơn 10 năm trước, xóm cù lao này có khoảng 30 hộ dân sinh sống. Sau này, hơn phân nửa số hộ bỏ nhà hoang, đi nơi khác sống. Giờ đây, xóm cù lao Xuân Hòa 2 chỉ còn 13 hộ dân ở lại.

Xóm cù lao Xuân Hòa 2 nằm bên kia dòng sông Tra. Con đường nhỏ len lỏi vào xóm chỉ vừa 1 người đi bộ. Hơn 4 năm trước, thấy đường sá đi lại khó nhọc, mấy hộ dân góp tiền, góp công, xi măng, làm con đường đal. Ngoài tuyến đal độc đạo, đường từ nhà người này sang nhà người kia cũng tự người dân làm. Đó là những con đường vòng vèo, chẳng khác gì “tấm áo vá” mà mỗi khi có người rời cù lao, bỏ lại nhà cửa, những người ở lại khiêng những mảng tường loang lổ, tấm ngói về, lót xuống đất làm đường qua lại, đỡ trơn trợt.

“Có đường nhưng hôm nào nước lên lại ngập ngụa. Thương tụi nhỏ phải lội bì bõm đi học. Đề phòng bị ướt, đứa nào cũng đem theo bộ đồ dự phòng” - ông Nguyễn Đường Tư (67 tuổi) nói.

Vừa nói, ông Tư vừa hì hục trộn bê tông, xây thêm mấy hàng gạch để tôn nền nhà cao lên, chống ngập. Đây là lần thứ 3 ông làm công việc này. “Mấy hôm trời mưa, nước tràn vào tận trong nhà, ngập quá mắt cá chân, đồ đạc phải kê lên cao” - ông Tư kể.

Nhà ông Tư nằm ngay vị trí đầu tiên của xóm cù lao, sau khi đi hết đoạn đường đal nhỏ. Căn nhà tường, nền gạch, mái ngói của gia đình ông được cho là “khang trang” nhất xóm. Cơ ngơi này, ông dành dụm tiền đi ghe từ mấy chục năm trước để xây nên.

Ông Nguyễn Đường Tư (bên trái) xây thêm mấy hàng gạch để tôn nền nhà cao lên, chống ngập

Ông Nguyễn Đường Tư (bên trái) xây thêm mấy hàng gạch để tôn nền nhà cao lên, chống ngập

Còn hiện tại, tuổi đã già, ông bỏ nghề đi ghe, chỉ quanh quẩn ở nhà đợi ai thuê gì làm nấy. Thu nhập vì thế bấp bênh, trong khi ông còn lo thuốc thang cho vợ. Ba đứa con của ông có gia đình riêng nhưng cũng khó khăn nên không đỡ đần được nhiều.

Nhìn ra khúc sông, ghe, thuyền xuôi ngược, ánh mắt ông buồn buồn nhớ thời đi ghe. Ông Tư trải lòng: “Hồi còn trẻ, còn khỏe, đi ghe cũng có tiền. Còn bây giờ… chỉ mong Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ di dời, tái định cư, chứ ở cù lao không biết làm gì để sống”.

Ước mơ di dời, tái định cư của ông Tư cũng là nguyện vọng của 13 hộ ở xóm cù lao Xuân Hòa 2. Bởi một năm 12 tháng mà có tới một phần ba thời gian, người dân xóm cù lao phải sống trong cảnh ngập nước.

Ngót nghét 20 năm về làm dâu xứ cù lao, chị Nguyễn Thị Thu Sương đã quen với điệp khúc “con nước ròng rồi con nước lớn” như thế. Như thói quen, từ tháng 8 Âm lịch trở đi, cứ chiều ngày 13, 26 mỗi tháng, chị cùng 2 đứa con trai lại tất tả kê một số đồ đạc để tránh ngập nước. Căn nhà của chị Sương là nhà tình thương, xây đã khá lâu. Cạnh căn nhà của chị là chuồng gà trống không. Trước đây, chị nuôi gà cải thiện đời sống nhưng mấy năm nay, nước ngập quá nuôi không được. Thời gian qua, chị nhận đan lưới gia công, tiền công được trả 15.000 đồng/kg lưới nhưng không đều vì hàng lúc có, lúc không.

Chồng chị Sương, vì kế mưu sinh, rời cù lao đến huyện Mộc Hóa để làm thuê, làm mướn. Có khi cả tháng, anh mới về thăm nhà, mang theo tiền đưa cho chị nuôi các con ăn học. Lúc trước, anh cũng đi ghe. Sau biến cố gia đình, một đứa con trai không còn nữa, anh buồn, bỏ luôn nghề đi ghe.

Hàng ngày, người lớn chèo xuồng, đưa con cháu băng qua sông đi tìm con chữ. Ngày nào nước lớn, các em phải đem theo bộ đồ dự phòng

Hàng ngày, người lớn chèo xuồng, đưa con cháu băng qua sông đi tìm con chữ. Ngày nào nước lớn, các em phải đem theo bộ đồ dự phòng

Thấy nhiều người đã sang bờ, đi làm công nhân, buôn bán, chị Sương thích lắm! Nhưng gia đình chị chỉ có vỏn vẹn cái nền nhà trong xóm cù lao do ông bà để lại nên chẳng biết đi đâu. “Chỉ mong chờ Nhà nước có chính sách di dời mà thôi!” - chị Sương mong mỏi.

2. Cách cù lao Xuân Hòa 2 tầm 20 phút đi đò dọc là đến cù lao Kinh Cụt (ấp Vĩnh Viễn, xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành). Đường vào xóm cù lao Kinh Cụt cũng được người dân góp tiền trải đá xanh để đi lại bớt sình lầy.

Đi hết đoạn đường là đến nhà ông Giản Văn Thiệu. Mọi người ở xóm cù lao Kinh Cụt gọi ông Thiệu là “già làng”. Ông Thiệu hóm hỉnh: “Tui 73 tuổi mà người trong xóm cứ kêu già làng. Mà nghĩ cũng đúng, xóm này chỉ còn tui lớn tuổi nhất. Những người già hơn tui đều rời cù lao, sống an cư nơi khác cùng con cháu”.

Chỉ tay qua ngôi nhà cạnh bên, ông Thiệu nói: “Nhà đó mới đi cách đây vài tháng. Bà ấy già rồi, hay đau ốm, sống ở đây, mỗi lần đi khám bệnh cực lắm! Đường đi không có, phải lụy phà, chưa kể những ngày nước ngập, gian nan vô cùng. Con gái thấy vậy nên đón bà ấy về sống chung cho tiện chăm lo”. Trước đây, xóm cù lao có gần 30 hộ dân sinh sống, giờ chỉ còn 10 hộ. Những hộ rời đi vì không có đất sản xuất. Không tìm được kế mưu sinh, họ đành bỏ lại nền nhà của tổ tiên, ông bà để tìm phương kế mới ở xứ khác.

Trưa. Gió từ con sông trước nhà thổi lên mát rượi. Ông Thiệu mắc chiếc võng lưới vào hai gốc cây, nằm gác tay lên trán, nhìn ghe, xuồng ngược xuôi qua lại. Ánh mắt xa xăm, mặt đăm chiêu, ông nói ông nhớ thời “vàng son” của nghề đóng ghe gỗ ở xóm này. Hồi đó, nghề đóng ghe rất thịnh nên mọi người trong xóm có tiền rủng rỉnh. Nhưng theo thời gian, ghe sắt, thuyền lớn phổ biến, nghề đóng ghe gỗ không thể cạnh tranh nổi nên lụi tàn. “Xưởng đóng ghe không còn. Cuộc sống của người dân ở đây cũng khó khăn hơn” - “già làng” Thiệu tiếc nuối.

Nghỉ đóng ghe, ông Thiệu tận dụng 8.000m2 đất sau nhà, được bao bọc bởi sông nước để nuôi tôm thẻ. Tưởng sẽ khá lên nhờ con tôm, vậy mà, hết vụ này đến vụ khác, ông đều thất bại. Lỗ nhiều hơn lời, ông cho bà Bảy Bình thuê lại ao nuôi tôm. Cứ thế, vợ chồng ông sống nhờ tiền cho thuê đất và 3 đứa con đi làm xa gửi về hàng tháng.

Ông Giản Văn Thiệu mắc võng lưới vào hai gốc cây, nằm nhìn ghe xuồng ngược xuôi qua lại mà nhớ về thời vàng son của nghề đóng ghe gỗ ở xóm cù lao Kinh Cụt

Ông Giản Văn Thiệu mắc võng lưới vào hai gốc cây, nằm nhìn ghe xuồng ngược xuôi qua lại mà nhớ về thời vàng son của nghề đóng ghe gỗ ở xóm cù lao Kinh Cụt

Từ số đất thuê của ông Thiệu cùng với đất nhà, bà Bảy Bình đầu tư ao lắng, chạy quạt,... nuôi hơn 1ha tôm. Ở xóm cù lao này, có đất sản xuất, có việc để làm như bà Bảy Bình là niềm mơ ước. Tuy nhiên, như những người hàng xóm, bà Bảy Bình vẫn mong được ở nơi khô ráo, có đường đi lại.

Bà Bảy Bình nói: “Khi đó, cả nhà sẽ không còn thấp thỏm theo con nước lớn, nước ròng. Còn hiện tại, đường không có, thấy con cháu chèo xuồng đi học mà thương!”. Thiếu đường đi lại, nhà cửa bị ngập liên miên nên ở xóm cù lao, nhà nào cũng trang bị chiếc ghe nhỏ để chèo qua lại. Ai có điều kiện hơn thì mua chiếc composite.

Những hộ dân đang sinh sống ở cù lao Kinh Cụt mong Nhà nước làm một con đường cặp mé sông, ngang qua phía trước xóm để đi lại thuận tiện. “Ngoài mong một con đường, chúng tôi còn mong kè bến bãi chắc chắn để chống ngập nước, có nơi lên xuống bờ sông an toàn mỗi khi phà cặp bến nếu chưa có phương án di dời” - “già làng” Thiệu ước ao.

Ước ao đến bao giờ sẽ thành hiện thực để người dân xóm cù lao Kinh Cụt, Xuân Hòa 2 thôi sống trong khắc khoải./.

Hà Vân - Lê Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/khac-khoai-xom-cu-lao-a164510.html