Khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Những năm qua, tỉnh Quảng Trị tập trung đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), kết quả đã làm cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển khá toàn diện. Tuy nhiên, trong những ngày đầu tháng 10/2020, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, kéo dài nhiều ngày gây ra lũ lụt trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, trong đó nông nghiệp là một trong những lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề nhất, chưa thể khắc phục được trong thời gian ngắn. Do vậy, nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM của tỉnh đang đứng trước rất nhiều khó khăn.

 Tập trung nạo vét kênh mương, chuẩn bị các điều kiện để tiến hành sản xuất vụ đông xuân-Ảnh: Đ.T

Tập trung nạo vét kênh mương, chuẩn bị các điều kiện để tiến hành sản xuất vụ đông xuân-Ảnh: Đ.T

Điểm nổi bật là trong giai đoạn 2015 - 2020, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 04/NQ- TU ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025. Các Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển cây trồng, con nuôi chủ lực, xây dựng NTM, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết hợp tác trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm, xây dựng mạng lưới khuyến nông và thú y cơ sở... cũng được chú trọng thực hiện, triển khai tích cực.

Nhờ đó, nông nghiệp của tỉnh liên tục có sự phát triển toàn diện, vững chắc. Tốc độ tăng trưởng nông - lâm - ngư nghiệp từ 2,42% năm 2016 lên trên 4,5% năm 2020. Sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt 27,89 vạn tấn/năm. Thủy sản phát triển đúng hướng và trở thành ngành kinh tế mạnh của tỉnh; sản lượng thủy sản tăng từ 23.795 tấn năm 2016 lên trên 37.000 tấn năm 2020; nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và bền vững. Độ che phủ rừng năm sau cao hơn năm trước và duy trì ổn định ở mức 50%; diện tích rừng có chứng chỉ FSC đạt 23.429 ha, tăng 144% so với năm 2015. Hệ thống công trình thủy lợi cơ bản được đồng bộ, đảm bảo tưới trên 85% diện tích gieo cấy lúa 2 vụ với 50.479 ha, tăng 3.179 ha so với năm 2015. Tỉ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 90,04% năm 2017 lên trên 95% năm 2020. Dự kiến đến cuối năm 2020 toàn tỉnh có 57 xã đạt chuẩn NTM. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tuy mới triển khai thực hiện song bước đầu đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, đến nay toàn tỉnh đã có trên 19 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Tuy nhiên, sau đợt mưa lũ vừa qua, sản xuất nông nghiệp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng nề. Có 468 ha lúa, 550 ha cây công nghiệp và cây ăn quả, 4.558 ha cây hằng năm khác bị hư hại; 1.704 ha đất sản xuất bị vùi lấp, trong đó có 266 ha đất sản xuất trước mắt không thể khôi phục được; 800 tấn giống cây trồng dự trữ trong Nhân dân để chuẩn bị cho vụ sản xuất đông xuân bị hư hỏng do ngập nước; nhiều diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng bị hư hại; hàng trăm héc ta mặt nước nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, hàng ngàn con gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi.

Bên cạnh đó, hạ tầng thủy lợi, hạ tầng phát triển nông nghiệp, phòng, chống thiên tai bị hư hại nghiêm trọng. Thiệt hại sau mưa lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị khoảng 3.000 tỉ đồng. Sự thiệt hại nghiêm trọng này đã ảnh hưởng lớn đến quá trình đổi mới, sắp xếp lại các yếu tố liên quan đến chuỗi giá trị các ngành hàng nông nghiệp từ khâu quy hoạch, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tổ chức sản xuất, chuỗi cung ứng dịch vụ sản xuất, thu hoạch, thu mua, chế biến bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Tác động và làm chậm quá trình thực hiện các giải pháp để chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích phù hợp với đặc điểm, lợi thế của các vùng, từ gò đồi, miền núi, vùng đồng bằng và vùng ven biển.

Đáng quan tâm nhất là vụ sản xuất đông xuân 2020 - 2021 đã cận kề nhưng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như kênh mương, công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng, đồng ruộng bị bồi lấp, người dân thiếu giống cây trồng, vật nuôi… đang là “rào cản” trong quá trình chuẩn bị triển khai vụ mùa trước mắt và những vụ mùa tới. Việc hỗ trợ nông dân về nguồn giống đảm bảo an toàn dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi (nhất là giống sắn, giống lạc, lợn giống); tiến hành cải tạo đồng ruộng, sửa chữa kênh mương nội đồng ở những vùng có thể tiếp tục sản xuất lúa; có kế hoạch hướng dẫn chuyển đổi sản xuất ở những diện tích đất lúa bị bồi lấp sang trồng các loại cây khác hiệu quả hơn… đang đặt ra rất cấp bách.

Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng đề án khôi phục khẩn cấp thiệt hại do thiên tai trong sản xuất nông nghiệp để tái thiết cơ sở hạ tầng và kinh tế bị thiệt hại sau lũ lụt; kịp thời hỗ trợ, tổ chức sản xuất, ổn định cuộc sống của Nhân dân. Dự kiến, nguồn lực thực hiện là nguồn vốn trung ương hỗ trợ kết hợp với nguồn vốn đầu tư công trung hạn. Tuy nhiên, để tránh trùng lặp và dàn trải nguồn lực đầu tư, nên chăng tỉnh cần xây dựng một nghị quyết chuyên đề để khôi phục, ổn định cuộc sống cho Nhân dân sau thiên tai như ý kiến đề xuất của Bí thư Huyện ủy Đakrông Nguyễn Trí Tuân tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh xác định phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột chính, trong đó chú trọng phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, quy trình canh tác hữu cơ, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, trồng rừng đạt chứng chỉ FSC, chú trọng thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị trên đơn vị sản xuất.

Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM trong những năm tới, bên cạnh tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, ngành nông nghiệp chú trọng rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, xác định quy mô và cơ cấu sản xuất của từng ngành hàng phù hợp với đặc điểm và lợi thế từng vùng, tiểu vùng sinh thái trên cơ sở xác định nhu cầu của thị trường nhằm tạo không gian thuận lợi cho tổ chức sản xuất ổn định, hiệu quả. Lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, thích hợp. trong đó ưu tiên phát triển theo 2 trục sản phẩm chính, đó là: Sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm đặc sản địa phương (OCOP).

Tập trung rà soát, xác định lại cơ cấu, quy mô và vị trí địa lý cụ thể, đất đai sử dụng cho từng loại ngành, hàng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, liên vùng, tạo quy mô sản phẩm hàng hóa đủ lớn để thuận lợi cho việc thực hiện chuỗi giá trị và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến; đồng thời coi trọng những mô hình sản xuất quy mô nhỏ để tận dụng đất đai và kết hợp xây dựng nông thôn mới ở cấp xã.

Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, hướng dẫn gắn với việc thực hiện, nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị. Phát huy vai trò làm chủ của người dân trong tất cả các khâu, nhất là chủ động tiếp nhận thông tin về kinh tế, kỹ thuật, khoa học công nghệ, thông tin thị trường, kinh nghiệm sản xuất... để thay đổi tập quán và phương thức tổ chức sản xuất theo hướng hiệu quả, bền vững.

Thực hiện mạnh mẽ điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo định hướng sản xuất mới. Xác định khoa học công nghệ là khâu then chốt để tạo đột phá về năng suất và chất lượng sản phẩm. Chuyển đổi sản xuất từ chú trọng sản lượng sang chất lượng và giá trị. Phát triển nền nông nghiệp hiện đại và bền vững; sản xuất sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ, giá trị gia tăng lớn; hạn chế ô nhiễm môi trường, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu. Chú trọng khâu thu hoạch, bảo quản và chế biến để tăng giá trị sản phẩm. Xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương gắn với đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường. Thực hiện đồng bộ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xây dựng NTM...

Đan Tâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154077