Khai thác cát, sỏi vẫn diễn biến phức tạp

Hoạt động khai thác cát của một doanh nghiệp ở xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) - Ảnh: ANH NGỌC

Mặc dù các sở, ngành và địa phương trong tỉnh tăng cường công tác quản lý, nhưng tình trạng khai thác cát, sỏi vẫn diễn ra, gây thất thoát nguồn tài nguyên.

Theo Sở TN-MT, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp tại một số địa phương như Đông Hòa, Tuy An, Sông Hinh, Sơn Hòa, Phú Hòa, Tây Hòa, Đồng Xuân… Hoạt động khai thác trái phép loại khoáng sản này thường xảy ra vào những ngày nghỉ, ở những đoạn sông, khu vực giáp ranh giữa các địa phương. Trong khi đó, một số địa phương chưa chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa coi việc ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép là nhiệm vụ thường xuyên và trọng tâm…

Chưa ngăn chặn triệt để

Theo UBND xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa), tình hình khai thác cát tại khu vực giáp ranh giữa thị trấn Hòa Hiệp Trung và xã Hòa Hiệp Nam đã diễn ra khá lâu nhưng đến nay vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Việc khai thác này thường diễn ra vào ban đêm và ngoài giờ hành chính.

Mặc dù chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính nhưng việc khai thác cát trái phép ở đây vẫn tái diễn. Từ năm 2017 đến nay, UBND xã Hòa Hiệp Nam đã ra quyết định xử phạt hơn 25 trường hợp khai thác cát trái phép…

Không chỉ các hộ dân khai thác cát, sỏi trái phép mà một số doanh nghiệp được cấp phép vẫn cố tình khai khác ngoài phạm vi cho phép. Theo ông Nguyễn An Phú, Chánh Thanh tra Sở TN-MT, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, trong đó có khai thác trái phép cát, sỏi. Gần đây nhất, Thanh tra Sở TN-MT kiểm tra đột xuất mỏ cát được cấp phép cho Công ty TNHH Khai thác cát Hùng Hưng ở khu phố Tây Hòa, thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa).

Tại thời điểm kiểm tra, công ty này tổ chức khai thác cát vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép khoảng 500m2. Đơn vị đã ra quyết định xử phạt hành chính 15 triệu đồng và buộc Công ty TNHH Khai thác cát Hùng Hưng san lấp, cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được cấp phép về trạng thái an toàn.

Ông Mai Kim Lộc, Phó Giám đốc Sở TN-MT, cho biết: Từ năm 2017 đến nay, Chánh Thanh tra Sở TN-MT đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 17 tổ chức, cá nhân vi phạm với số tiền hơn 354 triệu đồng; đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản trong thời hạn 3 tháng đối với 2 tổ chức.

Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 19 trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép với số tiền 49 triệu đồng.

Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 16 trường hợp, trong đó huyện Sông Hinh xử phạt 4 trường hợp với số tiền 40 triệu đồng, huyện Tây Hòa xử phạt 4 trường hợp với số tiền 22 triệu đồng, huyện Đồng Xuân xử phạt 6 trường hợp với số tiền 24 triệu đồng, huyện Phú Hòa xử phạt 2 trường hợp với số tiền 9,5 triệu đồng…

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

Theo ông Mai Kim Lộc, nguyên nhân khiến tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn còn xảy ra trên địa bàn tỉnh là do công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản ở cấp cơ sở chưa kịp thời, một số địa phương còn có sự buông lỏng, xử lý vi phạm thiếu kiên quyết.

Việc phân công trách nhiệm và công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, đơn vị liên quan chưa chặt chẽ; chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe…

Liên quan đến vấn đề này, đồng chí Nguyễn Chí Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN-MT tăng cường thanh tra, kiểm tra việc đấu giá quyền khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định; đồng thời đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn của UBND cấp huyện. Công an tỉnh chủ động nắm bắt tình hình, tổ chức đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi; tăng cường xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cát, sỏi không rõ nguồn gốc.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành, địa phương kiểm tra các vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát, sỏi, đất… sử dụng vào công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. UBND cấp huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân ký cam kết không khai thác khoáng sản trái phép, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; thực hiện nghiêm phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn…

“Địa phương, sở, ngành nào để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép hoặc lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng lạch để khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ tiêu cực phải tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu và điều chuyển, bố trí công tác khác”, đồng chí Nguyễn Chí Hiến khẳng định.

Không chỉ hộ dân sử dụng mà cát, sỏi khai thác trái phép còn được đưa vào một số công trình xây dựng nên công tác quản lý thanh quyết toán công trình gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Ngọc Tứ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Sở Xây dựng đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra đầy đủ các giấy tờ, chứng từ nhằm xác định nguồn gốc hợp pháp của các loại khoáng sản đưa vào các công trình xây dựng nhằm tránh thất thoát thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với các loại khoáng sản là vật liệu xây dựng và thực hiện quyết toán các công trình. Các khoáng sản làm vật liệu xây dựng như cát, đá, đất san nền… chỉ chấp thuận đưa vào công trình khi nhà thầu chứng minh nguồn gốc vật liệu lấy tại các mỏ được công bố trên thông báo giá của liên sở Xây dựng - Tài chính hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng.

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/222487/khai-thac-cat-soi-van-dien-bien-phuc-tap.html