Khai thác lợi thế phát triển năng lượng tái tạo

Đắk Nông được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT). Thời gian qua, tỉnh đã có các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ để thu hút người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nguồn năng lượng này.

Đa dạng nguồn điện tái tạo

Theo Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 nguồn năng lượng tái tạo gồm: thủy điện, điện gió và điện mặt trời.

 Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah

Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah

Đến nay, toàn tỉnh đã có 22 nhà máy thủy điện đã và đang đi vào vận hành, với tổng công suất 1.640MW. Các nhà máy thủy điện nằm trên địa bàn của tỉnh Đắk Nông, giáp ranh giữa tỉnh Đắk Nông - Lâm Đồng và Đắk Nông - Đắk Lắk; trong đó, có 14 nhà máy đặt trên địa bàn tỉnh, với tổng công suất 349,11MW.

Về điện mặt trời, toàn tỉnh hiện có 2 nhà máy đã đi vào vận hành, với tổng công suất 106,4MWp, gồm: Nhà máy điện mặt trời Cư Jút (với công suất 62MWp) và Nhà máy điện mặt trời Trúc Sơn (công suất 44,4MWp).

Bên cạnh đó, Đắk Nông hiện đang có nhiều dự án điện năng lượng tái tạo đang được triển khai, chưa đưa vào vận hành. Trong đó, về thủy điện có 11 dự án đã được quy hoạch, bao gồm: 2 dự án đang thi công, 8 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng và 1 dự án chưa lập hồ sơ dự án đầu tư.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 2 nhà đầu tư đang nghiên cứu lập hồ sơ xin bổ sung quy hoạch dự án thủy điện Ea Pô (công suất 10MW) và dự án thủy điện Đắk Sor 5 (công suất 17MW). Hai dự án này đã được UBND tỉnh báo cáo Bộ Công thương xem xét, thẩm định bổ sung quy hoạch theo quy định.

Hiện nay, địa phương đang được đánh giá có tiềm năng lớn về phát triển điện gió, điện mặt trời. Vừa qua, UBND tỉnh đã trình Bộ Công thương thẩm định, phê duyệt bổ sung quy hoạch 10 dự án điện mặt trời, với tổng công suất 872MWp và 14 dự án điện gió, với tổng công suất 1.004MW. Một số nhà đầu tư đang tiến hành lập hồ sơ bổ sung quy hoạch dự án điện gió, điện mặt trời, với tổng công suất khoảng 3.000MW.

Riêng về điện gió, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn về việc bổ sung 6 dự án vào quy hoạch phát triển điện lực, với tổng công suất 430MW, gồm: Dự án điện gió Đắk Hòa (50MW), Dự án điện gió Nam Bình 1 (30MW), Dự án điện gió Asia Đắk Song 1 (50MW), Dự án điện gió Đắk N’Drung 1 (100MW), Dự án điện gió Đắk N’Drung 2 (100MW), Dự án điện gió Đắk N’Drung 3 (100MW). Các dự án điện gió còn lại chưa được cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung quy hoạch…

Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng năng lượng

Thực hiện định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị, hiện nay, UBND tỉnh đang bám sát Chương trình triển khai Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể.

 Điện mặt trời áp mái đang thu hút nhiều người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia đầu tư

Điện mặt trời áp mái đang thu hút nhiều người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia đầu tư

Theo đó, kế hoạch sẽ được xây dựng với mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu năng lượng, đáp ứng cho các mục tiêu phát triển kinh tế- - xã hội, giai đoạn 2021-2030 của tỉnh và cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Đồng thời, phát triển nguồn điện phải đồng bộ với lưới điện truyền tải và phân phối trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, nhu cầu điện trên địa bàn đạt 1.015MW theo như Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 đã được phê duyệt.

Tỉnh cũng tập trung xây dựng hệ thống lưới điện hiện đại, thông minh, hiệu quả, bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn, đáp ứng tiêu chí của vùng phụ tải quan trọng và vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu các nguồn năng lượng từ điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối đạt từ 2.000-3.000MW (trong đó phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà đạt trên 200MWp). Tỉnh cũng phấn đấu nâng tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng đạt 7% vào năm 2030 và giảm lượng thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng đạt ở mức 15% theo tỷ lệ bình quân chung của quốc gia.

Về tầm nhìn đến năm 2045, Đắk Nông sẽ huy động các nguồn lực, khai thác và sử dụng tối đa tiềm năng năng lượng tái tạo, với công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trên tinh thần đó, hệ thống hạ tầng năng lượng sẽ được phát triển đồng bộ, hiện đại, khả năng kết nối khu vực được nâng cao. Chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học - công nghệ và năng lực quản trị ngành năng lượng đạt trình độ tiên tiến.

Bài, ảnh: Lê Dung

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/dai-hoi-thi-dua-yeu-nuoc-tinh-dak-nong-lan-thu-iv/khai-thac-loi-the-phat-trien-nang-luong-tai-tao-82068.html