Khám phá di sản và văn hóa tri thức thời công nghệ số

Bảo tàng, thư viện... những không gian tưởng như tĩnh lặng, với kệ sách và hiện vật sau lớp kính trưng bày đã và đang bắt nhịp với dòng chảy chuyển đổi số ở tỉnh miền núi Sơn La.

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, người dân, du khách có thể trải nghiệm, khám phá di tích lịch sử, nét đẹp văn hóa sống động trên không gian số.

Du khách quét mã QR tìm hiểu Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

Du khách quét mã QR tìm hiểu Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

Từ hiện vật 3D, thuyết minh tự động, trải nghiệm thực tế ảo cho đến việc quét mã QR để tương tác... Bảo tàng tỉnh Sơn La giờ đây không chỉ là nơi lưu giữ những ký ức lịch sử, văn hóa, mà còn trở thành một không gian trải nghiệm sống động, hấp dẫn với người dân và du khách gần xa.

Chị Đặng Thị Thanh Quế - du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh rất ấn tượng khi được trải nghiệm công nghệ thực tế ảo để tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La: Chỉ cần quét mã QR thì chúng tôi đã thấy toàn bộ sơ đồ, nội dung chúng tôi sẽ tham quan, chi tiết về cấu trúc nhà tù, cách sinh hoạt, cách thực dân Pháp giam giữ người tù chính trị của Việt Nam ở đây.

Công nghệ thực tế ảo giúp du khách có thể tham quan, trải nghiệm từ xa.

Công nghệ thực tế ảo giúp du khách có thể tham quan, trải nghiệm từ xa.

Chỉ cần vài cú nhấp chuột, du khách ở khắp mọi nơi cũng có thể tiếp cận kho dữ liệu số đang được lưu giữ, bảo tồn tại Bảo tàng tỉnh Sơn La. Nhiều dữ liệu trong số hơn 35.000 hiện vật, tư liệu ở đây đã dần hiện hữu trên không gian mạng; trong đó, có những bộ sưu tập về hình ảnh, cổ vật, nghi lễ, trang phục, sản phẩm nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc, lịch sử, văn hóa miền đất Sơn La, Tây Bắc...

Chị Cầm Thị May, Phòng Giáo dục Truyền thông, Bảo tàng và Thư viện tỉnh Sơn La thông tin: Hiện nay trên trang web của Bảo tàng Sơn La có nhiều tiện ích giúp du khách không có điều kiện đến với bảo tàng có thể tham quan, trải nghiệm; bằng công nghệ thực tế ảo, du khách chỉ cần vào đường link có thể xem được toàn cảnh thực trạng di tích nhà tù và các phòng của bảo tàng, các hiện vật 3D đang được trưng bày tại nhà tù; muốn xem chi tiết hơn thì ấn vào từng hiện vật để xem chất liệu, năm sử dụng, mục đích sử dụng của từng hiện vật…

Thư viện tỉnh Sơn La thay đổi quy trình mượn, trả, đọc sách bằng công nghệ số

Thư viện tỉnh Sơn La thay đổi quy trình mượn, trả, đọc sách bằng công nghệ số

Không gian Thư viện tỉnh Sơn La cũng đang dần thay đổi diện mạo, khi một thiết bị công nghệ thông minh có thể thay thế cả phòng mục lục; một mã QR có thể mở ra kho tri thức đã số hóa... Các thao tác tìm, mượn sách tại thư viện đơn giản hơn thay vì bạn đọc phải tra cứu bằng mục lục giấy, ghi phiếu, chờ cán bộ tìm sách như trước đây.

Chị Lê Xuân, ở phường Tô Hiệu, tỉnh Sơn La chia sẻ: Trước đây thì người đọc phải mang theo sổ để mượn hay đổi sách. Còn bây giờ chỉ cần đọc tên hoặc mã số đã có thể tra cứu, rất thuận tiện trong việc mượn sách ở thư viện. Bắt nhịp với thời 4.0, chúng tôi cũng có thể xem trên fanpage của thư viện để có thể biết đầu sách mình tìm kiếm ở đâu, không phải lựa chọn nhiều nữa...

Việc số hóa sách, tài liệu... thuận tiện hơn nhờ trang thiết bị được đầu tư, hiện đại.

Việc số hóa sách, tài liệu... thuận tiện hơn nhờ trang thiết bị được đầu tư, hiện đại.

Công nghệ số còn giúp cán bộ thư viện tiết kiệm thời gian, giảm áp lực cho những phần việc thủ công trong quản lý và tránh thất thoát tài liệu. Đặc biệt là với sách cũ, tư liệu quý, việc bảo quản từng gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của thời gian, độ ẩm, điều kiện kho lưu trữ, nguy cơ hư hỏng hiện vật gốc... thì nay đã dần thay đổi, khi nhiều đầu sách được scan và lưu trữ trên nền tảng điện tử.

Anh Lò Văn Thông, Phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng và Thư viện tỉnh Sơn La nói: Máy scan bây giờ hiện đại hơn so với trước, mình sẽ không phải chỉnh sửa ảnh khi lưu trữ, mất nhiều công đoạn... Bây giờ mình chỉ cần 1 bước scan thôi là có thể đẩy trực tiếp lên dữ liệu số phục vụ bạn đọc được rồi. Với khoảng thời gian tiết kiệm đó mình sẽ làm được nhiều đầu sách online hơn gửi đến mọi người.

Hàng nghìn tư liệu được số hóa là các đầu sách, truyện, chữ Thái cổ... đã giúp bạn đọc có thể dễ dàng tìm kiếm, tham khảo; đặc biệt là với những học sinh vùng sâu vùng xa, hay những người không có điều kiện đến thư viện trực tiếp.

Em Bùi Bảo Nam, Phường Tô Hiệu, tỉnh Sơn La chia sẻ: Em thấy rất hữu ích, khi ở nhà em có thể tìm đầu sách qua websitle, app, có thể đọc sách online. Khi dùng app thì giao diện và tìm kiếm của app cũng rất dễ dàng và thuận lợi cho người dùng...

Nhiều tài liệu, đầu sách được Thư viện Sơn La đưa lên nền tảng điện tử.

Nhiều tài liệu, đầu sách được Thư viện Sơn La đưa lên nền tảng điện tử.

Sự đồng hành của công nghệ đã giúp những giá trị lịch sử, kho tàng tri thức, văn hóa ngày càng trở nên sống động, hấp dẫn và lan tỏa. Từ đây, những hình ảnh, câu chuyện về miền đất Sơn La, Tây Bắc giàu truyền thống cách mạng, đậm đà bản sắc văn hóa cũng sẽ tới gần hơn với người dân và du khách mọi miền Tổ quốc.

Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/kham-pha-di-san-va-van-hoa-tri-thuc-thoi-cong-nghe-so-post1214896.vov