Khán giả nô nức đến xem 'Dòng sông hoa trắng'
Ngày 11/12, Viện phim Việt Nam tổ chức chiếu bộ phim 'Dòng sông hoa trắng', bộ phim mở đầu hoạt động chiếu phim của Viện phim Việt Nam nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024).
"Dòng sông hoa trắng" là bộ phim kể về 4 nữ biệt động tài sắc, vì tình yêu đất nước mà gạt bỏ những nỗi niềm riêng. Phim không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một phần của lịch sử điện ảnh Việt Nam, ghi lại những câu chuyện về lòng dũng cảm và tình yêu quê hương đất nước của những người phụ nữ Việt Nam.
Theo ghi nhận của phóng viên, bộ phim thu hút sự quan tâm đặc biệt từ đông đảo người dân thuộc mọi tầng lớp. Nhiều khán giả đã có mặt từ rất sớm tại Rạp chiếu phim Ngọc Khánh, Viện phim Việt Nam (523 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội), háo hức chờ đợi để được thưởng thức tác phẩm này.
Nhà văn Trần Tuấn Vũ, một người cựu chiến binh xúc động chia sẻ cảm xúc của mình với Báo điện tử Tổ Quốc: "Bộ phim đã tái hiện một bức tranh lịch sử đầy cảm xúc, nơi những cô gái trẻ chỉ vừa bước vào tuổi đôi mươi đã dũng cảm dấn thân vào cách mạng, sẵn sàng gạt bỏ tất cả nỗi niềm riêng để bảo vệ màu cờ Tổ quốc. Họ là những người anh hùng vô danh, đại diện cho cả một thế hệ – một thế hệ luôn đặt tình yêu quê hương, tình yêu cách mạng lên trên tất cả. Là một cựu chiến sĩ cách mạng, tôi như được nhìn thấy lại chính mình, nhìn thấy những người đồng đội đã cùng sát cánh trong cuộc chiến khốc liệt của dân tộc ngày ấy".
"Chỉ có điều, tôi may mắn hơn họ, tôi được trở về, tiếp tục học tập và sống trong hòa bình" - Nhà văn Trần Tuấn Vũ bày tỏ trong niềm xót xa những người chiến sĩ đã hi sinh.
Không chỉ tái hiệu vô cùng chân thật câu chuyện lịch sử, "Dòng sông hoa trắng" còn ghi dấu ấn mạnh mẽ với khán giả với những góc quay ấn tượng. Bạn Đức Anh (19 tuổi, sinh viên năm nhất trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) chia sẻ:Bộ phim ra đời vào những năm 90, khi mà công nghệ còn chưa phát triển, những kỹ xảo, hình ảnh trong phim vẫn còn rất đơn sơ, mộc mạc. Nhưng mình cảm thấy chính sự đơn sơ, mộc mạc ấy lại trở thành một điểm nhấn riêng, khiến cho khán giả, đặc biệt là những khán giả trẻ như mình, hình dung một cách chân thật những khó khăn và mất mát của thế hệ cha ông ta, đã phải hi sinh nhiều như thế nào.
Bên cạnh đó, "Dòng sông hoa trắng" quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng như NSND Trà Giang, NSND Lê Khanh, Thương Tín, Diễm My, Thúy Nga… buổi chiếu phim lần này là dịp để khán giả một lần nữa nhìn thấy họ trên màn ảnh rộng.
Bạn Phương Hạnh (25 tuổi, sinh viên trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) cho biết: "Bộ phim không chỉ là cơ hội để mình hiểu sâu hơn về sự dũng cảm và kiên cường của những người phụ nữ Việt Nam thời xưa, mà còn là dịp để những người trẻ như mình được thưởng thức diễn xuất tinh tế của các nghệ sĩ gạo cội, những huyền thoại của nền điện ảnh Việt Nam, họ đã mang đến cho khán giả một bộ phim vô cùng xúc động và chân thật trong từng cảnh quay.
"Mình hy vọng rằng trong tương lai, Viện Phim Việt Nam sẽ tổ chức nhiều hơn những buổi chiếu phim ý nghĩa như thế này. Những bộ phim lịch sử sâu sắc và đầy giá trị cần được lan tỏa rộng rãi hơn, tiếp cận với đông đảo khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đó là cách để chúng mình hiểu rõ hơn về những trang sử hào hùng mà dân tộc đã trải qua." - Phương Hạnh chia sẻ thêm.
Cô Lê Thị Minh Chung (69 tuổi, cựu nhà giáo), một khán giả trung thành của những buổi chiếu phim lịch sử suốt nhiều năm qua, không giấu được niềm hạnh phúc khi chia sẻ: "Lần này, tôi không chỉ thấy những khán giả trung niên quen thuộc mà còn nhận ra rất nhiều bạn trẻ đến xem vô cùng chăm chú. Điều này chứng tỏ thế hệ trẻ ngày nay không hề thờ ơ hay lãng quên lịch sử mà ngược lại, họ cũng rất yêu, rất quan tâm và khao khát tìm hiểu lịch sử đất nước. Tôi cảm thấy đây là một tín hiệu rất đáng mừng và cần được lan tỏa. Tôi mong là các buổi chiếu phim lần sau, có thể được gặp và giao lưu cùng với nhiều bạn trẻ hơn nữa".
Trong 2 ngày tiếp theo (12/12 - 13/12), 2 bộ phim Cây bạch đàn vô danh (sản xuất năm 1994) và Người đàn bà mộng du (sản xuất 2003) sẽ tiếp tục được chiếu lần lượt tại Rạp chiếu phim Ngọc Khánh, Viện Phim Việt Nam - 523 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội./.
Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/khan-gia-no-nuc-den-xem-dong-song-hoa-trang-20241211201707218.htm