Khẩn trương trả lại không gian Kinh thành Huế

Sau 4 năm triển khai Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, hàng ngàn hộ dân đã đến nơi ở mới thế nhưng mặt bằng khu vực Thượng thành vẫn còn nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.

Cây khô, vật dụng, tôn cũ, cửa cũ, gạch đá, ngói vỡ… nằm vương vãi khắp nơi trên khu vực Thượng thành Huế. Tại nhiều vị trí, người dân đổ rác thải bừa bãi, tận dụng trồng rau màu, chăn nuôi, đổ giá hạ, xà bần… làm ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Nhiều khu vực eo bầu, tường thành… cỏ dại, cây cối mọc um tùm. Chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức ra quân dọn dẹp nhưng tại nhiều vị trí vẫn còn nhếch nhác.

Nhiều khu vực còn ngổn ngang đất đá, nhà cửa

Nhiều khu vực còn ngổn ngang đất đá, nhà cửa

Ông Nguyễn Hữu Trung, ở tổ 12, phường Thuận Hòa, thành phố Huế than phiền: “Mấy chỗ ni người dân mới di dời. Nhiều người tận dụng trồng cây, trồng rau. Nhiều đồ vật của họ vẫn còn để lại, chưa dọn vì chưa tìn được chỗ di dời. Sau này phải dọn sạch sẽ”.

Người dân tận dụng trồng trọt trên khu vực Thượng Thành và các eo bầu

Người dân tận dụng trồng trọt trên khu vực Thượng Thành và các eo bầu

Từ cuối tháng 6 năm nay, UBND thành phố Huế giao Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố triển khai gói thầu “Dọn dẹp vệ sinh và hoàn trả mặt bằng sau khi di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1, Kinh thành Huế”. Đồng tình với chủ trương của thành phố, nhiều hộ dân khu vực Thượng thành tự nguyện thuê nhân công, phương tiện di dời cây cối, vật dụng… Mấy ngày nay, sau khi được tổ dân phố và UBND phường Thuận Hòa vận động, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng buôn bán cây cảnh ở đường Ông Ích Khiêm tự giác thuê xe di dời cây cối, chậu kiểng ra khỏi khu vực Thượng thành.

“Chúng tôi tự giác trả lại mặt bằng di tích. Hồi trước gia đình ở đây, tận dụng để đỡ rứa thôi. Bây chừ nhà nước lấy thì mình trả mặt bằng lại cho nhà nước. Mặt bằng giải phóng cho sạch sẽ, để vậy cây cỏ mọc nhớp nhúa. Nhiều người trồng cây này, cây kia không cân đối, bây giờ nhà nước làm lại cho đẹp”.

Các hộ dân tự nguyên thuê nhân công, phương tiện di dời cây cối, vật kiến trúc bàn giao mặt bằng

Các hộ dân tự nguyên thuê nhân công, phương tiện di dời cây cối, vật kiến trúc bàn giao mặt bằng

Hiện nay, các đơn vị thi công tiến hành dọn dẹp vệ sinh và hoàn trả mặt bằng khu vực Thượng thành, 16 eo bầu nằm trên địa bàn các phường Thuận Hòa, Tây Lộc, Thuận Lộc và Đông Ba; Khu vực hộ thành hào và tuyến phòng lộ thuộc các phường: Phú Thuận, Phú Bình và Đông Ba; Khu vực Trấn Bình Đài thuộc phường Phú Bình… thành phố Huế.

Những ngày này các nhà thầu và đơn vị thi công đồng loạt ra quân 4 mũi thi công với hàng chục lượt phương tiện, máy móc, nhân lực phát dọn cây cối thành, kè; phá dỡ các công trình nhà dân đã di dời; đào đắp đất san nền…

Cảnh nhếch nhác quanh khu vực tường thành

Cảnh nhếch nhác quanh khu vực tường thành

Thực tế hiện nay, việc bàn giao mặt bằng sạch ở các khu vực hầu hết đều không kịp để thực hiện thi công theo tiến độ tổng thể. Các khu vực chưa bàn giao và vướng mặt bằng nhiều là những khu vực có giá trị khối lượng xây lắp lớn như Hộ thành hào, Trấn Bình Đài. Nhiều khu vực vướng mặt bằng chưa được đền bù. Vị trí bàn giao mặt bằng xen lẫn với vị trí chưa bàn giao gây khó khăn cho thi công.

Các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dọn dẹp mặt bằng

Các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dọn dẹp mặt bằng

Ông Nguyễn Thắng Duy, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố Huế nói: “Vì mục tiêu chung sạch, đẹp của thành phố, đề nghị các hộ dân tích cực phối hợp, hỗ trợ và sớm bàn giao mặt bằng để Trung tâm và các đơn vị sớm hoàn thành tiến độ của thành phố giao. Vần đề khó nhất hiện nay là đến 30/10/2023 phải bàn giao mặt bằng nên còn thời gian rất ngắn để triển khai. Do đó từ nay đến 30/10, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng thì Trung tâm sẽ hoàn thành kế hoạch đặt ra 31/12/2023”.

Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, sau khi hoàn thành việc di dời dân, giải phóng mặt bằng, đơn vị triển khai công tác bảo tồn, trùng tu, phục hồi và tôn tạo các yếu tố gốc của công trình di tích trên cơ sở các hồ sơ, tư liệu lịch sử.

“Tiếp đến, chúng tôi sẽ tiến hành tôn tạo, trả lại nguyên trạng ban đầu, tạo hình ảnh khang trang, sạch sẽ, đẹp đẽ. Đối với các khu vực eo bầu, chúng tôi nghiên cứu quy hoạch hình thức phù hợp, có cây xanh, cảnh quan, thiết chế, phương thức quản lý…, phục vụ cộng đồng”, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế nói.

Nhiều khu vực Thượng thành Huế được dọn dẹp sạch sẽ

Nhiều khu vực Thượng thành Huế được dọn dẹp sạch sẽ

Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế triển khai từ năm 2019 đến năm 2025 gồm 2 giai đoạn. Dự án di dời tái định cư hơn 4.200 hộ dân khu vực Thượng thành, Eo bầu, Hộ thành hào và tuyến Phòng lộ, Hồ Học Hải, đàn Xã Tắc, Khâm Thiên giám, Xiển Võ từ, Lục Bộ, tiếp giáp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế... Từ đó, tỉnh Thừa Thiên Huế nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di tích, thực hiện các giải pháp khai thác với sự tham gia của cộng đồng và nguồn lực xã hội hóa, gắn với phát triển du lịch bền vững.

Vinh Thông/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/khan-truong-tra-lai-khong-gian-kinh-thanh-hue-post1034101.vov