Khánh Hòa chi hơn 166 tỷ đồng trùng tu thành cổ Diên Khánh

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Thành cổ Diên Khánh có 12 hạng mục được trùng tu, phục hồi, bảo tồn, với kinh phí thực hiện hơn 166 tỷ đồng.

Ngày 18/7, lãnh đạo Ban Quản lý các dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa cho biết, Cục Di sản văn hóa - Bộ VHTT&DL đã đồng ý thỏa thuận thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo di tích Thành cổ Diên Khánh (thuộc thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa).

Dự kiến trong tháng 9 tới đây, chủ đầu tư sẽ khởi công dự án trùng tu công trình này. Công tác giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng sẽ được thực hiện trong hai năm 2024 - 2025.

 Toàn cảnh Di tích Thành cổ Diên Khánh nhìn từ trên cao. Ảnh: T.Nhân

Toàn cảnh Di tích Thành cổ Diên Khánh nhìn từ trên cao. Ảnh: T.Nhân

Theo quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa, dự án này có 12 hạng mục được trùng tu, phục hồi, bảo tồn, trong đó, có các hạng mục trùng tu theo nguyên gốc như tuyến thành đất dài 2.500m, đỉnh thành rộng hơn 4m, lối đi lát gạch rộng 2,6m...

Những hạng mục xây mới là đường dài 2.000m, rộng 6m, chạy sát chân thành; cầu vòm bắc qua hào nước, các tiểu công viên, chỉnh trang cầu tại các cổng thành; nạo vét bùn đất và vệ sinh lòng hào, mái hào và chống thấm thành hào, đáy hào; hệ thống đèn chiếu sáng, công trình vệ sinh...

Kinh phí thực hiện dự án hơn 166 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách của tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, 70 tỷ đồng là chi phí xây dựng, hơn 67 tỷ đồng là tiền bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng...

Về phía Cục Di sản văn hóa, cơ quan này có ý kiến cần thành lập Hội đồng đánh giá di tích nhằm bảo tồn tối đa các yếu tố gốc, giá trị lịch sử của di tích.

Đồng thời, việc thi công ưu tiên phương pháp thủ công, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới, nhất là tại các vị trí gần cổng thành, góc thành.

Đối với việc tôn tạo các gò đất tại tiểu công viên các vị trí trồng cỏ tại mái gò không làm dốc phẳng và tạo ra cung tròn hoàn chỉnh (tránh gây ra ý kiến trái chiều về cấu trúc vốn có của các góc thành), mà cần tạo thành các mái dốc bám theo đường đồng mức tự nhiên, chỉ san gạt cục bộ để tôn trọng tối đa địa hình hiện trạng…

Thành Diên Khánh nằm cách thành phố Nha Trang 10km về phía Tây, bên phải Quốc lộ 1. Thành cổ Diên Khánh được xây dựng năm 1793, trên diện tích 3,5 ha.

Khu vực này là một quần thể kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban, một hình mẫu thành quân sự phổ biến vào thế kỷ XVII - XVIII ở Tây Âu. Tường thành hình lục giác nhưng không đều nhau, có chu vi 2.693m đắp bằng đất, cao khoảng 3,5m.

Trên mỗi cạnh, tường thành lại chia thành nhiều đoạn nhỏ, uốn lượn, nên các góc thành không nhô hẳn ra mà vẫn đảm bảo quan sát được hai bên. Mặt ngoài tường thành gần như dựng đứng, mặt trong có độ thoải và được đắp thành hai bậc, tạo đường vận chuyển thuận lợi ven thành.

 Cổng Thành cổ Diên Khánh. Ảnh: MM

Cổng Thành cổ Diên Khánh. Ảnh: MM

Bên ngoài thành có hào nước sâu từ 3 - 5m, rộng 20 - 30m bao quanh. Ban đầu thành có 6 cửa (cổng thành), hiện nay chỉ còn 4 cửa Đông - Tây - Tiền (phía Nam) - Hậu (phía Bắc).

Cùng với kinh thành Huế, thành cổ Diên Khánh là tòa thành cổ ở Việt Nam vẫn giữ được sự nguyên vẹn so với kiến trúc ban đầu. Thành Diên Khánh từng giữ vị trí chiến lược quan trọng ở Nam Trung Bộ, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử và mang đến một vẻ đẹp độc đáo.

Năm 1988, thành cổ Diên Khánh được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.

Khánh Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khanh-hoa-chi-hon-166-ty-dong-trung-tu-thanh-co-dien-khanh-post304007.html