Khánh thành Điện Thái Hòa - Đại nội Huế sau 3 năm trùng tu
Chiều tối 23/11, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đón nhận Bằng công nhận Di sản Tư liệu UNESCO 'Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế', khánh thành Điện Thái Hòa và động thổ phục hồi Điện Cần Chánh. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thành Long đến dự, cắt băng khánh thành Điện Thái Hòa và động thổ phục hồi Điện Cần Chánh.
Mở đầu buổi lễ, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tái hiện lễ thiết triều trước sân điện Thái Hòa.
Ngày 8/5/2024, tại Kỳ họp thứ 10 của Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ở Mông Cổ, “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.
Cửu đỉnh được đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837 dưới thời vua Minh Mạng. Đây được xem là bộ bách khoa toàn thư bằng hình ảnh sống động về đất nước Việt Nam thời bấy giờ và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2012.
Việc UNESCO công nhận “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” là Di sản tư liệu thế giới một lần nữa khẳng định tầm vóc, giá trị lịch sử của Cửu đỉnh trong kho tàng di sản văn hóa của nhân loại, đồng thời đem đến cho Thừa Thiên Huế vị thế là địa phương duy nhất mang trong mình 8 di sản được UNESCO công nhận.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO đánh giá cao mối quan hệ đối tác lâu dài với Thừa Thiên Huế, nơi mà công tác bảo tồn Di tích Huế đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Ba mươi năm trước, UNESCO và cộng đồng thế giới đã nhận thấy sự cấp thiết trong việc hợp tác với Việt Nam để gìn giữ và bảo vệ các di sản quý giá này.
“Những thách thức mà chúng ta phải đối mặt, với UNESCO và Việt Nam - một quốc gia thành viên quan trọng của UNESCO, chính là công tác bảo tồn, trùng tu và tôn tạo, bảo vệ nguyên trạng di sản thế giới của chúng ta. Một nhiệm vụ cũng không kém phần quan trọng chính là các vấn đề của thế giới hiện đại khiến chúng ta phải tích cực hơn, như tăng cường sự chuẩn bị để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, giúp các di sản thế giới của chúng ta có khả năng phục hồi tốt hơn trước các thảm họa do con người gây ra hoặc trước các thiên tai, đồng thời tối ưu hóa phúc lợi cho người dân”. - ông Baker nói.
Dịp này, tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức công bố hoàn thành Dự án “Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” đưa vào phục vụ tham quan và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”. Đây là hai công trình quy mô và có vai trò quan trọng bậc nhất trong khu vực Hoàng Thành và Tử Cấm Thành của Đại Nội Huế.
Điện Thái Hòa nằm trong Đại nội Huế được xây dựng vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long, là biểu trưng quyền lực của triều Nguyễn. Nơi đây diễn ra các buổi triều nghi quan trọng của triều đình như lễ đăng quang, sinh nhật vua, đón tiếp sứ thần và các buổi đại triều.
Trải qua chiến tranh và thiên tai, điện Thái Hòa xuống cấp nghiêm trọng, một số cấu kiện gỗ mục ruỗng, không đảm bảo an toàn. Tháng 11/2021, điện Thái Hòa được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế khởi công trùng tu với tổng kinh phí 128 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.
Trước lúc hạ giải điện Thái Hòa, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức hội thảo, tham vấn các nhà nghiên cứu văn hóa. Công trình cũng được số hóa 3D. Sau 3 năm trùng tu, Điện Thái Hòa được khánh thành, mở cửa phục vụ du khách tham quan.
Để tiến hành các thủ tục triển khai Dự án tu bổ, phục hồi điện Thái Hòa và tu bổ, phục hồi điện Cần Chánh, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quá trình nghiên cứu chuẩn bị công phu, bài bản và nhận được sự giúp đỡ hết sức to lớn của các tổ chức quốc tế, của các ban, bộ, ngành Trung ương và các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trong quá trình thu thập tư liệu, hình ảnh, căn cứ pháp lý để triển khai.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế đã chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững.
Huế từng bước được các cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước, đặc biệt là UNESCO đánh giá là địa phương đi đầu về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương: “Tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Chương trình, kế hoạch hành động của Quốc tế và của Chính phủ Việt Nam về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; với các giải pháp cụ thể, vừa trước mắt, vừa lâu dài để tạo sức sống mới cho di sản; để di sản mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.