Khi cần, đất vàng cũng hiến

Thực tế hiện nay, việc khiếu kiện, tranh chấp đất đai đang trở thành vấn đề gây nhiều hệ lụy, làm ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm, thậm chí gây sứt mẻ tình cảm gia đình.

Thế nhưng, Sơn Bua, xã miền núi có tỷ lệ hộ nghèo đứng thứ hai của huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi (65,2%), lại có tỷ lệ người dân tự nguyện hiến đất xây dựng nông thôn mới cao nhất huyện, với hơn 5,1ha. Điều đáng trân trọng là phần lớn trong số 55 hộ gia đình hiến đất thuộc diện hộ nghèo, diện tích đất nêu trên được bà con sử dụng để trồng keo, cau-nguồn thu nhập chính của người dân miền núi.

Đường giao thông nông thôn tại miền núi Quảng Ngãi được mở rộng nhờ người dân hiến đất. Ảnh: TTXVN

Đường giao thông nông thôn tại miền núi Quảng Ngãi được mở rộng nhờ người dân hiến đất. Ảnh: TTXVN

Ông cha ta có câu “tấc đất, tấc vàng”, ở xã Sơn Bua, những ‘‘tấc vàng” ấy được nhiều người dân không so tính thiệt hơn mà tự nguyện hiến cho tập thể. Có thể nói, hành động hiến đất của 55 hộ gia đình ở Sơn Bua thể hiện sự hy sinh không nhỏ. Từ bao đời nay, người dân luôn nặng tình, nặng nghĩa với mảnh đất, ruộng nương mà tổ tiên, cha ông để lại. Đất đai góp phần giúp họ mưu sinh, tạo dựng cuộc sống, nhưng vì lợi ích chung, họ sẵn sàng hiến đất mà không đòi hỏi quyền lợi. Hành động cao thượng ấy khiến bao người phải suy nghĩ, bởi hơn 5,1ha đất trị giá tiền tỷ mà người dân hiến tặng được dùng để mở đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà bán trú, khu vui chơi thể thao, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng... góp phần giúp người dân có thêm điều kiện để “an cư lạc nghiệp”, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống ngày một tốt hơn.

Với giá trị “tấc đất, tấc vàng”, hiện nay, nhiều địa phương vẫn còn đang lúng túng, khó khăn trong việc xây dựng các công trình an sinh xã hội vì thiếu đất. Trong khi tình trạng khiếu kiện phức tạp, kéo dài vì tranh chấp đất đai, nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng, trục lợi liên quan đến đất đai ở một số địa phương gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình chung của xã hội, gây bức xúc dư luận... chúng ta càng thấy được giá trị và trân trọng tấm lòng của những người nông dân chân lấm tay bùn đã tự nguyện hiến đất trong điều kiện cuộc sống vẫn còn khó khăn. Hành động đó đáng quý hơn vàng và họ chính là những tấm lòng vàng có sức lan tỏa sâu rộng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Thiết nghĩ, câu chuyện người dân hiến đất xây dựng nông thôn mới ở xã Sơn Bua cho chúng ta thấy ý nghĩa và vai trò của cá nhân, cộng đồng trong việc chung tay, góp sức xây dựng thôn xóm văn minh, văn hóa. Nét đẹp nhân văn này cần được nhân rộng để trở thành phong trào trên phạm vi cả nước. Từ đó, cùng với sự chung tay, góp sức của các cấp, ngành, các tổ chức, đoàn thể và huy động sức dân, cuộc vận động xây dựng nông thôn mới sẽ sớm thành công.

PHAN TIẾN DŨNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/khi-can-dat-vang-cung-hien-745860