Khi cơn giận gây nên tội ác

Cự cãi nhau từ những việc nhỏ nhưng nhiều người đã thổi bùng cơn giận dữ của bản thân thành ngọn lửa của sự thù hận. Nhiều án mạng đau lòng đã xảy ra chỉ từ những xích mích nhỏ trong cuộc sống đời thường. Để rồi lúc cơn giận đi qua, lúc lòng mình lắng lại, nhiều bị cáo không hiểu tại sao mình lại có thể gây ra những chuyện tày trời như vậy. Câu chuyện về hai bị cáo, là hai anh em sinh đôi dưới đây là một ví dụ...

Phút giây hối hận của bị cáo H. -Ảnh: H.N

Phút giây hối hận của bị cáo H. -Ảnh: H.N

Năm 2022, một vụ án mạng xảy ra ở xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh khiến một thanh niên tử vong. Án mạng xuất phát từ bữa tiệc rượu của một gia đình trong xã trước ngày cưới con gái. Trong bữa tiệc rượu này có sự tham gia của hai anh em Trần Trung H., sinh năm 1980.

Tại đây, do mâu thuẫn phát sinh từ lời nói của một người cùng xã mà H. đã tước đi mạng sống của người này. Trong những lần tham dự phiên tòa xét xử H. về tội Giết người, hình ảnh người cha già trên 80 tuổi của bị cáo khiến chúng tôi chạnh lòng.

Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, lẽ ra cuộc sống phía trước của vợ chồng ông là những tháng ngày bình an thay vì chứng kiến cả hai người con trai dính vào lao lý. Cảm giác ân hận với xóm giềng khi bị hại không phải ai xa lạ mà là người cùng xã cũng giày vò ông bà không kém. Vụ án này được đưa ra xét xử 3 lần, trong đó có hai phiên sơ thẩm và một phiên phúc thẩm.

Trong những lần tham dự phiên tòa xét xử các con, người cha già thẫn thờ, đau đớn. Cùng cha, cùng mẹ, cùng ngày sinh tháng đẻ mà một người thì lành lặn, người kia lại bị khuyết tật. Có lẽ vì thế mà khi bị xúc phạm, nỗi tức giận trong lòng người con này chỉ thổi bùng lên chứ không hạ nhiệt. Nỗi đau này cứ tăng dần khi sau phiên tòa sơ thẩm lần 1 bị trả hồ sơ, người con trai còn lại cũng bị khởi tố.

“Tui không biết ý định của hắn đã đành, đằng ni biết rồi, can ngăn rồi mà vẫn không thể làm dịu đi cơn điên dại của con”, ông than.

Nhưng trong câu chuyện này, người con trai lành lặn của ông mới là người đáng trách hơn cả khi được coi là “động lực về mặt tinh thần” để anh mình thực hiện hành vi phạm tội tới cùng. Sự việc đã có lúc gián đoạn, đồng nghĩa với việc cơn giận bộc phát sẽ nguôi đi, vậy nhưng nó cứ bám riết trong lòng hai người dẫn đến hậu quả đau lòng đã xảy ra.

Mâu thuẫn với bị hại vốn xuất phát từ người em, H. thấy em trai gây gổ với người khác thì nhảy vào bênh vực rồi bị Đ. thách thức, đòi đánh và có những lời xúc phạm nặng nề nên mới xảy ra cơ sự. H. hẹn Đ. ra khỏi rạp cưới để đánh nhau. Vì được can ngăn nên Đ. không đi theo mà quay lại rạp, còn H. về nhà.

Chuyện lẽ ra kết thúc ở đó nhưng vì H. cứ giữ nỗi bực tức trong lòng, càng nghĩ cơn tức giận dường như càng phình to thêm nên về nhà ba mẹ tìm hung khí đi đánh Đ. cho bằng được. Biết chuyện, ba H. và em dâu hết lời can ngăn nên H. bỏ đi. Đáng tiếc là vừa ra đến cổng thì cũng vừa lúc người em trai về, trên tay đang cầm 1 cây rựa nên hai cơn giận hòa làm một, cứ thế cả hai đi tìm Đ. Em dâu biết chuyện, lại tất tả đi tìm hai anh em về. Nhưng về tới nhà rồi mà vẫn còn bực tức nên H. lấy 2 con dao dắt vào lưng quần rồi điều khiển xe máy quay lại nhà Đ., trên đường đi không quên ghé nhà ba mẹ để gọi em trai.

Hai anh em H. đi bộ sang nhà Đ. Em trai cầm theo 1 cây rựa nhưng lại không biết anh mình giấu dao trong người. Tại nhà Đ., hai bên chỉ nói với nhau vài câu là H. đã áp sát đến, dùng dao đâm 1 nhát vào vùng bụng trái của Đ. khiến nạn nhân bị mất máu cấp không phục hồi do đứt rời động mạch chủ bụng nên đã tử vong. Người em trai vì được vợ và hàng xóm can ngăn nên không đánh nạn nhân.

Phiên tòa sơ thẩm lần 1, HĐXX tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung vì xét thấy hành vi của bị cáo H. có dấu hiệu của khoản 2, Điều 123, Bộ luật Hình sự (khung hình phạt 7-15 năm tù) và làm rõ hành vi của H. (em trai) có dấu hiệu đồng phạm với bị cáo.

Kết quả sau điều tra bổ sung, em trai H. bị khởi tố về tội Giết người. Cuối năm 2023, vụ án được TAND tỉnh Quảng Trị đưa ra xét xử sơ thẩm (lần 2), tuyên phạt H. (anh) 13 năm tù; H. (em) 3 năm tù về tội Giết người. Tuy nhiên, sau phiên tòa sơ thẩm lần 2, đại diện hợp pháp phía bị hại đã kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với 2 bị cáo cũng như tăng mức bồi thường. Hai bị cáo cũng có đơn xin giảm án.

Mới đây, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã đưa vụ án ra xét xử theo hình thức trực tuyến. Tại phiên tòa phúc thẩm, hai bị cáo rút đơn kháng cáo. Quá trình xét xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng nhận thấy có cơ sở chấp nhận kháng cáo về đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo H. Qua đó, Tòa tuyên bị cáo H. 15 năm tù; giữ nguyên mức án đối với bị cáo còn lại. Về phần trách nhiệm dân sự, hai bị cáo liên đới bồi thường cho đại diện hợp pháp của bị hại (hơn 259 triệu đồng, trong đó H. (anh) 70%, H. (em) 30%) như bản án sơ thẩm đã tuyên trước đó.

Ra giữa pháp đình, bị cáo H. mới thấm thía nỗi đau khi bỏ lại phía sau một gia đình với người vợ và con nhỏ, bỏ lại cha mẹ già “gần đất xa trời” héo hon nỗi chờ mong ngày về của con. Có thể, theo thời gian, câu chuyện về hai anh em họ sẽ dần rơi vào lãng quên nhưng nỗi đau thì vẫn đọng lại trong cả gia đình bị cáo lẫn bị hại.

Thủy Ba

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/khi-con-gian-gay-nen-toi-ac-184830.htm