Khi khí đốt trở thành 'vũ khí địa chính trị'

Cách đây đúng 2 năm, vào đêm 26/9/2022, đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 (North Stream 1) và Dòng chảy phương Bắc 2 (North Stream 2) đã bị vỡ bởi một loạt vụ nổ. Các vụ nổ đã gây ảnh hưởng đến 3 trong số 4 đường ống, chấm dứt một thập kỷ vận hành của đường ống dẫn khí đốt ngoài khơi dài nhất thế giới, đồng thời cũng khởi đầu cho kế hoạch 'cai' khí đốt từ Nga của Liên minh châu Âu.

Những bất ổn từ việc cắt Dòng chảy phương Bắc

Dự án đường ống dẫn khí đốt dọc đáy biển Baltic từ Nga đến Đức được thảo luận từ đầu những năm 2000. Đối với Nga, đường ống dẫn khí đốt có lợi ở chỗ làm tăng thị phần trên thị trường năng lượng châu Âu, đồng thời củng cố vị thế của Moscow trong mối quan hệ với các quốc gia quá cảnh, như Ukraine và Ba Lan. Với Đức, nhờ Dòng chảy phương Bắc, đã trở thành trung tâm khí đốt của châu Âu. Đức tái xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Nga sang Czech, Hà Lan và các quốc gia khác.

Ngoài ra, nguồn cung cấp khí đốt trực tiếp không bị gián đoạn từ Nga cho phép Đức duy trì ổn định giá năng lượng trong những năm 2010, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Đức và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân nước này. Chính sách quan trọng nhất của Chính phủ Đức trong 2 thập kỷ qua có lẽ là chuyển đổi năng lượng. Hydrocarbon giá rẻ từ Nga giúp Đức từ bỏ phát triển than và thoát khỏi năng lượng hạt nhân.

 Hiện trường vụ rò rỉ đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc ở biển Baltic vào ngày 28/9/2022. Ảnh: Global Look Press

Hiện trường vụ rò rỉ đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc ở biển Baltic vào ngày 28/9/2022. Ảnh: Global Look Press

Những lợi ích từ Dòng chảy phương Bắc 1 là cơ sở dẫn tới dự án mở rộng kết nối đường ống - việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 như là một hệ quả tất yếu. Bất chấp sự phản đối quyết liệt của Mỹ và một số đồng minh châu Âu, Đức vẫn kiên trì theo đuổi dự án. Năm 2018, Thủ tướng Đức Merkel cho rằng, Dòng chảy phương Bắc 2 chỉ là một dự án kinh doanh, không liên quan tới chính trị và là một dự án tốt để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng cho Đức.

Tuy nhiên, đến ngày 22/2/2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, Chính phủ nước này đã quyết định dừng quá trình phê duyệt đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2, nhằm phản ứng việc trước đó Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh công nhận độc lập của cộng hòa tự xưng Donest (DPR) và Lugansk (LPR) ở miền đông Ukraine.

Việc từ chối khởi động Dòng chảy phương Bắc 2, cũng như việc khối lượng cung cấp qua Dòng chảy phương Bắc 1 sau đó giảm, đã khiến giá năng lượng ở Đức tăng khoảng 2 lần vào năm 2022 so với năm 2021, khiến lạm phát gia tăng.

Cho dù các biện pháp khẩn cấp của Chính phủ Đức có thể ổn định tình trạng lạm phát vào năm 2024, cũng như việc nước này đồng tài trợ một phần hóa đơn tiền điện cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, thì một cuộc khủng hoảng đối với các công ty, doanh nghiệp lớn buộc phải cắt giảm nhân viên là không thể tránh khỏi.

Thúc đẩy sự gia tăng của chủ nghĩa cực hữu

Tăng trưởng kinh tế giảm tốc đã làm sụt giảm uy tín của liên minh cầm quyền và cá nhân Thủ tướng Olaf Scholz. Kết quả các cuộc bầu cử khu vực vào đầu tháng 9 vừa qua là minh chứng rõ nhất cho nhận định trên khi các đảng cầm quyền ở cấp liên bang mất đi sự ủng hộ, còn phe đối lập củng cố vị thế của mình. Các đảng dân túy như Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), Liên minh Sarah Wagenknecht (SSV) đã kêu gọi sự cần thiết phải khôi phục quan hệ kinh tế với Nga trong các chiến dịch của mình.

Tại bang Thüringen, đảng cực hữu AfD đã giành được 32,8% số phiếu bầu, bỏ xa đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) đứng thứ hai với 23,6% số phiếu.

Còn tại bang Sachsen, tình hình cũng không mấy khả quan hơn khi đảng cực hữu AfD cũng được hơn 30% số phiếu ủng hộ và tạm xếp thứ 2. Đảng CDU giành chiến thắng sát sao với 31,9% số phiếu. Cả 2 đều bỏ xa vị trí thứ 3 là đảng dân túy cánh tả SSV với 15,8% số phiếu ủng hộ. Riêng đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz và đảng Xanh cũng vượt qua số phiếu tối thiểu lần lượt là 7,3 và 5,1% để có mặt trong cơ quan lập pháp bang.

Với kết quả này, việc thành lập chính quyền tại các bang Sachsen và Thüringen sẽ rất khó khăn khi liên minh cầm quyền không chiếm được đa số và cần thời gian để đàm phán và thỏa hiệp với các đảng phái chiến thắng.

Ai là người được hưởng lợi?

Hai năm sau vụ nổ đường ống dẫn khí đốt, Nga cáo buộc Mỹ, Vương quốc Anh và Ukraine gây ra vụ nổ song cả ba nước đều bác bỏ cáo buộc trên. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức đã mở các cuộc điều tra riêng rẽ, trong khi Nga cũng tiến hành điều tra theo hướng nghi hành vi phá hoại. Thụy Điển và Đan Mạch đã khép lại việc điều tra vào tháng 2 năm nay, song không xác định được bất kỳ nghi phạm nào.

Giới quan sát cho rằng, Mỹ có thể là nước được hưởng lợi nhất từ vụ nổ Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2; bởi lẽ, điều này sẽ buộc Đức phải mua thêm nhiều khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ và phát triển cơ sở hạ tầng cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng trên lãnh thổ của mình. Trên thực tế, Đức đã khánh thành 3 kho cảng LNG vào năm 2023 và hiện đang tiếp tục xây dựng thêm 3 kho khác.

Truyền thông cũng đưa ra những đồn đoán về khả năng Ukraine có liên quan đến việc phá hủy đường ống. Kiev có thể quan tâm đến việc làm suy yếu mối quan hệ giữa Đức và Nga, cũng như làm nổi bật của việc quá cảnh qua lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, phía Nga cho rằng rằng Kiev đơn giản là không thể thực hiện một hoạt động quy mô lớn như vậy nếu không có các đối tác lớn của phương Tây. Được biết, tháng 8 vừa qua, các hãng truyền thông Đức đưa tin Berlon đã phát lệnh bắt giữ đối với một hướng dẫn viên lặn người Ukraine được cho là có liên quan tới hành vi gây nổ đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc.

Cũng có giả thuyết cố gắng đổ lỗi cho Nga về vụ nổ. Các ý kiến này cho rằng, việc phá hủy Dòng chảy phương Bắc là phản ứng của Moscow đối với việc Đức quốc hữu hóa các công ty con và tài sản của Gazprom và Rosneft vào năm 2022. Tuy nhiên, việc phá hủy một dự án có thể mang lại lợi nhuận khổng lồ cho Nga có vẻ là một giả thuyết thiếu hợp lý. Ngoài ra, chính Nga là quốc gia tích cực nhất trong việc yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế và công khai tiến độ của cuộc điều tra hiện đang được phía Đức tiến hành.

Rõ ràng, dầu khí đang trở thành “vũ khí địa chính trị”, và vụ nổ Dòng chảy phương Bắc chính là ví dụ điển hình. Cho dù vụ việc gây ra thiệt hại rất lớn cho các bên, song việc khôi phục hoạt động các đường ống chỉ có thể được thực hiện với điều kiện cuộc khủng hoảng Ukraine được giải quyết triệt để. Tuy nhiên, những điều kiện như vậy rất khó có thể xảy ra trong tương lai gần.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khi-khi-dot-tro-thanh-vu-khi-dia-chinh-tri-post314426.html