Khi tích cực thành sự phiền toái

Hình ảnh những người chơi xe đạp dàn hàng ngang chạy xe trên phố đông người, ở ngay cả vào những giờ cao điểm nhất, có lẽ đã không còn quá xa lạ với nhiều người dân ở các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tương đồng với hình ảnh ấy là những tay chơi xe đạp ngang nhiên chạy vào cao tốc, bất chấp những xử phạt đối với người vi phạm trước đó.

Rõ ràng, những người chơi xe đạp ấy xem thường pháp luật. Nhưng, rất có thể họ vì một tâm lý ỷ lại vào việc mình đang làm (tập luyện thể thao) là tích cực nên cho rằng sẽ được cảm thông hoặc thậm chí là ủng hộ, từ đó dẫn tới khinh suất trong hành xử công cộng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thực tế, luyện tập thể thao là một hoạt động tích cực cần được khuyến khích và luôn được khuyến khích. Trong một xã hội chuyện nhậu nhẹt, hút thuốc lá... khá phổ biến thì việc chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe lại càng trở nên tích cực hơn nữa bởi có đối trọng so sánh rõ rệt. Chính vì thế, người chơi thể thao hiện nay rất dễ sa vào lầm tưởng rằng mình đang góp phần tích cực trong đời sống và nhiều khi, sự tích cực thái quá mà họ thể hiện đã biến họ thành những người vô tình làm phiền xung quanh.

Câu chuyện chị em tập yoga làm động tác biểu diễn nơi công cộng tạo ra hình ảnh phản cảm đã không còn là chuyện hiếm nữa. Đó chính là một ví dụ về tâm lý chủ quan với điều tích cực cá nhân mà những người luyện tập thể thao thường xuyên dễ mắc phải. Hoặc, việc tràn ra lòng đường tập aerobic rồi ghi hình để đưa lên mạng xã hội cũng đang thành vấn nạn thực sự. Nhiều người suy nghĩ đơn giản theo kiểu “khỏe đẹp thì nên khoe” mà lại quên mất khoe như thế nào, khoe ở đâu còn quan trọng hơn nữa. Thế mới có chuyện trớ trêu là thỉnh thoảng vẫn có một tập thể bị cảnh cáo, bị phạt vi phạm hành chính chỉ vì bỗng dưng muốn ra giữa đường múa may “cho nó chất”.

Gần đây, chuyện các giải chạy cũng gây tranh cãi rất lớn trong cộng đồng khi có nhiều giải được tổ chức trong nội đô và gây phiền hà cho giao thông thường nhật. Cứ có giải là tất sẽ ngăn đường, chặn đường. Ngăn đường, chặn đường ban ngày ảnh hưởng tới nhịp sống chung thì chuyển sang chạy đêm. Nửa đêm rủ nhau ra chạy thực tế rất phản khoa học bởi nó đảo lộn nhịp sinh học của người chạy. Và, ngăn đường để chạy nửa đêm không phải là không làm phiền xung quanh. Tiếng ồn, việc ngăn, chặn đường từ đêm đến tảng sáng vẫn ảnh hưởng tới những cư dân phải thức khuya dậy sớm để quán xuyến việc buôn bán.

Nhưng, bất chấp có phản ảnh thế nào đi nữa, các giải chạy vẫn diễn ra. Cơ bản, tổ chức giải chạy mang lại doanh thu lớn trong khi chi phí lại không tốn kém như tổ chức một đại nhạc hội. Thế nên, hết giải này tới giải khác với đủ hình thức, ban tổ chức khác nhau, các nhà tài trợ khác nhau. Cứ nêu cao tinh thần thể thao là xem như không ai có quyền phản bác bởi cái lý là “thể thao tốt hơn ăn nhậu”. Đúng, thể thao là tích cực nhưng phải được đặt đúng chỗ chứ không phải kiểu thể thao tích cực làm phiền cộng đồng.

Ỷ thế mình đang làm việc tốt, với mục đích tốt để có thể thực hiện với phương thức chưa tốt là một vấn đề không nhỏ và cần phải được giải quyết rốt ráo. Xã hội có trật tự của nó và tạo dựng trật tự ấy, cần sự tuân thủ các lề luật và nguyên tắc. Cậy vào cái tích cực nhỏ nhoi của mình để phá vỡ các lề luật, nguyên tắc, ấy chính là một sự tích cực đầy phiền toái mà nếu để lâu dài, chúng sẽ tạo ra những phản ứng trái chiều mạnh mẽ dần lên trong cộng đồng.

Văn Đoàn

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/khi-tich-cuc-thanh-su-phien-toai-i751675/