Khó khăn lớn với ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây

Xung đột ở Ukraine đã khiến chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây căng thẳng.

Xung đột ở Ukraine đã ảnh hưởng đến ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây. Ảnh: AP

Xung đột ở Ukraine đã ảnh hưởng đến ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây. Ảnh: AP

Theo mạng tin châu Âu Euractiv.com, với việc các nước phương Tây kêu gọi tăng cường năng lực sản xuất của ngành công nghiệp quốc phòng, chuỗi cung ứng đang trở thành một yếu tố rủi ro, một số nguồn tin công nghiệp quốc phòng châu Âu mới đây cho biết.

Để đáp ứng nhu cầu vũ khí cấp bách của Ukraine, EU đã đưa ra kế hoạch tăng cường năng lực sản xuất đạn dược và tên lửa, đồng thời kêu gọi các nước thứ ba, chẳng hạn như Hàn Quốc, gửi đạn dược cho Kiev.

NATO cũng đang hy vọng những nước thành viên vạch ra các nhu cầu dài hạn trong lĩnh vực này, như được đề cập tại cuộc gặp lần đầu tiên giữa bộ trưởng quốc phòng NATO và các đại diện của ngành hồi tháng trước.

Tuy nhiên, các đại diện của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu đã lên tiếng lo ngại rằng trong quá trình thúc đẩy sản xuất, những người ra quyết định phương Tây đã không thu hút đủ các nhà cung cấp, cả trong quá trình ra quyết định hoặc đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn vốn.

Các công ty sản xuất thiết bị quân sự dựa vào một loạt các nhà cung cấp khác nhau, do đó cũng phải đẩy mạnh sản xuất và cung cấp để đáp ứng nhu cầu của người mua.

Trong khi đó, các nhà cung cấp đã bị căng thẳng, với tác động của đại dịch COVID-19 vẫn còn rõ ràng trong nhiều ngành công nghiệp ở cả châu Âu và Mỹ, hai nguồn tin trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng cho biết.

Theo các nguồn tin trên, những đợt phong tỏa liên tiếp do đại dịch, lượng đơn đặt hàng sụt giảm và tăng trưởng kinh tế yếu đã khiến các doanh nghiệp nhỏ không thể đầu tư vào sản xuất của họ và gây ra tình trạng sa thải nhân sự, đồng thời cho biết thêm rằng mọi thứ chỉ mới bắt đầu trở lại bình thường.

Bên kia Đại Tây Dương, trong một động thái nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng, công ty sản xuất tên lửa và hàng không Boeing của Mỹ đã bắt đầu đầu tư vào các quốc gia khác, bao gồm cả châu Âu, Ted Colbert, Giám đốc điều hành của công ty, thông báo bên lề Triển lãm Hàng không Paris hồi tháng 6.

Ông Colbert cho biết động thái đảm bảo chuỗi cung ứng thậm chí còn quan trọng hơn so với cuộc xung đột ở Ukraine.

“Với cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine, hợp tác cùng nhau ở châu Âu – Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan – là cực kỳ quan trọng đối với việc đầu tư vào cơ sở công nghiệp, để đảm bảo rằng chúng tôi có chuỗi cung ứng mạnh, đảm bảo rằng chúng tôi có nhân lực trên khắp thế giới để xây dựng năng lực và khả năng cần thiết cho một cơ sở công nghiệp mạnh mẽ trong thế giới quốc phòng”, ông Colbert nói với các phóng viên.

Hiện Ủy ban châu Âu đã đề xuất chiến lược an ninh kinh tế của riêng mình, bao gồm giám sát đầu tư vào chuỗi cung ứng ở các nước thứ ba. Một trong những nguồn tin của ngành công nghiệp quốc phòng cho biết thêm, các quốc gia thành viên EU nên suy nghĩ về việc “tái định cư chuỗi cung ứng” trên lục địa để tránh sự phụ thuộc nặng nề vào các nước thứ ba.

EU cũng đang nghiên cứu Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng để đa dạng hóa các nhà cung cấp nguyên liệu thiết yếu được sử dụng trong các sản phẩm quốc phòng và chế biến trong nước. Nhưng một yếu tố quan trọng khác của chuỗi cung ứng là nguồn nhân lực cần thiết để lắp ráp thiết bị, vận hành máy móc và điều hành hoạt động sản xuất.

“Chúng tôi gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự”, một số đại diện của ngành công nghiệp quốc phòng lưu ý, đồng thời cho biết thêm rằng tầm nhìn dài hạn nên bao gồm các giải pháp giúp tuyển dụng nhân viên có hợp đồng lâu dài.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo euractiv.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/kho-khan-lon-voi-nganh-cong-nghiep-quoc-phong-phuong-tay-20230708171820720.htm