Khoa học công nghệ nhiều thành tựu nổi bật - Bài cuối: Để đề tài, dự án không 'xếp ngăn kéo'

Với những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, các đề tài, dự án khoa học công nghệ đang được ưu tiên lựa chọn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, còn những rào cản do nguồn lực, bất cập từ cơ chế đang gây trở ngại cho các nhà khoa học trong nghiên cứu và đưa sản phẩm khoa học công nghệ vào thực tiễn… Tất cả những vấn đề này cần được nhận diện và có giải pháp tháo gỡ kịp thời để khoa học công nghệ thực sự 'cất cánh', thúc đẩy phát triển bền vững, theo đúng mục tiêu, định hướng Đảng đề ra.

>>> Bài 1: Khâu đột phá chiến lược

>>> Bài 2: Đề cao tính ứng dụng trong nghiên cứu

Bài học kinh nghiệm

Kinh phí cho sự nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh hiện vẫn còn hạn chế, như giai đoạn năm 2021 - 2022, kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ chỉ chiếm 0,2% tổng chi ngân sách tỉnh hằng năm. Chính vì vậy, việc ưu tiên lựa chọn các đề tài, dự án có tính ứng dụng được đặc biệt chú trọng.

Đồng chí Lê Thúy Phượng, Phó Trưởng phòng Kế hoạch và quản lý khoa học, chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Nhiệm kỳ này hơn 60% đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế, nông lâm nghiệp, thủy sản, các sản phẩm chủ lực của tỉnh như chè, cam, bưởi, gỗ rừng trồng, dược liệu, chăn nuôi đại gia súc, cá đặc sản; khoảng 10% cho lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; còn lại cho các lĩnh vực khác.

Công nghệ sản xuất đông trùng hạ thảo được Trung tâm thực nghiệm thực hành và chuyển giao khoa học công nghệ (Trường Đại học Tân Trào) làm chủ.

Công nghệ sản xuất đông trùng hạ thảo được Trung tâm thực nghiệm thực hành và chuyển giao khoa học công nghệ (Trường Đại học Tân Trào) làm chủ.

Sự cẩn trọng, ưu tiên này đã tạo sức bật cho kinh tế - xã hội địa phương. Theo kết quả nghiên cứu bước đầu của Đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng thông qua tăng cường đóng góp của khoa học và công nghệ vào lĩnh vực kinh tế chủ chốt trên địa bàn tỉnh”, mức đóng góp của khoa học công nghệ vào GRDP tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 33,18%. Con số này năm 2022 là 35,29%.

Thêm vào đó, công tác đề xuất, tuyển chọn, xét chọn nhiệm vụ, dự án khoa học công nghệ cũng có nhiều thay đổi. Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT - thành viên Hội đồng Khoa học và công nghệ tỉnh, nguyên là giám đốc Sở Khoa học và công nghệ đánh giá: Chất lượng các đề tài khoa học và công nghệ trong những năm gần đây được nâng lên rõ rệt. Các thành viên Hội đồng khoa học và công nghệ - những người có chuyên môn, tâm huyết - đánh giá tác động từng đề tài, dự án đề xuất để lựa chọn được những đề tài, dự án hiệu quả nhất. Trung bình mỗi năm, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đề xuất thực hiện trên 70 đề tài, dự án, Hội đồng Khoa học và công nghệ tỉnh chỉ lựa chọn thực hiện từ 13 - 15 đề tài, dự án, có khi thấp hơn. Từ đó, tập trung nguồn lực cho các đề tài, dự án được lựa chọn để nâng cao chất lượng thực hiện.

Theo Sở Khoa học và công nghệ, từ năm 2014 đến nay, Sở đã tham mưu chi từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học của tỉnh khoảng trên 10 tỷ đồng để thực hiện các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cấp tỉnh, phục vụ công tác lý luận. Các đề tài này nhanh chóng đi vào cuộc sống, từ đó tránh được bẫy “độ trễ” trong nghiên cứu và ứng dụng ra thực tiễn.

Một trong số đó là đề tài “Nghiên cứu thực tiễn và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Khối Dân vận cơ sở trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang” do Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì thực hiện. Từ kết quả nghiên cứu của Đề tài, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 02-ĐA/TU về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội; đồng thời ban hành Hướng dẫn về việc vận động đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tham gia các hoạt động với nhân dân tại cơ sở. Qua triển khai, công tác dân vận, phong trào thi đua dân vận khéo của tỉnh Tuyên Quang được đẩy mạnh hoạt động có hiệu quả; hàng nghìn lượt cán bộ, đảng viên đã về với nhân dân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với những phần việc thiết thực. Qua đó tăng cường mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân; tăng cường và thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Để không “xếp ngăn kéo”

Câu chuyện đề tài, dự án sau nhiều năm nghiên cứu vẫn “xếp ngăn kéo” là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm, khi Luật Khoa học công nghệ đang trong quá trình xem xét, lấy ý kiến để sửa đổi.

Tuyên Quang hiện cũng mới chỉ có 1 doanh nghiệp khoa học và công nghệ là Công ty cổ phần Chè Sông Lô. Chính vì vậy, sẽ hạn chế trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hoạt động đổi mới sáng tạo tại địa phương.

Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh cũng thừa nhận: Mặc dù đã thành lập hơn 10 năm, chức năng chính là ứng dụng, nhưng mảng ứng dụng của đơn vị hiện vẫn còn yếu và mỏng. Về lâu dài, ông Việt cho rằng, cần có sự đầu tư quan tâm hơn nữa về nguồn lực cũng như nhân lực. Khi hiện nay, đơn vị này có 9 biên chế, thì chỉ có 3 biên chế có chuyên môn ứng dụng công nghệ. Hạ tầng phục vụ cho việc nghiên cứu, chuyển giao cũng mới chỉ dừng lại ở việc được đầu tư một phòng nuôi cấy mô và khu vực nhà màng công nghệ cao. Để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, Trung tâm hiện đang đặt hàng với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp. Đồng thời đề xuất bố trí các nguồn vốn dành cho chuyển giao từ các nhiệm vụ khoa học công nghệ khác (dẫu vẫn rất ít).

Đồng chí Phạm Thị Lành, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng: Những giá trị mà các đề tài, dự án khoa học công nghệ đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội là không thể phủ nhận. Làm thế nào để khai thác và đưa khoa học và công nghệ vào đời sống là trăn trở của những người làm khoa học nói riêng và của tỉnh nói chung. Trong thời gian tới, ngành sẽ tăng cường hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu có uy tín trong nước; đẩy mạnh hợp tác chuyển giao ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại, phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao. Đối với các dự án khoa học công nghệ, sẽ ưu tiên các đề tài, dự án ứng dụng công nghệ cao vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt chú trọng đến tính sáng tạo và đổi mới, tạo đột phá về năng suất và chất lượng.

Về lâu dài, theo bà Lành, cần quan tâm hơn đến việc tháo gỡ nút thắt về thủ tục hành chính, quy trình, thủ tục về quản lý tài chính cũng như thủ tục thanh toán cho các đề tài dự án. Bởi thực tế, đây chính là trở ngại khiến nhiều nhà khoa học “nản trí” đối với việc nghiên cứu và thực hiện các đề tài, dự án. Việc tháo gỡ những rào cản này sẽ là động lực để các nhà khoa học chuyên tâm với công việc nghiên cứu.

Từ đó, đưa khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động; ứng dụng khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập như mục tiêu được xác định trong Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh.

Bài, ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe-nhieu-thanh-tuu-noi-bat-bai-cuoi-de-de-tai-du-an-khong-xep-ngan-keo-199149.html