Khoản nợ hơn 400 tỷ của đại gia thủy sản bỏ trốn bị ngân hàng rao bán

Agribank chi nhánh tỉnh An Giang thông báo đấu giá khoản nợ gần 418 tỷ đồng của Công ty Thuận An, nơi vợ chồng tổng giám đốc đã bỏ trốn ra nước ngoài nhiều năm.

 Trụ sở Công ty Thuận An tại tỉnh An Giang. Ảnh: Tafishco.

Trụ sở Công ty Thuận An tại tỉnh An Giang. Ảnh: Tafishco.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh tỉnh An Giang thông qua Agribank AMC đưa thông báo lựa chọn đơn vị đấu giá khoản nợ của Công ty Thuận An tại Agribank An Giang theo 2 hợp đồng tín dụng ký năm 2016.

Giá trị ghi sổ của khoản nợ tạm tính đến ngày 30/9 là 417,4 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là hơn 289 tỷ đồng, nợ lãi là 128 tỷ đồng.

Bên cạnh hai hợp đồng tín dụng trên, hồ sơ pháp lý của khoản nợ còn có hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa Agribank An Giang và Công ty Thuận An; hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của người khác giữa Agribank An Giang và ông Nguyễn Thái Sơn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên cùng vợ là bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng giám đốc Công ty Thuận An.

Tuy nhiên, Agribank An Giang không công bố thông tin cụ thể về tài sản bảo đảm là các quyền sử dụng đất thế chấp cho khoản nợ này.

Giá khởi điểm đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty Thuận An là 417,4 tỷ đồng, tương đương số dư nợ gốc và lãi phát sinh. Khoản nợ được đấu giá theo nguyên trạng (bao gồm nguyên trạng khoản nợ, tình trạng pháp lý và các rủi ro tiềm ẩn) và theo phương thức có sao bán vậy.

Công ty Thuận An có tên gọi đầy đủ là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại dịch vụ Thuận An (Tafishco), trụ sở chính ở tỉnh An Giang. Đây từng là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản, với mặt hàng chủ lực là cá tra.

Năm 2014, Công ty Thuận An đã triển khai dự án "chuỗi liên kết dọc trong sản xuất cá tra". Dự án có sự tham gia 3 bên gồm Công ty Thuận An, Agribank chi nhánh tỉnh An Giang và các hộ nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, người nuôi cá tra được vay vốn từ Agribank An Giang nhưng không nhận tiền mặt mà thông qua việc nhận thức ăn nuôi cá được Agribank trả tiền thay.

Khi cá nuôi đến định kỳ sẽ được bán cho Công ty Thuận An, công ty này sẽ thanh toán tiền cho người nuôi, sau khi trừ đi khoản tiền mua thức ăn mà các hộ dân đã nhận trong vụ nuôi do ngân hàng trả trước đó.

Người nuôi cá sau khi bán cá cho Thuận An xem như hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng 3 bên; trách nhiệm thu nợ còn lại là của Agribank An Giang đối với Thuận An... Agribank An Giang cũng là đơn vị có trách nhiệm giám sát dòng tiền từ khâu giải ngân đến thu nợ.

Trong 2 năm đầu, bà con nuôi cá tham gia dự án cho biết dự án cho đầu ra hiệu quả, tạo giá trị kinh tế cũng như thu nhập cho người nuôi cá tra trong vùng.

Nhưng từ tháng 11/2016, ông Nguyễn Thái Sơn và bà Nguyễn Thị Huệ Trinh đi Trung Quốc tham dự hội chợ nghề cá và mất liên lạc từ đó, để lại khoản nợ ngân hàng, nợ người nuôi cá tra với giá trị gần 1.000 tỷ đồng. Các hộ nuôi cá sau đó đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan quản lý nhờ can thiệp.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/khoan-no-hon-400-ty-cua-dai-gia-thuy-san-bo-tron-bi-ngan-hang-rao-ban-post1517874.html