Khoảng 7 triệu người Việt mắc đái tháo đường, cần đẩy mạnh khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh
Trong số khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường ở nước ta, các chuyên gia cho hay có gần 2 triệu người chưa biết mình mắc bệnh, do chưa được chẩn đoán chính thức, khiến họ không được điều trị kịp thời. Do đó, việc khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh đái tháo đường rất cần thiết với cộng đồng.
Hôm nay - 14/12, tại Trạm Y tế xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, Hà Nội đã diễn ra chương trình khám sàng lọc, phát hiện sớm, tư vấn miễn phí bệnh đái tháo đường và tặng quà cho hơn 200 người dân trên địa bàn.
Hoạt động này nhằm góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân; đồng thời giúp người dân phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh đái tháo đường.
Tham gia chương trình, người dân đã được đo chiều cao cân nặng, đo huyết áp, test tiểu đường và cuối cùng sẽ được bác sĩ tư vấn về vấn đề sức khỏe, thói quen sinh hoạt cũng như chế độ ăn uống để người dân có kiến thức từ đó chăm sóc sức khỏe cho bản thân ngày càng tốt hơn.
Phát biểu tại chương trình, bà Hoàng Thị Khánh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương cho biết, ngoài triển khai các nhiệm vụ truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân, công tác chỉ đạo tuyến nâng cao kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế cơ sở, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương rất quan tâm đến hoạt động thiện nguyện với mong muốn đóng góp chia sẻ với cộng đồng về chăm sóc sức khỏe chủ động ban đầu cho bà con ở địa phương, nơi người dân ít có cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao.
Theo Phó Giám đốc Hoàng Thị Khánh Phương, chương trình khám sàng lọc, phát hiện sớm và tư vấn đái tháo đường hôm nay là một trong 6 hoạt động thiện nguyện tại 6 tỉnh mà Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương đã phối hợp với Công ty TNHH Care For Việt Nam thực hiện trong năm 2024 như Lào Cai, Nghệ An.. và trạm cuối cùng là Ứng Hòa, Hà Nội.
Trong quá trình khám miễn phí cho người dân cho thấy, nhiều người dân vẫn còn chủ quan, không có thói quen khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc bệnh.
Ông Đặng Anh Tuân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa cho biết, hiện nay, Phòng khám đa khoa khu vực Đồng Tân, Lưu Hoàng, trạm Y tế các xã, thị trấn trực thuộc Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa đang quản lý, lập hồ sơ bệnh án và điều trị, cấp thuốc cho hơn 7.500 người mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường.
Trong đó, có gần 1.000 bệnh án bệnh đái tháo đường. Các loại thuốc cấp cho người bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa đã tương đương với Bệnh viện đa khoa Vân Đình, các bệnh viện tuyến thành phố. Đối với Trạm Y tế xã Viên Nội hiện đang quản lý và điều trị cho 180 bệnh nhân tăng huyết áp, 80 bệnh nhân đái tháo đường.
Tại chương trình, sau khi khám xong và có kết quả, bà con sẽ được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa tư vấn về chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể dục, lợi ích của việc khám sức khỏe định kỳ để phòng, phát hiện sớm, điều trị sớm nhằm kiểm soát bệnh... từ đó, giúp người dân có hướng điều chỉnh, thay đổi lối sống, cách sinh hoạt cho phù hợp với tình trạng sức khỏe nhằm giảm các yếu tố nguy cơ, hạn chế tử vong do tăng huyết áp và đái tháo đường.
"Để phòng bệnh đái tháo đường, các ông, các bà, các bác cần duy trì thói quen sinh hoạt tập luyện thể dục, thể thao đều đặn; giữ cho tinh thần thật sự thoải mái; chế độ ăn uống, sinh hoạt điều chỉnh hợp lý, khoa học như không uống nhiều nước ngọt, giảm tinh bột… Đặc biệt, nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, tham gia các đợt khám sàng lọc tại cơ sở để tầm soát bệnh bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân"- ông Đặng Anh Tuân chia sẻ.
Đái tháo đường là bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới, đang gia tăng nhanh chóng và ngày càng trẻ hóa. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường nằm trong khoảng 6-7%, nghĩa là khoảng 7 triệu người đang sống với bệnh này.
Trong số khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường ở nước ta, các chuyên gia cho hay có gần 2 triệu người chưa biết mình mắc bệnh, do chưa được chẩn đoán chính thức, khiến họ không được điều trị kịp thời. Hệ quả là các biến chứng nghiêm trọng của bệnh như bệnh tim mạch, suy thận, và tổn thương thần kinh tiếp tục âm thầm gây hại cho sức khỏe của hàng triệu người dân.