Khoảnh khắc đáng nhớ với Giáo sư Trần Văn Khê

Vừa kết thúc triển lãm ảnh Việt Nam tôi yêu tại TP.HCM, bà Armelle Warnery - phu nhân Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicola Warnery, tiếp tục có một hoạt động ý nghĩa khác, đó là trao tặng bức ảnh chân dung Giáo sư (GS) Trần Văn Khê cho Quỹ học bổng Trần Văn Khê. Bức ảnh được trao tặng vào ngày 19.6 sẽ được bán đấu giá trong thời gian tới nhằm phục vụ cho việc đóng góp vào nguồn học bổng của Quỹ.

Cũng hiếm có phu nhân quan chức ngoại giao nào được như Armelle, làm phu nhân Tổng lãnh sự và phu nhân Đại sứ trong cùng một đất nước: Việt Nam. Lần đầu là từ năm 2004 - 2007, Armelle theo chồng đến Việt Nam khi ông được bổ nhiệm Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM. 12 năm sau, khi chồng được bổ nhiệm làm Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, Armelle lại cùng các con quay lại đất nước bên bờ Biển Đông, lần này cả nhà sống ở Hà Nội.

Là người say mê chụp ảnh, Armelle hé lộ: “Có hai vật dụng tôi chưa bao giờ quên mang theo bên mình, đó là điện thoại và máy ảnh”. Trong tổng cộng 8 năm sống tại Việt Nam, đã có hàng chục ngàn bức ảnh được Armelle chụp lại trong hành trình rong ruổi qua rất nhiều vùng đất mà bà tự nhận đã khiến bà rung động. Mỗi chuyến đi là một khám phá đầy thú vị về xứ sở và con người Việt Nam thân thiện, độc đáo.

Trong những con người ấy, có người đã trở thành bạn thân thiết của bà từ rất nhiều năm qua: đạo diễn, nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng. Cũng chính qua bà Xuân Phượng mà Armelle đã được nghe kể về một trong những người bạn tài hoa của bà, đó là GS. Trần Văn Khê.

Phu nhân đại sứ Pháp Armelle DG và đạo diễn, nhà văn Xuân Phượng - người kết nối cuộc gặp đặc biệt với Quỹ học bổng Trần Văn Khê. Ảnh: Hoàng Thế nhiệm

Khi biết ở TP.HCM đã thành lập Quỹ học bổng Trần Văn Khê từ năm 2021, Armelle liền khoe bà có chụp được một số bức ảnh GS. Trần Văn Khê trong một cuộc tiếp tân tại Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM, do chồng bà tổ chức vào ngày 29.3.2007. Đó là những bức ảnh quý giá ghi lại những khoảnh khắc mà bà Armelle mô tả “không thể nào quên trong đời”.

Vì có mối liên hệ đặc biệt với Quỹ học bổng Trần Văn Khê, và vì biết Quỹ Trần Văn Khê sắp tổ chức trao tặng Giải thưởng và Học bổng Trần Văn Khê lần thứ nhất vào dịp kỷ niệm 102 năm ngày sinh GS. Trần Văn Khê (24.7), tạp chí Người Đô Thị đã ngỏ ý thực hiện cuộc trò chuyện với Armelle DG (tên thân mật bà thường dùng) thông qua sự kết nối đặc biệt của đạo diễn, nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng.

Bà có thể chia sẻ về cơ duyên để chụp những bức ảnh chân dung GS. Trần Văn Khê?

Tôi chọn hai bức chân dung chụp ông Trần Văn Khê và sẽ gửi các bức ảnh khác của ông cùng các nghệ sĩ chơi nhạc trong sự kiện để tặng Quỹ học bổng Trần Văn Khê. Những bức ảnh này tôi chụp trong một tiệc chiêu đãi lớn tại Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM vào ngày 29.3.2007. Dịp đó, chúng tôi mời GS. Trần Văn Khê đến giới thiệu âm nhạc Việt Nam dành cho những người Việt Nam, người nước ngoài, yêu thích và quan tâm đến âm nhạc Việt Nam.

Giáo sư đã đón tiếp rất nhiều người hâm mộ, ông đã chia sẻ hành trình từ Nam ra Bắc, từ Đông sang Tây của mình, chia sẻ về việc làm thế nào để định hình, xác định được nguồn gốc và những đặc thù của âm nhạc Việt Nam. Phần trình bày và diễn xướng minh họa của ông rất đặc biệt. Ông không chỉ nói, hát, đàn mà còn dùng ngôn ngữ cơ thể, vỗ tay, vỗ lên ngực, lên chân để diễn tả âm thanh, âm điệu đặc biệt của âm nhạc Việt Nam. Cuộc nói chuyện ấy vô cùng ma mị, thần kỳ, làm cho những ai tham dự đều không thể nào quên.

Khoảnh khắc xúc động khi con gái 7 tuổi của bà Armelle DG mặc áo dài bước đến cúi chào ông Khê, ngay sau khi GS. Trần Văn Khê giới thiệu âm nhạc Việt Nam trong tiệc chiêu đãi lớn tại Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM ngày 29.3.2007. Ảnh: Armelle DG

Khoảnh khắc xúc động khi con gái 7 tuổi của bà Armelle DG mặc áo dài bước đến cúi chào ông Khê, ngay sau khi GS. Trần Văn Khê giới thiệu âm nhạc Việt Nam trong tiệc chiêu đãi lớn tại Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM ngày 29.3.2007. Ảnh: Armelle DG

Sự kiện đó, hai con gái tôi có tham gia. Khi cô con gái 7 tuổi của tôi mặc áo dài bước lại chào ông, tôi vô cùng cảm động khi thấy ông Khê dù tuổi đã cao, ngồi xe lăn nhưng vẫn có khả năng truyền cảm xúc đến con gái tôi. Khoảnh khắc truyền cảm ấy đẹp lạ kỳ đến nỗi người phụ tá của ông lúc đó chứng kiến cũng há mồm kinh ngạc và không thốt nên lời.

Đến hôm nay, khi nhớ về giây phút đó, tôi cảm thấy mọi thứ như mới diễn ra hôm qua, khoảnh khắc đó còn nguyên vẹn, rất rõ ràng. Và không chỉ tôi, tất cả mọi người đều rất xúc động vì sự xuất hiện và thần thái của ông Khê trong ngày hôm đó. Một con người, bên cạnh năng khiếu bẩm sinh, phải có một tinh thần yêu quý đặc biệt nền văn hóa của dân tộc mình như thế nào mới có sự truyền cảm lớn như vậy.

Bức ảnh chụp từ năm 2007, tại sao bà lại chọn thời điểm này để trao tặng bức chân dung cho Quỹ Trần Văn Khê?

Vợ chồng tôi đang ở trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ ngoại giao thứ hai tại Việt Nam. Tôi có duyên may vừa tổ chức được một triển lãm ảnh cá nhân mang tên Việt Nam tôi yêu. Bà Phượng có hỏi tôi rằng, khi rời Việt Nam, đâu sẽ là những giây phút thần kỳ, khó quên nhất trong các bức ảnh tôi đã chụp. Thật khó nói khi tôi có đến 50.000 bức ảnh về Việt Nam.

Bà Armelle DG ký tên lên ảnh chân dung GS. Trần Văn Khê (bà chụp năm 2007), sẽ được bán đấu giá để đóng góp vào Quỹ học bổng Trần Văn Khê. Ảnh: Hoàng Thế nhiệm

Tôi phải tìm trong số ảnh ấy, cùng sự giúp đỡ của nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm để có được 70 bức ảnh chứa đựng những giây phút đặc biệt nhất để gửi đến người xem. Trong lúc tìm kiếm và lựa chọn ảnh cho cuộc triển lãm, tôi sống lại khoảnh khắc sững sờ khi chứng kiến buổi trình diễn âm nhạc của GS. Trần Văn Khê. Ông quả thật là con người có khả năng truyền cảm rất lớn, có thể chia sẻ những gì mình đã học, đã cảm thụ đến rất nhiều người bằng cách vô cùng đặc biệt.

Là một người rong ruổi khắp đất nước Việt Nam, tìm hiểu văn hóa, đời sống, con người Việt Nam, khi cầm máy chụp ảnh, bà thường lựa chọn khoảnh khắc nào?

Khi chụp ảnh chân dung, tôi chọn khoảnh khắc giao cảm giữa nhân vật và tôi - người chụp hình. Cái nhìn giao cảm là điều tôi quan trọng nhất. Tôi cảm ơn ông Trần Văn Khê vì chính ông đã truyền cảm cho chúng tôi sự am hiểu, cảm thụ âm nhạc. Và chắc chắn, không riêng gì chúng tôi, mà còn là tất cả những người, những sinh viên nơi ông đã đi trình diễn, giảng dạy qua đều có cảm xúc đó.

Bà vừa có triển lãm ảnh Việt Nam tôi yêu, bà có thể chia sẻ một chút về triển lãm này?

Tôi vô cùng cảm ơn ông Hoàng Thế Nhiệm, bà Nguyễn Thị Xuân Phượng, anh Nguyễn Đình, Sĩ Nguyễn đã giúp tôi thực hiện một giấc mơ từ thời trẻ là làm cuộc triển lãm ở đất nước mà tôi vô cùng yêu quý.

Tôi chụp ảnh nhiều vì muốn ghi lại những giây phút đặc biệt tôi đã tận hưởng khi tôi sống ở Việt Nam. Tôi mong muốn những người nước ngoài hiểu hơn về đất nước này thông qua những bức ảnh tôi đã chụp. Tôi cũng muốn những bức ảnh của mình có được cuộc sống riêng, không còn là sở hữu của riêng tôi.

Để những bức ảnh đến được với mọi người, điều đó không phải là dễ dàng. Đó là công sức của rất nhiều người, không phải của riêng tôi.

Tôi cảm ơn những người đã cho tôi chụp ảnh họ, bởi vì trên thế giới này, có rất nhiều người không cho ai chụp hình. Không chỉ với bức ảnh Trần Văn Khê mà với các nhân vật khác, tôi chụp ảnh với tinh thần vừa tôn kính, yêu mến và hiểu biết nhân vật. Các bức ảnh - đó không phải là công lao của một mình tôi mà là của cả hai phía.

Bà Armelle DG tại cuộc gặp Quỹ học bổng Trần Văn Khê để trao tặng ảnh chân dung GS. Trần Văn Khê, ngày 19.6 tại TP.HCM. Ảnh: Trung Dũng

Là phu nhân Đại sứ Pháp, đến Việt Nam và sẽ rời Việt Nam, cảm xúc của bà ngày mới đến và sau những năm gắn bó khác nhau ra sao?

Tôi có may mắn trở lại Việt Nam hai lần với tư cách phu nhân quan chức ngoại giao. Nhờ những ngày rong ruổi khắp các miền đất nước này, tôi hiểu được vài khía cạnh trong tâm hồn người Việt Nam. Tôi vô cùng biết ơn đất nước này.

Tôi cũng xin chúc cho Quỹ Trần Văn Khê đạt được tâm nguyện của GS. Trần Văn Khê, đồng thời tôi tin Quỹ sẽ có một sự tồn tại dài lâu.

Trâm Anh thực hiện

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/khoanh-khac-dang-nho-voi-giao-su-tran-van-khe-40056.html