Khóc với 'khí cười'
Mới đây, Công an TP Hà Nội đã triệt phá đường dây nhập lậu 'khí cười' N20 (nitơ oxit) cực lớn với hàng nghìn tấn. Thử tưởng tượng, số lượng 'khí cười' này đến tay thanh thiếu niên thì hiểm họa đầu độc họ sẽ lớn đến mức nào.
Lâu nay, cơ quan chức năng đã liên tục triệt phá các vụ việc liên quan đến “khí cười”, “bóng cười” nhưng chưa có vụ việc nào lớn như vụ nói trên, có khi nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.
Vụ việc đang được xử lý bằng pháp luật hình sự. Dư luận mong rằng việc xử lý phải nghiêm khắc ở mức cao nhất của khung bậc, không chỉ đối với những kẻ trực tiếp nhập lậu, mà cả với những người phân phối, kinh doanh loại khí độc này.
“Khí cười” là gì mà các bạn trẻ sử dụng để giải trí? Các chuyên gia y tế cho biết, đây là loại khí có được dùng trong y học để giúp bệnh nhân thư giãn khi nhổ răng chẳng hạn, giúp giảm đau trong chấn thương thể thao... Nó gây ra cảm giác lâng lâng, gây thích thú cho người hít. Tuy nhiên nó có vô số tác dụng gây hại: ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hệ tim mạch, gây thiếu oxy máu và có thể dẫn đến đột quỵ.
Cơ chế gây tác hại đến cơ thể của “khí cười” đang ngày càng được nghiên cứu sâu thêm và cho những kết quả rất đáng lo ngại.
Tờ báo hàng đầu của Đức là DW dẫn nghiên cứu cho biết: N2O nếu dùng thường xuyên dẫn đến biến chứng thần kinh, gây suy nhược hệ thần kinh, mất thăng bằng...
Nhưng tại sao giới trẻ lại thích hít “khí cười”? Ngoài việc gây cảm giác thư giãn, lâng lâng như đã nói ở trên, nghiên cứu gần đầy của các chuyên gia y tế quốc tế cảnh báo: khí N2O có thể gây nghiện.
Tuy đây còn là phát hiện khá mới cần nghiên cứu thêm, nhưng là cảnh báo rất quan trọng, vì khi “khí cười” gây nghiện thì sẽ tạo ra một lớp người ngày càng đông sử dụng chất hóa học này và tạo ra một thị trường với lợi nhuận ngày càng khổng lồ, khiến những kẻ buôn bán nó liều lĩnh hơn, tàn bạo hơn.
Đây là tình hình chung trên thế giới. Ở Anh, một báo cáo năm 2020 cho biết, nitơ oxit đứng thứ hai trong danh sách các loại thuốc giải trí được sử dụng phổ biến nhất ở những người từ 16 đến 24 tuổi.
Ở các quốc gia châu Âu khác và Mỹ cũng có thống kê cho thấy số lượng N2O đang tăng lên...
Nói như vậy để thấy, việc sử dụng “khí cười” như là bệnh dịch, nếu không khống chế thì sẽ ngày càng lan rộng. Đặc biệt, nếu “khí cười” đúng là chất gây nghiện, mức độ lan tỏa của nó sẽ tăng gấp bội.
Việc buôn bán, nhập khẩu N20 lậu đã bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, hiện khí N2O vẫn chưa được đưa vào danh mục hóa chất cấm sử dụng của Bộ Y tế, cũng chưa bị coi là tiền chất ma túy, ma túy. Do đó, người sử dụng N2O chưa bị coi là vi phạm pháp luật.
Phải chăng đây là lỗ hổng, khiến giới trẻ “mạnh dạn” sử dụng “khí cười” và phụ huynh chưa quyết liệt răn đe, cảnh báo họ?
Để ngăn chặn việc sử dụng “khí cười” cần có những nghiên cứu, nhìn nhận rõ tác hại khi sử dụng nó, từ đó có đề xuất nhằm luật hóa việc sử dụng hóa chất này, theo hướng cấm dùng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, để bảo vệ sức khỏe cả về thể xác lẫn tâm thần ở thanh thiếu niên.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khoc-voi-khi-cuoi.html