Khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ về quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai

Đây là nội dung chính được đưa ra trong buổi Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Tránh thai Thế giới 26/9/2024 do Cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp với Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Kế hoạch hóa gia đình vẫn là nội dung quan trọng của công tác dân số

Phát biểu khai mạc Lễ mít tinh, ThS.BS Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số cho biết, giai đoạn 2015-2019, mỗi năm trên thế giới có 121 triệu ca mang thai ngoài ý muốn, trong số đó 61% được giải quyết bằng phá thai, tương đương với 73 triệu ca phá thai mỗi năm, ước tính có khoảng 45% số ca phá thai không an toàn.

ThS.BS Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số phát biểu khai mạc Lễ mít tinh

ThS.BS Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số phát biểu khai mạc Lễ mít tinh

Năm 2024, có 4,7 triệu trẻ sơ sinh, tương đương khoảng 3,5% tổng số trẻ sơ sinh trên toàn thế giới được sinh ra từ các bà mẹ dưới 18 tuổi và khoảng 340.000 trẻ được sinh ra từ các bé gái dưới 15 tuổi - gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và hạnh phúc của cả bà mẹ trẻ và những đứa trẻ.

Từ thực tế trên cho thấy việc được tiếp cận các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản là rất quan trọng đối với sức khỏe của phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới, giúp ngăn ngừa tử vong mẹ cũng như là giảm mang thai ngoài ý muốn.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) khoảng 25 triệu người, dự báo số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn tiếp tục gia tăng, nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng.

Các đại biểu tham dự lễ mít tinh

Các đại biểu tham dự lễ mít tinh

Ông Lê Thanh Dũng cho biết, mặc dù chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đã từng bước được cải thiện, tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề cần quan tâm. Báo cáo kết quả điều tra các mục tiêu Phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 cho thấy: Tổng nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình không giảm mà tiếp tục tăng cao, từ 6,1% (năm 2014) lên 10,2% (năm 2021) ở nhóm phụ nữ hiện đã kết hôn hoặc sống chung, đặc biệt tỷ lệ này ở nhóm phụ nữ có quan hệ tình dục, hiện chưa kết hôn hoặc không sống chung như vợ chồng lên tới 40,7%.

Tỉ suất sinh con ở vị thành niên (từ 15-19 tuổi) vẫn còn cao, trên toàn quốc là 42 trẻ sinh ra sống/1000 phụ nữ, cao nhất ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc (115) và Tây Nguyên (76), nơi tập trung đông các dân tộc thiểu số.

Vì vậy, theo người đứng đầu ngành Dân số, trong thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về kế hoạch hóa gia đình vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số.

Nâng cao nhận thức của vị thành niên về quan hệ tình dục an toàn, tránh mang thai ngoài ý muốn

Tại Lễ mít tinh, PGS.TS Phạm Bá Nhất, Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam cho biết, vào những năm đầu Thế kỷ 21, kết quả các cuộc khảo sát đa quốc gia về thái độ của giới trẻ trong quan hệ tình dục tại Châu Âu cho thấy mức độ đáng báo động về quan hệ tình dục không được bảo vệ cũng như kiến thức, hiểu biết về các biện pháp tránh thai còn thiếu hụt trong giới trẻ.

PGS.TS Phạm Bá Nhất, Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam phát biểu tại lễ mít tinh

PGS.TS Phạm Bá Nhất, Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam phát biểu tại lễ mít tinh

Điều đó dẫn đến hàng năm có tới 1/3 trong số 205 triệu trường hợp mang thai trên thế giới là mang thai ngoài ý muốn; 36% độ tuổi vị thành niên cho biết có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ, trong khi tỷ lệ bệnh lây truyền qua đường tình dục cao nhất ở độ tuổi dưới 25.

Theo đó, Ngày Tránh thai Thế giới 26/9 có ý nghĩa như một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ về quan hệ tình dục an toàn, chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ chủ động về hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.

Tại Việt Nam, chủ đề của Ngày Tránh thai Thế giới 26/9 năm 2024 đó là "Giới trẻ hãy có trách nhiệm trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai vì hạnh phúc của chính mình, vì tương lai của đất nước". Chủ đề nhằm khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ về quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai vì lợi ích và hạnh phúc của chính mình.

Theo các chuyên gia, việc chủ động phòng tránh thai sẽ đem lại các lợi ích như chủ động trong việc sinh con, thời gian sinh, khoảng cách sinh và số con, đảm bảo mỗi đứa trẻ sinh ra đều là mong đợi của cha mẹ và cha mẹ đã sẵn sàng để nuôi dạy chúng; Tránh được những tai biến sản khoa, nhất là ở trẻ vị thành niên và tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng cuộc sống, không sinh quá nhiều con để có điều kiện chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn, nâng cao đời sống, kinh tế của mỗi gia đình.

Lãnh đạo Cục Dân số tặng hoa cảm ơn các đối tác

Lãnh đạo Cục Dân số tặng hoa cảm ơn các đối tác

Hướng đến mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại

Theo ông Lê Thanh Dũng, Nghị quyết số 21-NQ/TW, Hội nghị lần thứ Sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới chỉ rõ "Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển", không có nghĩa là sẽ không thực hiện kế hoạch hóa gia đình mà vẫn tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa để đạt được mục tiêu của Nghị quyết 21 đề ra "Mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng sinh viên tại sự kiện

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng sinh viên tại sự kiện

Để góp phần thực hiện các mục tiêu này, tại buổi mít tinh, người đứng đầu ngành Dân số cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp từng bước khắc phục tình trạng mang thai và sinh con ở trẻ vị thành niên; ưu tiên đẩy mạnh các đợt chiến dịch truyền thông cao điểm lồng ghép với cung dịch vụ về dân số, sức khỏe sinh sản thân thiện cho vị thành niên, thanh niên.

Bên cạnh đó, đảm bảo mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn được tiếp cận thông tin và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình thuận tiện, an toàn và có chất lượng; triển khai các hoạt động giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên phù hợp với từng lứa tuổi; đặc điểm, tình hình thực tế của mỗi địa phương.

Cùng với đó, cơ quan dân số các cấp cần nỗ lực hơn nữa, chủ động triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, hoàn thành các mục tiêu của các chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hạch hóa gia đình đến năm 2030 theo Quyết định số 1848/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…

Phát biểu tại Lễ mít tinh, ông Rodrigo Portugues, Giám đốc Quốc gia DKT Việt Nam cho biết, trong suốt 30 năm qua, DKT Việt Nam đã đạt được những cột mốc quan trọng trong việc thúc đẩy sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản tại Việt Nam. Riêng trong năm 2023, DKT đã giúp ngăn chặn khoảng 521.542 trường hợp mang thai ngoài ý muốn và ngăn ngừa khoảng 159.302 ca phá thai không an toàn.

Trong tương lai, mục tiêu chính của DKT Việt Nam là mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản chất lượng cao trên toàn quốc.

"Chúng tôi đặt mục tiêu tăng cường hợp tác với Chính phủ và các tổ chức địa phương để đảm bảo rằng các chương trình của chúng tôi mang tính toàn diện và phù hợp với văn hóa. Hơn nữa, chúng tôi cam kết tận dụng công nghệ để tăng cường nhận thức và khả năng tiếp cận, đặc biệt là đối với giới trẻ.

Bằng cách tập trung vào giáo dục và hợp tác, chúng tôi mong muốn tạo ra một môi trường công bằng hơn cho sức khỏe tình dục và sinh sản, đảm bảo rằng mỗi cá nhân đều có quyền tiếp cận các dịch vụ chăm sóc mà họ xứng đáng", ông Rodrigo Portugues nhấn mạnh.

Nguyễn Mai

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/khoi-day-trach-nhiem-cua-gioi-tre-ve-quan-he-tinh-duc-an-toan-va-chu-dong-tranh-thai-172240926152102125.htm