Khởi động giai đoạn 2 dự án 'Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho cộng đồng'
Ngày 29-11, thành phố Đồng Hới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình phối hợp với tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức hội thảo khởi động dự án 'Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho cộng đồng' giai đoạn 2 từ năm 2024 đến năm 2027.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 80 đại biểu đến từ UBND và các cơ quan, ban ngành liên quan thuộc hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, cùng đại diện Plan International Việt Nam.
Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với Biến đổi khí hậu cho cộng đồng” giai đoạn 2 được triển khai thực hiện từ năm 2024 tới năm 2027 trên địa bàn 10 xã thuộc các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) và Đakrông, Hướng Hóa, Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị). Với sự tài trợ của Quỹ Z Zurich (Tập đoàn bảo hiểm Zurich - Thụy Sĩ), sáng kiến tập trung nâng cao khả năng ứng phó với với biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương tại những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, đồng thời hỗ trợ chính quyền địa phương từ cấp xã tới cấp tỉnh tăng cường năng lực trong việc áp dụng luật pháp và chính sách ứng phó với các hiểm họa thiên nhiên và khí hậu. Đặc biệt, trẻ em và thanh niên được đặt vào vai trò trung tâm, trở thành những nhân tố tích cực trong quá trình xây dựng cộng đồng an toàn và bền vững hơn.
Trước đó, trong giai đoạn 1 từ năm 2021 đến 2024, dự án đã được triển khai đồng bộ ở 2 huyện Đakrông, Triệu Phong và thành phố Đông Hà thuộc tỉnh Quảng Trị, thu được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, đã có gần 64.000 người hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp được hưởng lợi từ dự án; 6 Đội xung kích cộng đồng tại 6 xã dự án đã được trang bị các kỹ năng sơ cấp cứu với sự tham gia của 360 thành viên thông qua 18 khóa đào tạo; 1.500 hộ gia đình đã tiếp cận được quỹ phòng ngừa thiên tai thông qua Tổ tiết kiệm vốn vay thôn bản tại 12 cộng đồng dự án; 3.000 người đã biết cách sơ tán khi lũ xảy ra thông qua việc tham gia các sự kiện nâng cao nhận thức; 1.550 hộ gia đình đã có thể tiếp cận được biển báo Hệ thống cảnh báo sớm được trang bị tại các cộng đồng; 6 kế hoạch phòng chống thiên tai cấp xã đã được lồng ghép vào Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thông qua định hướng và vận động được thực hiện trong khuôn khổ của dự án này.
Bà Migena Shulla, Giám đốc Quốc gia tổ chức Plan International Việt Nam nhấn mạnh: “Dự án không chỉ trang bị cho người dân những kiến thức và kỹ năng thiết yếu, mà còn trao quyền để họ tự tin ứng phó và giảm thiểu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Sáng kiến này đồng thời cũng phù hợp với tầm nhìn 2025–2027 của Plan International Việt Nam hướng đến việc trao quyền cho trẻ em gái, phụ nữ trẻ và thanh niên trở thành những động lực tích cực, thúc đẩy các giải pháp bền vững và hòa nhập, từ đó xây dựng nên các cộng đồng kiên cường và phát triển bền vững hơn”.