Khởi nghiệp xanh vẫn loay hoay tìm đường đi

Cùng với việc hình thành các trung tâm khởi nghiệp xanh, các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh mong muốn có cơ chế thử nghiệm cũng như nguồn vốn ưu đãi riêng cho lĩnh vực này.

Vốn ít, trẻ tuổi, non nghề… là những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp xanh (startup xanh) đang loay hoay và mong được hỗ trợ, tháo gỡ.

Loay hoay tìm đường

Khởi nghiệp trong lĩnh vực phát triển các sản phẩm thảo dược hữu cơ, ông Phạm Đức Sinh, nhà sáng lập Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh DSinh (Tuyên Quang) cho biết: "Khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp xanh còn khó trăm bề".

Nhà sáng lập DSinh chia sẻ, sau 2 năm thành lập, công ty vẫn đang vận hành với dòng vốn cá nhân. Điều này không phải là vì công ty “giàu” mà do không có khả năng tiếp cận các gói vay vốn dành cho khởi nghiệp.

Nguyên nhân là do ông Sinh chỉ chuyên về nghiên cứu, nên thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong việc lập hồ sơ dự án đáp ứng thủ tục vay vốn. Cùng với đó, các “slot” vốn cho khởi nghiệp còn ít. “Dù sản phẩm đang có doanh thu tốt, nhưng chúng tôi hiện chưa tăng sản lượng được bởi còn vướng trong vấn đề vốn để mở rộng diện tích vùng trồng” - ông Sinh chia sẻ.

Chưa kể, theo ông Sinh việc tìm một thị trường phù hợp cho sản phẩm thảo dược xanh không dễ, nhất là việc chinh phục lòng tin của người tiêu dùng.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Trà My, Nhà sáng lập thương hiệu sản phẩm thiên nhiên Trà My (Thừa Thiên Huế), người tiên phong đưa quả khế chua vào các sản phẩm tẩy rửa an toàn, dù được các đơn vị ban ngành đánh giá cao về sản phẩm, nhưng vẫn loay hoay với thị trường, vốn, giá bán.

 Trà My tích cực tham gia các hội thảo xanh để quảng bá sản phẩm tới khách hàng. ẢNH: THU HÀ

Trà My tích cực tham gia các hội thảo xanh để quảng bá sản phẩm tới khách hàng. ẢNH: THU HÀ

Lấy một ví dụ, bà My nói, một lít tinh dầu tràm hiện có giá 1,8 – 2 triệu đồng, để sử dụng pha vào các sản phẩm có tinh dầu thì cần ít nhất từ 10- 20 ml. Trong khi với các hương liệu tổng hợp, chỉ cần 1 ml đã đủ để ra mùi cho sản phẩm. Chính từ sự khác biệt này đã tạo ra rào cản về giá, thị trường, tâm lý tiêu dùng của khách hàng.

“Hiện chúng tôi đang tích cực tham gia các triển lãm và các cuộc thi về khởi nghiệp, với mong muốn lan tỏa hơn nữa sản phẩm tới người tiêu dùng”- bà My nói.

Ở góc độ đơn vị quản lý, bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp (BSSC) trực thuộc Thành đoàn TP.HCM cũng thừa nhận làm kinh tế với các startup đã khó, hướng đến startup xanh còn khó hơn, dù tiềm năng thị trường rất rộng mở.

Khó khăn đầu tiên bà Hằng cho biết đến từ chi phí đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh thường rất cao. Trong khi thời gian hoàn vốn lại kéo dài, gây khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Tiếp theo là thị trường tiêu thụ, khi người tiêu dùng chưa thực sự sẵn sàng chi trả mức giá cao hơn cho các sản phẩm xanh, cộng với sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm truyền thống.

“Sức sống và tiềm năng phát triển của các dự án khởi nghiệp xanh, nhất là tại TP.HCM đang khá tích cực. Điều này được thể hiện qua việc các startup đang ngày càng tăng mạnh tại thị trường TP.HCM. Đặc biệt, đội ngũ startup phần lớn là những người trẻ, có tư duy đổi mới sáng tạo, am hiểu công nghệ và định hướng phát triển bền vững rõ ràng”, bà Hằng nói.

Với xu hướng phát triển bền vững và chú trọng xây dựng sức mạnh cho thương hiệu có thể tạo ra tác động mãnh liệt như thay đổi thói quen, hành vi người tiêu dùng hướng đến lối sống và tiêu dùng bền vững.

Và chỉ khi có sự chuyển đổi hành vi tiêu dùng sâu và rộng, trọng tâm chiến lược phát triển bền vững mới được hiện thực hóa và việc chuyển đổi mới có tác động kinh tế cả theo chiều rộng và chiều sâu.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM

Cần đòn bẩy cho "xanh thực chiến"

Để vượt qua khó khăn, các startup cho rằng rất cần các “bà đỡ” đến từ tài chính xanh, thị trường xanh và giáo dục xanh...

"Là một nhà khởi nghiệp, tôi cần một cộng đồng khởi nghiệp xanh để có nơi học hỏi kinh nghiệm từ kiến thức xanh - tuần hoàn, thương hiệu, marketing cho tới các vấn đề về pháp lý, quản trị doanh nghiệp.

Cùng với đó, để giải quyết vấn đề về vốn, với các dự án đã có tính ổn định, rất cần các tổ chức, chính quyền làm cầu nối giới thiệu hoặc giúp đỡ các startup xanh tiếp cận các nguồn vốn xanh, nhất là nguồn vốn của các nhà đầu tư thiên thần. Đây cũng là cách để startup có thể tiếp cận các thị trường quốc tế"- bà Trà My nói.

Ở góc độ nhà quản lý, bà Nguyễn Thị Diệu Hằng nhìn nhận, khai thông cơ chế chính sách là điều cần làm để thúc đẩy khởi nghiệp.

“Về nguồn vốn, chúng tôi kiến nghị thành phố cần có cơ chế đặc thù để các startup dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi. Hiện nay, mặc dù đã có nhiều quỹ đầu tư và chương trình hỗ trợ, nhưng thủ tục vẫn còn khá phức tạp, điều kiện vay vốn còn nhiều rào cản. Đặc biệt với các startup xanh, do đặc thù cần thời gian dài để nghiên cứu và phát triển sản phẩm, cần có những chính sách ưu đãi về lãi suất và thời hạn vay phù hợp hơn.

 Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc BSSC. ẢNH: THU HÀ

Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc BSSC. ẢNH: THU HÀ

Về cơ chế chính sách, chúng tôi đề xuất cần có khung pháp lý rõ ràng và linh hoạt hơn cho các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ xanh. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép, tạo cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh doanh mới (sandbox) sẽ giúp startup tập trung nhiều hơn vào phát triển sản phẩm và thị trường.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó tăng cường kết nối giữa các startup với viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp lớn. Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi về thuế, phí để khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh và sử dụng sản phẩm, dịch vụ từ các startup xanh"- bà Hằng đề xuất.

Startup xanh không nên là phong trào

Chia sẻ kinh nghiệm sau 7 năm khởi nghiệp thành công với các dòng sản phẩm hóa - mỹ phẩm từ thiên nhiên, ông Trần Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Natural House cho hay, kinh doanh kiếm tiền thôi là chưa đủ, mà cần tính toán đường dài trong việc đảm bảo cân bằng giữa môi trường và xã hội.

 Ông Trần Lâm tại vùng nguyên liệu sả trồng được theo hướng tự nhiên. ẢNH: THU HÀ

Ông Trần Lâm tại vùng nguyên liệu sả trồng được theo hướng tự nhiên. ẢNH: THU HÀ

"Tôi cho rằng, những thách thức đến từ vấn đề văn hóa - xã hội, khí hậu... không chỉ đe dọa sự phát triển kinh tế, mà còn làm suy yếu các cộng đồng xã hội. Với việc phát triển bền vững là chiến lược kinh doanh đem lại lợi nhuận lâu dài, chứ không đơn giản là một yêu cầu đạo đức thuần túy"- ông Lâm nói.

Theo đó, tính tới 6 tháng đầu, chỉ với thương hiệu Julyhouse, doanh thu của ông Lâm đã tăng trưởng 237% so với cùng kỳ năm 2023. Nỗ lực này được cho là đến từ việc định hướng theo mô hình ESG, từ sản xuất xanh, đầu tư vào nông trại, nhà máy sản xuất tới việc chia sẻ 20% cổ phần cho nhân viên, tạo ra một vòng tròn liên kết bền vững.

Tương tự, ông Phạm Đình Ngãi, Nhà sáng lập Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) với các sản phẩm mật hoa dừa hữu cơ cũng trải qua những bước đầu chập chững, để tới nay sản phẩm của anh đã chinh phục thành công thị trường quốc tế. Đơn cử như nước như Nhật Bản, Mỹ, Đức, Hà Lan..

Ông Ngãi chia sẻ, làm hữu cơ chưa bao giờ hết tiềm năng, bởi đây là xu thế tiêu dùng đang được đón nhận rộng rãi trên thế giới. Dù vậy, để sống sót trên thị trường phải coi khó khăn là "gia vị" cho khởi nghiệp, và phải kiên trì. Đặc biệt cần chú trọng đến yếu tố chất lượng sản phẩm, và tính truyền thông cộng đồng.

Đồng tình và bày tỏ thêm, bà Nguyễn Thị Diệu Hằng nhấn mạnh, không nên xem startup xanh như một phong trào nhất thời, mà cần được định hướng như một chiến lược phát triển dài hạn và bền vững.

"Qua quá trình làm việc và hỗ trợ nhiều startup, tôi nhận thấy các startup xanh cần xây dựng nền tảng vững chắc dựa trên nhiều yếu tố. Ví dụ, các startup cần có một sản phẩm, dịch vụ tốt, giúp giải quyết các vấn đề môi trường - xã hội cụ thể, thay vì chỉ đơn thuần theo đuổi xu hướng; cần chú trọng việc xây dựng mạng lưới đối tác và kết nối với cộng đồng, vì điều này không chỉ giúp tăng cường nguồn lực mà còn tạo ra tác động tích cực lan tỏa trong xã hội.

Việc hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp lớn sẽ giúp startup tiếp cận được nhiều cơ hội phát triển hơn", bà Hằng nhấn mạnh.

Nâng cao nhận thức xanh

Theo bà Nguyễn Phi Vân, Cố vấn cho đề án 844 về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, đồng thời Chủ tịch Mạng lưới đầu tư thiên thần Đông Nam Á, các doanh nghiệp startup khi gọi vốn phải tìm hiểu mình cần nhà đầu tư tài chính hay là nhà đầu tư về nguồn lực để từ đó xác định đúng nguồn tiền kêu gọi. Đồng thời các nhà khởi nghiệp xanh cũng có thể tìm hiểu các nguồn quỹ từ các quỹ carbon quốc tế.

THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/khoi-nghiep-xanh-van-loay-hoay-tim-duong-di-post821785.html