Khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Đồng Nai
Năm 2024 là năm câu chuyện trùng tu, tôn tạo, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị di sản Biên Hòa - Đồng Nai được đặc biệt quan tâm trên các diễn đàn.
Đây cũng là năm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Đồng Nai được ban hành nhằm phục hồi diện mạo cho di tích, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử của người dân và du khách.
Phục hồi diện mạo cho di tích…
Đồng Nai đang đứng trước nhiều thời cơ và điều kiện thuận lợi cho việc phát triển di sản, đặc biệt từ sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 12 ngày 12-12-2023 và Kế hoạch số 80 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 12 về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Đồng Nai một cách toàn diện.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 160/KH-UBND tỉnh ngày 6-5-2024 về tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2028 với tổng kinh phí thực hiện 331,5 tỷ đồng, nhằm bảo tồn các di tích đang bị xuống cấp. Trên cơ sở kế hoạch, các ngành, địa phương, đơn vị được phân cấp quản lý di tích đã chủ động nghiên cứu, cân đối dự toán, thực hiện tu bổ, tôn tạo các di tích đảm bảo các quy định tại Luật Di sản văn hóa và các quy định của pháp luật có liên quan.
Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn cho biết, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện tương đối tốt, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đơn vị, địa phương. Tỉnh bố trí nguồn kinh phí lớn để thực hiện trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích. Tuy nhiên, để thực hiện được các kế hoạch cần phải qua nhiều bước và bảo tàng cũng như các đơn vị, địa phương đang nỗ lực để bảo vệ, phát huy giá trị di sản.
Chỉ tính riêng năm 2024, ngoài các di tích đã được trùng tu, tôn tạo, tu bổ, phục hồi như: Đền thờ Nguyễn Tri Phương, Nhà hội Bình Trước, Văn miếu Trấn Biên, Đình Phước Lộc, Đình Phước Nguyên, nhiều di tích đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương và đang được triển khai hồ sơ dự án từ nguồn ngân sách. Cụ thể như: Di tích Lăng mộ Trịnh Hoài Đức, thành phố Biên Hòa (tổng mức đầu tư dự án đề nghị được điều chỉnh trên 141 tỷ đồng); Di tích Địa đạo Suối Linh, huyện Vĩnh Cửu (hơn 455 triệu đồng) và Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, huyện Tân Phú (trên 7 tỷ đồng).
Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai NGUYỄN VIỆT SƠN cho biết: “Nhân Ngày Di sản Việt Nam 23-11, Bảo tàng Đồng Nai chuẩn bị thực hiện 2 triển lãm gồm: Triển lãm Gốm tại bảo tàng (diễn ra từ ngày 29-11) và Triển lãm Cồng chiêng tại Văn miếu Trấn Biên (diễn ra vào đầu tháng 12). Bên cạnh đó, bảo tàng xuất bản tập san thông tin khoa học về di sản; thực hiện tour tham quan 360 thực tế ảo Di tích quốc gia Đền thờ, mộ Nguyễn Hữu Cảnh và Lễ hội Làm chay ở miếu Tổ Sư, thành phố Biên Hòa”.
Đẩy mạnh xã hội hóa và giáo dục di sản
Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Hồng Ân cho hay, đối với các di tích lịch sử cách mạng, để trùng tu, tôn tạo thường sử dụng nguồn ngân sách, bởi các di tích này xã hội hóa rất khó. Đối với các di tích liên quan đến tín ngưỡng (đình, chùa, miếu), ban trị sự các di tích làm rất tốt công tác xã hội hóa. Nổi bật như chùa Ông, miếu Tổ Sư (thành phố Biên Hòa), đình Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch), Đền thờ Trần Hưng Đạo (huyện Long Thành)… Xã hội hóa sẽ góp phần cùng với Nhà nước giữ gìn và kéo dài tuổi thọ của di tích, phát triển du lịch.
Cùng với công tác bảo tồn, trùng tu và tôn tạo di tích, câu chuyện phát huy giá trị di sản văn hóa cũng được các ngành, địa phương quan tâm. Không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống để phát huy giá trị di sản, mà các địa phương đã tổ chức nhiều chương trình về nguồn, các hội thi tìm hiểu giá trị di sản vật thể, phi vật thể trong nhân dân, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên.
Theo Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao huyện Trảng Bom Tăng Thùy Phương Khánh, hàng năm, các di tích trên địa bàn huyện đón hàng chục ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Đặc biệt, địa phương tổ chức các đợt về nguồn cho học sinh tại di tích, cho các em tham gia những trò chơi tìm hiểu văn hóa, lịch sử, đố vui có thưởng xoay quanh các di tích, qua đó vgiáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay về các di sản.
Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, hiện thành phố có 29 di tích xếp hạng và trên 200 di tích phổ thông. Thời gian qua, thành phố đã phối hợp với các sở, ngành liên quan đưa ra các phương án bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn. Bên cạnh đó, thành phố cũng đặc biệt chú trọng công tác phát huy giá trị di sản cho học sinh thông qua Chương trình Nhịp cầu di sản, xây dựng mã QR tại di tích, về nguồn… Các hoạt động nhằm khơi dậy niềm hứng thú với lịch sử, văn hóa, thúc đẩy sự tham gia của học sinh vào việc bảo vệ di sản.