Khởi sắc các xã biên giới Sông Mã • Kỳ I: Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh

Triển khai Kế hoạch số 80/TU ngày 20/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, các xã biên giới của huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, đã và đang có những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Trung tâm xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã.

Trung tâm xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã.

Gian khó các xã vùng biên

Huyện Sông Mã có đường biên giới với nước bạn Lào dài 43,5 km, trải dài qua địa bàn 4 xã: Mường Sai, Chiềng Khương, Mường Hung và Mường Cai; với 75 bản; 6 dân tộc Thái, Mông, Kinh, Sinh Mun, Khơ Mú và Kháng cùng chung sống. Trình độ dân trí không đồng đều; hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ để phục vụ cho lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân. Tình hình tội phạm ma túy, vượt biên trái phép, di dịch cư tự do vẫn thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, công tác đối ngoại tại các xã biên giới của huyện. Thời điểm năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của 4 xã là 26,67%.

Chia sẻ với chúng tôi về những gian khó trên con đường phát triển của xã, ông Sộng Bả Nênh, Bí thư Đảng ủy xã Mường Cai, nói: Xã có 8/14 bản chưa có đường giao thông được cứng hóa, địa hình cách trở, khoảng cách di chuyển dài nên gặp nhiều khó khăn, nhất là trong mùa mưa. 6 bản chưa có sóng điện thoại và internet, việc thông tin, liên lạc, tuyên truyền, chuyển đổi số, kết nối cộng đồng còn hạn chế. Kinh tế nông, lâm nghiệp chiếm tỷ lệ cao, nhưng hiệu quả đạt thấp, chưa thích ứng được với biến đổi khí hậu, nhu cầu thị trường. Do vậy, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 36,17%; hộ cận nghèo chiếm 23,74%. Đặc biệt, trên địa bàn có 1 đối tượng liên quan đến hoạt động tuyên truyền lập “Nhà nước Mông”.

Khó khăn ở xã Mường Cai cũng là những khó khăn chung của 4 xã biên giới trên địa bàn. Trước thực tế đó, Đảng bộ huyện Sông Mã đã đề ra nhiều giải pháp phù hợp với từng địa phương, nhằm nâng cao mức sống cho nhân dân và ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội các xã vùng biên của huyện.

Nâng cao năng lực của cấp ủy, chính quyền

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy, chia sẻ: Một trong những nhiệm vụ chúng tôi chú trọng thực hiện, đó là củng cố nâng cao năng lực của cấp ủy, chính quyền các xã, bảo đảm phát huy tốt vai trò lãnh đạo nhân dân ở cơ sở trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chỉ đạo các xã triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 20/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở đảng bộ xã, phường, thị trấn gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Nhìn chung, hiện nay, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở 4 xã cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chủ tịch UBND huyện Sông Mã đối thoại với nhân dân xã Mường Hung.

Chủ tịch UBND huyện Sông Mã đối thoại với nhân dân xã Mường Hung.

Để nâng cao năng lực của cấp ủy, chính quyền 4 xã biên giới, Ban Thường vụ Huyện ủy đã rà soát và cử cán bộ lãnh đạo xã đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị. Đến nay, 100% số cán bộ lãnh đạo 4 xã có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên và 100% có trình độ trung cấp, cao cấp lý luận lý luận chính trị. Có 50% Bí thư Đảng ủy và 100% Chủ tịch UBND các xã không phải là người địa phương. Đối với cán bộ bản, lựa chọn những người có trình độ, nhiệt tình, trách nhiệm và theo hướng trẻ hóa.

Công tác phát triển đảng viên ở 4 xã biên giới được chú trọng cả về lượng và chất. Huyện ủy đã hướng dẫn Đảng bộ các xã rà soát nguồn đối tượng kết nạp đảng ở từng chi bộ để có kế hoạch bồi dưỡng đối tượng đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định. Hướng dẫn việc thẩm tra lý lịch, hoàn thiện thủ tục kết nạp đảng viên đúng quy định, quy trình, bảo đảm tiêu chuẩn và chất lượng để đề nghị kết nạp. Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể thường xuyên phát động phong trào thi đua, tạo môi trường cho đoàn viên, hội viên phấn đấu, rèn luyện… Với cách làm này, từ tháng 1/2018 đến tháng 9/2023, Đảng bộ các xã biên giới đã kết nạp được 316 đảng viên, nâng tổng số đảng viên của các xã biên giới lên 1.381 đảng viên. Hiện nay, 100% bản biên giới có chi bộ đảng bền vững (chi bộ có từ 5 đảng viên là người sở tại trở lên); 100% chi bộ có chi ủy.

Lãnh đạo Huyện ủy Sông Mã dự sinh hoạt với Chi bộ bản Tiên Chung, xã Mường Sai.

Lãnh đạo Huyện ủy Sông Mã dự sinh hoạt với Chi bộ bản Tiên Chung, xã Mường Sai.

Ông Cầm Văn Minh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mường Hung, cho biết: Đảng bộ xã có 33 chi bộ trực thuộc, với tổng số 531 đảng viên. Chúng tôi xác định, phát triển đảng viên là tăng thêm nguồn lực và nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở. Các chi bộ bản phối hợp với các đoàn thể, già làng, trưởng bản, người có uy tín của dòng họ để phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú có nguyện vọng phấn đấu trở thành đảng viên. Tạo điều kiện cho đối tượng Đảng tham gia các lớp học nâng cao trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đủ tiêu chuẩn giới thiệu kết nạp Đảng. Trong năm 2023, Đảng bộ đã kết nạp được 53 đảng viên.

Bên cạnh đó, Ban công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội các xã biên giới đã làm tốt công tác tập hợp, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, thống nhất và ổn định xã hội. Từ năm 2018 đến nay, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của các xã biên giới được cấp có thẩm quyền đánh giá xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Thế trận “lòng dân” vững chắc

Trong hành trình về các xã biên giới của huyện Sông Mã, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống nơi đây thật yên bình; nhân dân tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới. Đồng thời, tham gia đấu tranh với các loại tội phạm, giúp cấp ủy, chính quyền nắm bắt tình hình và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật.

Chị Vừ Me Nhịa, bản Háng Lìa, xã Mường Cai, cho hay: Tôi thường xuyên được tuyên truyền các chính sách pháp luật của Nhà nước về quy chế biên giới và các thỏa thuận biên giới giữa các bản giáp biên, nên tôi và gia đình thực hiện nghiêm các quy định. Khi phát hiện có trường hợp vi phạm, tôi báo ngay cho cán bộ bản, xã hoặc bộ đội biên phòng. Tôi mong muốn trên địa bàn không xảy ra các vụ vi phạm, an ninh trật tự được giữ vững để yên tâm lao động sản xuất, nâng cao mức sống.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương hướng dẫn nhân dân chăm sóc cây ăn quả.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương hướng dẫn nhân dân chăm sóc cây ăn quả.

Bên cạnh đó, các xã đều thành lập tổ công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn các bản biên giới. Có nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của hai Nhà nước. Phối hợp với huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) đấu tranh làm thất bại âm mưu, luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực thù địch và lực lượng phản động. Sử dụng hiệu quả mạng internet để phục vụ công tác tuyên truyền, như zalo, facebook. Thường xuyên phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”. Hiện nay, tại các xã biên giới duy trì hoạt động hiệu quả của 379 nhóm liên gia tự quản về an ninh trật tự; 75 tổ an ninh nhân dân; 75 tổ hòa giải; 75 tổ PCCC dân phòng; 3 mô hình cảm hóa giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi; 1 mô hình Camera an ninh, góp phần bảo đảm an ninh trật tự địa bàn.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Mường Cai và Đại Đội 212 (nước CHDCND Lào) tuần tra song phương trên tuyến biên giới.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Mường Cai và Đại Đội 212 (nước CHDCND Lào) tuần tra song phương trên tuyến biên giới.

Chúng tôi hẹn với Trung tá Lò Văn Tích, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương từ đầu giờ chiều, nhưng phải đến cuối giờ chiều anh mới từ đường biên trở về sau khi hoàn thành chuyến tuần tra đường biên giới cùng các lực lượng trong xã. Anh chia sẻ: Chúng tôi đã phối hợp với lực lượng dân quân, công an xã và các bản giáp biên giới tổ chức tuần tra bảo vệ đường biên, mốc quốc giới do đơn vị quản lý. CBCS còn thường xuyên về các bản giáp biên thực hiện “3 bám, 4 cùng”, giúp nhân dân phát triển kinh tế; thăm khám sức khỏe khi có người mắc bệnh, kết hợp tuyên truyền Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam... Đơn vị đã vận động xây dựng được từ 1-2 nhà đại đoàn kết/năm; vận động làm cầu qua suối, làm đường giao thông liên bản, xây dựng nhiều phòng lớp học cho các điểm trường. Từ những việc làm này, gắn kết thêm tình quân - dân bền chặt.

Hệ thống chính trị vững mạnh đã làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, xã hội; lãnh thổ quốc gia được bảo vệ vững chắc từ lòng dân. Đây là những điều kiện quan trọng để nhân dân 4 xã biên giới của huyện Sông Mã vững bước trên con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

(Còn nữa)

Hồng Luận, Huyền Trăng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/phong-su/khoi-sac-cac-xa-bien-gioi-song-ma-ky-i-xay-dung-he-thong-chinh-tri-vung-manh-fKGgG7dSg.html