Không để khủng hoảng nhân lực y tế

Theo Báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam, tính từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022, có 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc.

Nguyên nhân là do thu nhập thấp; một số đơn vị sự nghiệp y tế được giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên nhưng do giá dịch vụ y tế cho người có thẻ bảo hiểm y tế thấp vì chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế nên nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị thấp. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và giãn cách xã hội nên số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm dẫn đến nguồn thu của đơn vị sự nghiệp y tế bị giảm, thu nhập nhân viên y tế giảm mạnh, thậm chí nhiều đơn vị chậm chi trả lương cho nhân viên y tế.

Bên cạnh đó, các chính sách thu hút nhân viên y tế chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo động lực để giữ chân cán bộ y tế và tạo sức hút để đội ngũ cán bộ viên chức y tế trẻ, có trình độ và năng lực đăng ký tuyển dụng tham gia làm việc tại địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế. Nguyên nhân nữa là sự phát triển mạnh của hệ thống y tế tư nhân với môi trường làm việc thuận lợi, hiện đại, thân thiện có nhu cầu tuyển bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật y nhất là cán bộ nhân viên y tế có trình độ cao, chuyên môn sâu và những viên chức y tế đã có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh. Các cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân viên y tế, trong khi các cơ sở y tế công lập lại không có cơ chế để giữ chân họ.

Ngoài các nguyên nhân trên, các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trong thời gian qua cũng dẫn đến điều kiện môi trường làm việc của viên chức y tế bị ảnh hưởng như thiếu thiết bị hiện đại để triển khai các kỹ thuật cao. Tình trạng thiếu thuốc, thậm chí thiếu cả các vật tư tiêu hao, các dụng cụ, trang thiết bị thông thường kể cả thiếu thiết bị bảo hộ cần thiết đã làm hạn chế việc phát huy trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ, viên chức y tế nên viên chức y tế có xu hướng dịch chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân có điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn...

Đây là con số đáng báo động, nhất là trong ngành có khá nhiều đặc thù như ngành y. Bởi vậy, điều cần thiết lúc này, như đề xuất của Công đoàn Y tế Việt Nam là sớm nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở; cho phép Bộ Y tế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế làm cơ sở để động viên, khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế.

Chính phủ nên cấp kinh phí để hỗ trợ cho cán bộ, viên chức ngành y tế, cụ thể, mỗi người 1 tháng lương hiện hưởng theo ngạch bậc hiện nay, hoặc hỗ trợ với mức 1- 2 lần mức lương cơ sở hiện nay. Xem xét nâng lương khởi điểm bậc 2 đối với bác sỹ mới ra trường để thu hút đầu vào, xem xét chế độ thâm niên nghề của ngành y tế như đối với ngành giáo dục. Về lâu dài, có thể nâng lương cho cán bộ y tế bằng với mức lương của lực lượng vũ trang… Đặc biệt có chế độ chính sách hỗ trợ đối với các cán bộ, công nhân viên chức làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn, nơi xảy ra thiên tai dịch bệnh. Cần có chính sách đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực và đào tạo, nhất là bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trong các lĩnh vực lao phong, tâm thần, giải phẫu bệnh, hồi sức cấp cứu...

Những giải pháp, kiến nghị này là phù hợp và xác đáng, bởi như ý kiến của một đại biểu Quốc hội khi góp ý vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV vừa qua thì việc gần 5.000 nhân viên y tế và bác sỹ công lập xin thôi việc vì áp lực công việc cũng như thu nhập không bảo đảm cuộc sống - cứ theo đà này thì rất nghiêm trọng. Do vậy, chúng ta phải có chính sách thu hút để lực lượng này không bỏ nghề - dẫn đến khủng hoảng lực lượng chăm sóc y tế cơ sở...

Khương Ninh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/khong-de-khung-hoang-nhan-luc-y-te-i295979/