Không để phát sinh thủ tục, 'giấy phép con'

Ngày 06/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã thông tin tình hình tổ chức triển khai 34 luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến trước Kỳ họp thứ 5 (tháng 6), kế hoạch triển khai các luật thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, ban hành nghị quyết về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Các bộ đã có chuyển biến tích cực trong công tác này. Tuy nhiên, công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Đến nay, vẫn còn 11 văn bản nợ ban hành để quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ.

Nêu nguyên nhân, Phó Thủ tướng chia sẻ, ngoài số lượng văn bản pháp luật phải xây dựng lớn, một số trường hợp, cơ quan chủ trì chưa thực sự chủ động, chưa trù liệu hết các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng. Đáng chú ý, có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong tham mưu xây dựng thể chế.

Đề cập giải pháp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác xây dựng pháp luật...

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo tại hội nghị

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo tại hội nghị

Cũng tại hội nghị, đánh giá tình hình triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhận định, các cơ quan từ Quốc hội cho tới Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt, chủ động, kịp thời triển khai đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống. Dù vậy, công tác tổ chức triển khai một số luật, nghị quyết của Chính phủ còn chậm.

Để khắc phục hạn chế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát. "Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ" trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật" - ông Định nêu rõ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị tăng cường công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, không để làm phát sinh thủ tục, "giấy phép con", tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi.

Với các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, quá trình triển khai thi hành, Chính phủ lưu ý một số vấn đề quan trọng hoặc đang có nhiều vướng mắc, bất cập để hướng dẫn, có giải pháp xử lý hiệu quả...

Tham luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng đã chia sẻ về tình hình tổ chức triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến nay thuộc lĩnh vực Bộ Công an.

Theo Thứ trưởng, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến trước Kỳ họp thứ 5, Bộ Công an đã chủ trì tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua 3 luật, nghị quyết, gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Nghị quyết số 54/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ôtô. Sau khi Quốc hội thông qua, Bộ Công an đã chủ động rà soát các nội dung giao quy định chi tiết thi hành và xây dựng các dự thảo văn bản quy định chi tiết, triển khai thi hành đối 3 văn bản nêu trên và 2 luật khác có liên quan. Để triển khai thi hành các luật, Nghị quyết, Bộ Công an được giao chủ trì xây dựng 4 nghị định của Chính phủ, 6 thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an. Đến nay, Bộ Công an đã trình Chính phủ ban hành 3 nghị định, 5 thông tư và đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện 1 nghị định, 1 thông tư.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng báo cáo tham luận tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng báo cáo tham luận tại hội nghị

Về công tác chuẩn bị và kế hoạch triển khai các luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng thông tin, tại kỳ họp này, Bộ Công an đã chủ trì tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua 2 dự án luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (thông qua ngày 22/6/2023); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (thông qua ngày 24/6/2023).

Ngay sau khi Quốc hội thông qua, Bộ Công an đã chủ động rà soát các nội dung giao quy định chi tiết thi hành các luật và xây dựng các dự thảo văn bản quy định chi tiết, triển khai thi hành. Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ Công an được giao chủ trì xây dựng 7 văn bản quy định chi tiết thi hành 2 luật nêu trên, gồm 1 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 1 nghị định của Chính phủ, 5 thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an. Đến nay, 7 văn bản quy định chi tiết thi hành của 2 luật nêu trên đều đã được ban hành bảo đảm đúng tiến độ để có hiệu lực thi hành cùng thời điểm với hiệu lực thi hành của các luật vào ngày 15/8/2023.

Hải Triều

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/khong-de-phat-sinh-thu-tuc-giay-phep-con_152223.html